Mỗi lần có dịp đi qua cầu Hiền Lương, tôi lại ngước nhìn lên bầu trời mênh mông và không thể không nhớ tới câu thơ rất nổi tiếng của Tế Hanh viết thời đất nước chia cắt làm đôi: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu”...
Lòng tự hỏi, màu xanh Quảng Trị ấy là gì mà bầu trời vắt ngang vĩ tuyến 17 này mang đặt vào mình trong thời "ngày Bắc đêm Nam".
Phải chăng, ấy là màu của khát vọng đoàn tụ hai miền. Khát vọng ấy còn có cách gọi khác là thống nhất non sông, và có lần trong một bài thơ chúc Tết, Bác Hồ đã diễn giải rất giản dị, cụ thể: “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!”.
Cụm di tích lịch sử cầu Hiền Lương - sông Bến Hải (Quảng Trị). Ảnh: dantocmiennui.vn |
Hơn hai mươi năm, dân tộc đi qua một cuộc trường chinh muôn vàn gian khổ, chồng chất cam go và mất mát, hy sinh không kể xiết để giải phóng đất nước, thống nhất non sông.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta xứng đáng được ghi danh vào lịch sử như đỉnh cao của truyền thống yêu nước nồng nàn và nghệ thuật chiến tranh nhân dân kỳ diệu.
Chỉ cần đứng dưới bầu trời xanh màu xanh Quảng Trị này, chúng ta cũng đã hình dung dòng chảy của quá khứ bi tráng và những giấc mơ hòa bình đu đưa trong lòng địa đạo Vĩnh Quang, Vịnh Mốc, trên mỗi tấc đất Cồn Cỏ và từng cháy lên trong 81 ngày đêm Thành cổ...
Cái mùi cỏ cháy cũng mang khát vọng hòa bình, khát vọng sum vầy của những chàng binh nhì mặt sạm đen khói đạn. Lên thượng nguồn Bến Hải, ta rưng rưng thấy “mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn”, nhấp nhô “mười nghìn con đò thương về bến đợi” và “mười nghìn hạt giống chưa về phù sa” cũng mang trong đó ước mong đoàn tụ...
Còn một nghĩa trang liệt sĩ quốc gia khác nằm sát Đường 9, nơi quần tụ trên một vạn đồng đội đã hy sinh trong kháng chiến cũng mang trong đó ước mong sum họp.
Ước mong ấy không riêng lẻ, nó là của số đông, của cả dân tộc có hàng triệu người cùng chung số phận “Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường, níu chiếu đợi anh” như Hữu Thỉnh từng viết. Số phận của mỗi người, của mỗi gia đình, mỗi dòng họ cùng chung với số phận dân tộc. Khi đất nước in dấu giày viễn chinh của kẻ thù thì không còn con đường nào khác, dân tộc phải chiến đấu để quét sạch nó đi...
Đấy là chân lý thời đại, là cái "dĩ bất biến" của một dân tộc yêu nước, yêu hòa bình, chứ không phải là ý niệm và hành động của kẻ hiếu chiến, kích hoạt xung đột. Nó gần gũi, tôi nghĩ thế với quan niệm sống của đạo Phật “yêu thương vô tư rồi sẽ có tất cả”.
Một dân tộc lấy yêu thương làm cốt lõi tinh thần, lấy minh triết dân gian “Thương người như thể thương thân” để ứng xử là một dân tộc có văn hiến.
Bản lĩnh dân tộc cũng sinh ra từ đấy. Và điều đó lý giải vì sao dân tộc Việt đã từng chiến thắng những kẻ thù to lớn hơn mình.
Không có gì ngạc nhiên cả khi Lễ hội Thống nhất non sông ở Hiền Lương, Quảng Trị đã thu hút rất nhiều người đến dự. Lễ hội mang ý nghĩa cao cả và có tầm vóc lớn gắn liền với lịch sử giữ nước của dân tộc ta.
Không có sự lãng quên nào cả, quá khứ vẫn được ghi ơn một cách trân trọng, sâu sắc và điều quan trọng hơn là lời nhắc nhở về tinh thần yêu quý hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc.
Một dân tộc mạnh là một dân tộc luôn đề cao nhân nghĩa, biết khép lại chuyện thắng thua để hướng tới tương lai.
Ngày chiến thắng 30/4/1975 mang lại điều đó. Ý nghĩa lớn nhất, đẹp nhất của ngày lịch sử trọng đại này chính là ở đó. Tôi nghĩ thế, còn lớn hơn cả chiến thắng mà mỗi chúng ta có quyền tự hào, yêu quý.
Trong ngày hội Thống nhất non sông có lễ thượng cờ ở kỳ đài phía Bắc sông Bến Hải, ngay gần cầu Hiền Lương. Ngọn cờ đỏ sao vàng tung bay bát ngát giữa bầu trời Quảng Trị, bầu trời Việt Nam tự do, hòa bình.
Tôi nghe tiếng độc huyền cầm ngân rung, giai điệu sáng trưng, thánh thót ngay nơi từng là vết đứt chia cắt của non sông Việt Nam.
Ngước nhìn lên bao la, thăm thẳm “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị”. Màu xanh yên bình, sum vầy bay lên từ khát vọng non sông, khát vọng Việt Nam nghìn đời và mãi mãi: “Độc lập-Tự do-Hòa bình-Thống nhất!”.