Ngày càng khó tuyển đủ chỉ tiêu thạc sĩ, trường đại học đề xuất loạt giải pháp

22/03/2024 06:23
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Nhiều trường đại học ngày càng khó tuyển đủ chỉ tiêu thạc sĩ với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở rộng quy mô tuyển sinh sau đại học. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều đơn vị đào tạo lại tuyển không đủ chỉ tiêu.

Theo đại diện một số trường đại học, một trong những nguyên nhân khiến các trường khó đạt chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ là do tiếng Anh đầu vào khắt khe hơn. Theo đó, từ năm 2021, học viên phải đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam mới đủ điều kiện học thạc sĩ và đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4 mới được tốt nghiệp.

Yêu cầu đầu vào, đầu ra về năng lực ngoại ngữ ngày càng cao

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 của trường 300 chỉ tiêu cho 10 ngành thạc sĩ. Tỉ lệ trúng tuyển của thạc sĩ của trường đạt 70%, tỉ lệ này thấp hơn chỉ tiêu 30%.

Nguyên nhân khách quan có thể đến từ nhu cầu người học, bởi đa phần sinh viên ra trường sẽ có nhu cầu làm việc ngay, sau đó tùy tình hình doanh nghiệp/đơn vị mới lựa chọn theo học tiếp bậc thạc sĩ.

Theo thầy Hoàn, đây là sự ảnh hưởng từ cơ chế thị trường lao động tại các doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, một phần việc giảm mạnh tỉ lệ tuyển sinh thạc sĩ trong nước có thể do sự cạnh tranh với bằng thạc sĩ nước ngoài.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan đến từ quy chế đào tạo thạc sĩ tại Việt Nam, nhằm tăng chất lượng đào tạo và đảm bảo chất lượng người học sau khi tốt nghiệp thạc sĩ nên các quy chế càng chi tiết hóa và nâng cao tiêu chuẩn đầu vào qua các năm.

Một trong những nguyên nhân gây khó khăn lớn nhất cho người học là yêu cầu đầu vào và đầu ra về năng lực ngoại ngữ. Bên cạnh đó, chính sách tuyển sinh, truyền thông tuyển sinh thạc sĩ của các trường cũng chưa thật sự đa dạng và chưa tiếp cận nhiều đối tượng.

Hiện nay, một số trường vẫn tiếp tục tuyển sinh các ngành chưa có sức hút, hoặc đặt ra chỉ tiêu ngành quá cao làm tỉ lệ trúng tuyển giảm mạnh qua các năm, chính vì vậy, cần có sự cân bằng từ phía người học và cơ sở đào tạo thạc sĩ để đảm bảo cung đủ cầu và bám sát thực tế nhu cầu nhân lực của thị trường lao động và nhu cầu của xã hội.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Quang Khang, Trưởng phòng Đào tạo sau Đại học, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, việc tuyển sinh thạc sĩ tại trường trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn và dự báo trong những năm tiếp theo cũng còn nhiều thách thức.

Khó khăn này là tình trạng chung của nhiều trường đại học mà một trong những rào cản lớn nhất là quy định trình độ ngoại ngữ đầu vào và đầu ra tại Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điểm b, Khoản 1, Điều 5, Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đối tượng và điều kiện dự tuyển:

Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 12 Thông tư này quy định về công nhận tốt nghiệp và cấp bằng thạc sĩ như sau:

Có trình độ ngoại ngữ đạt yêu cầu theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trước thời điểm xét tốt nghiệp; được minh chứng bằng một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định tại Phụ lục của Quy chế này hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài, hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành khác mà chương trình được thực hiện hoàn toàn bằng ngôn ngữ nước ngoài.

Những năm qua, chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ của Trường Đại học Mỏ - Địa chất khoảng 750 chỉ tiêu cho 20 ngành đào tạo của nhà trường.

431583196_1234143264638252_5621481438339171052_n.png
Tỉ lệ tuyển sinh thạc sĩ qua từng năm được của Trường Đại học Mỏ - Địa chất (tổng hợp số liệu trong 2 năm trước và sau khi thực hiện thông tư 23). Ảnh: NTCC.

Cũng theo thầy Khang, việc số lượng tuyển sinh thạc sĩ giảm dần có hai nguyên nhân.

Nguyên nhân khách quan là do nhu cầu xã hội hiện nay đối với các ngành đào tạo truyền thống của nhà trường giảm mạnh. Ở một số ngành, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên môn được đào tạo chưa cao, vì vậy nên nguồn tuyển hạn chế.

Cùng với đó, nhiều trường đại học có cùng ngành đào tạo thạc sĩ với Trường Đại học Mỏ - Địa chất nên tạo ra sự cạnh tranh trong tuyển sinh.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, thầy Khang cho biết, việc thay đổi quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ, yêu cầu tiêu chí chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra về ngoại ngữ cao hơn nên số lượng dự tuyển giảm đi rõ rệt so với khi thực hiện theo quy chế cũ.

Đây cũng là nguyên nhân, là "rào cản" với nhiều người, nhiều học viên dù có nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ.

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân thông tin, tuyển sinh trình độ thạc sĩ của trường chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu.

Một phần nguyên nhân chính là do chuẩn đầu ra tiếng Anh B2 (ngoại ngữ bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam) tương đối cao, chính vì vậy, nhiều sinh viên đã đi làm khó có thể thi đạt chứng chỉ ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, chương trình thạc sĩ học trong vòng 1,5 năm đến 2 năm mà để học viên đạt được chuẩn đầu ra theo khung năng lực ngoại ngữ như quy định hiện hành là rất khó, nhất đối với ngành kỹ thuật, môi trường,...

Khó tuyển sinh thạc sĩ có ảnh hưởng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao?

Thực trạng không tuyển sinh đủ chỉ tiêu thạc sĩ cũng đặt ra lo ngại thiếu nguồn nhân lực - đội ngũ giảng viên trình độ cao bổ sung cho các trường đại học trong thời gian tới.

Đặc biệt vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, theo đó, yêu cầu về tiêu chuẩn giảng viên, trình độ giảng viên cũng cao hơn.

Theo Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, tiêu chí "Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ" như sau:

a) Không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ;

b) Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Quang Khang cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, Trường Đại học Mỏ - Địa chất có 523 giảng viên cơ hữu, trong đó số giảng viên có trình độ tiến sĩ, học hàm phó giáo sư, giáo sư là 277 người, đạt 52,9%.

Với tỷ lệ này nhà trường đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuẩn cơ sở giáo dục đại học vừa được ban hành.

Tuy nhiên, về chiến lược phát triển lâu dài, việc đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là đội ngũ giảng viên cho các ngành đào tạo mới phù hợp với nhu cầu nhân lực của xã hội là vấn đề rất cần được quan tâm, đòi hỏi có lộ trình và có tính kế cận.

Vấn đề này đã được Đảng uỷ, Hội đồng trường và Ban giám hiệu nhà trường đưa vào Nghị quyết và Kế hoạch thực hiện hàng năm, đảm bảo đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường luôn đáp ứng được nhu cầu đào tạo.

Thực tế tuyển sinh thạc sĩ khó và không đáp ứng đủ chỉ tiêu như hiện nay đúng là khó khăn cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

Chính vì vậy, để giải quyết được vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống giáo dục mà trọng tâm là người học có nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn cần được hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận với chương trình đào tạo mới, có chất lượng.

Bên cạnh đó, các yêu cầu ràng buộc mang tính điều kiện cần có quy định cụ thể, phù hợp hơn cho từng đối tượng người học, ngành học.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, về chỉ tiêu thạc sĩ không đủ có nhiều lí do, tuy nhiên vẫn có thể tuyển sinh.

Đối tượng người học này thường là các cá nhân có nguyện vọng làm việc nhà nước hoặc mong muốn tham gia vào giảng dạy tại các trường đại học.

Tuy nhiên, đúng với quy chế, để được dạy tại bậc đại học, giảng viên phải đảm bảo điều kiện có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên. Như vậy việc tuyển sinh thạc sĩ khó không ảnh hưởng đến việc đảm bảo chỉ tiêu tiến sĩ theo Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Chưa kể đến việc, các cơ sở đại học nói chung và Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng luôn đặt ra các mục tiêu để phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, cũng như thu hút nhân lực có trình độ tiến sĩ trở lên từ bên ngoài, hoặc nhân sự có trình độ cao từ nước ngoài về có nguyện vọng làm việc tại trường.

“Hiện tại, tính đến hết năm học 2022-2023 toàn trường đã có 37.5% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ trở lên.

Bên cạnh đó, số lượng giảng viên đang nghiên cứu sinh dự kiến hoàn thành năm 2024 sẽ tăng tỉ lệ này trên 40%. Như vậy, đến năm 2025. Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt đối với tiêu chuẩn này.

Thực tế, trước khi tiêu chuẩn này được ban hành, nhà trường cũng đã đặt ra các chỉ tiêu riêng về con số này. Đây là mục tiêu mà nhà trường muốn hướng đến nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo tại trường”, thầy Hoàn thông tin thêm.

Cần có giải pháp cụ thể để tháo gỡ “nút thắt"

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, để công tác tuyển sinh thạc sĩ trở nên nhẹ nhàng hơn, đầu tiên cần xác định lại nhu cầu của người học và nguyên nhân cụ thể với từng nhóm ngành học. Sau đó có những giải pháp cụ thể cho từng trường hợp, từng nhóm đối tượng người học khác nhau.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục phải khẳng định được chất lượng đào tạo bao gồm: đội ngũ, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ và có sự khác biệt giữa các bậc đào tạo trong cùng một cơ sở giáo dục, phải tạo được niềm tin cho người học, doanh nghiệp và xã hội.

Bên cạnh đó, xây dựng chương trình liên thông từ bậc cử nhân/kỹ sư để học chuyển tiếp lên thạc sĩ, nhằm rút ngắn thời gian cho người học và giảm được chi phí trong quá trình học tập. Có lộ trình cho người học đạt được trình độ ngoại ngữ, đầu ra của bậc cử nhân, kỹ sư và đầu vào của bậc thạc sĩ.

Ngoài ra, kế hoạch đào tạo linh hoạt cũng là yếu tố quan trọng áp dụng cho các cơ quan, doanh nghiệp có yêu cầu nâng cao trình độ cho cán bộ để đào tạo trực tiếp nhằm giảm bớt thời gian đi lại của người học.

Còn theo Tiến sĩ Võ Thanh Hải, để tăng quy mô đào tạo bậc thạc sĩ cần xem lại trình độ chuẩn đầu ra ngoại ngữ bậc 4.

Bên cạnh đó, các chương trình sau đại học cần tiếp cận với các bạn sinh viên, hiện nay quy chế đào tạo thạc sĩ cho phép sinh viên được học trước 15 tín chỉ, như vậy, sau tốt nghiệp cử nhân/kỹ sư, các em học thêm 1,5 năm nữa là tốt nghiệp thạc sĩ.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: Website nhà trường.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: Website nhà trường.

Về mặt chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học nên đổi mới chương trình đào tạo, tăng các chương trình, cập nhật các vấn đề mới và áp dụng thực tiễn. Cùng với đó phải nâng cao hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ giáo sư tham gia các chương trình giảng dạy sau đại học phải là những nhà giáo có công trình nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng theo thầy Hải, về vấn đề chuẩn đầu ra sau đại học của chương trình thạc sĩ, nên đề cao về tính ứng dụng, vận dụng nhiều hơn, còn tiếng Anh chỉ là công cụ để hỗ trợ làm việc, giao tiếp, truy cập tài liệu trong quá trình hội nhập hiện nay.

Cùng đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ, đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Quang Khang nêu quan điểm, mục tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra trong Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng mục tiêu giáo dục Việt Nam tiệm cận dần với giáo dục quốc tế.

Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ hiện nay, từ góc độ người quản lý tại cơ sở đào tạo trực tiếp, thầy Khang chia sẻ, nên mở rộng các hình thức đào tạo sau đại học, phương thức xét tuyển linh hoạt.

Cùng với đó xây dựng, đổi mới các chương trình đào đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, giúp người học có nhiều thời gian tự nghiên cứu, thực hành, trải nghiệm thực tế thay vì phải học quá nhiều các học phần trên lớp.

Cũng theo thầy Khang, nhà nước cần có cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút cán bộ, nhà khoa học giỏi, chuyên gia nước ngoài, Việt kiều trong công tác đào tạo, đặc biệt là công tác đào tạo sau đại học.

Đồng thời có chính sách học bổng, hỗ trợ kinh phí như sinh hoạt phí cho nghiên cứu sinh và học viên cao học yên tâm nghiên cứu, có chế độ khen thưởng cho nghiên cứu sinh, học viên có bài báo công bố quốc tế, đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao.

Đối với yêu cầu chuẩn ngoại ngữ trong tuyển sinh thạc sĩ, cần có lộ trình dài hơn, được xây dựng bài bản từ cấp thấp đến cấp cao và được khảo thí độc lập qua từng cấp học.

Bên cạnh đó, ngoại ngữ là điều kiện phục vụ học viên học tập, nghiên cứu, tra khảo các kiến thức chuyên môn nên cần có quy định cụ thể cho từng khối ngành, tạo điều kiện cho học viên có cơ hội tiếp cận kiến thức chuyên ngành, nâng cao trình độ chuyên môn.

Thu Trang