Tháng 01/1946, Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục được thành lập ở Paris – Thủ đô Cộng hòa Pháp. Tên viết tắt của tổ chức này là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants).
Năm 1957, gần 60 thành viên thuộc FISE (trong đó có Việt Nam) tổ chức hội nghị tại thủ đô Vacsava – Ba Lan quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”.
Ngày 28/09/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 – HĐBT (Quyết định 167) quy định lấy ngày 20/11 hàng năm là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Quyết định do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký.
Đoạn mở đầu trong Quyết định 167 viết: “Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Chủ nhiệm Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương” cho thấy quyết định này được ban hành là do đề nghị của ba vị lãnh đạo cấp cao nhất của ba cơ quan quản lý lĩnh vực giáo dục, đào tạo cùng với lãnh đạo cơ quan bảo vệ quyền lợi trẻ em của Quốc hội.
Điều 3, Quyết định 167 ghi:
“Việc tổ chức ngày 20 tháng 11 hàng năm do Ủy ban nhân dân và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc họp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích.
Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh”.
Được biết Quyết định 67 chỉ có 05 điều, gần đây các điều 1, 2, 4, 5 đã có sự điều chỉnh, riêng điều 3 (nêu trên) là giữ nguyên không đổi.
Có thể thấy Chính phủ đã quy định rất rõ là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam phải do “Ủy ban nhân dân và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì” chứ không phải do các trường hoặc thày cô tự tổ chức, còn chính quyền chỉ đóng vai khách mời danh dự.
Vậy thực tế diễn ra như thế nào?
Ngày 17/11/2022 báo chí đưa tin:
“Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội và Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết không tiếp khách và nhận hoa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Một số trường đại học, cao đẳng khác cũng có thông báo tương tự. [1]
Mọi người có thể cho rằng thông báo nêu trên là một việc làm phù hợp với chủ trương tiết kiệm, chứng tỏ sự “thanh bạch” của người trong ngành nhưng người viết lại nghĩ khác. Ở đây giường như đang có sự "nhầm lẫn" mà nhiều cơ quan quản lý giáo dục mắc phải.
Sở Giáo dục & Đào tạo cũng như các cơ sở giáo dục không có nghĩa vụ và trách nhiệm tổ chức ngày 20/11 và do đó không cần phải thông báo chuyện “không tiếp khách và nhận hoa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11”. Trách nhiệm của các cơ quan này là “phối hợp” cùng các cơ quan, đơn vị khác cùng nhau tổ chức lễ kỷ niệm.
Theo Quyết định 167, tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam là trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp, điều này có nghĩa là Ủy ban Nhân dân mới là cơ quan phải “tiếp khách và tặng hoa ngày 20/11” cho các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Lãnh đạo cơ quan chính quyền các cấp có trách nhiệm tổ chức lễ kỷ niệm, mời các nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục đến tham dự chứ không phải chờ được mời rồi đến dự với tư cách cấp trên rồi đưa ra vài câu huấn thị.
Có thể đa số công chức, viên chức các cơ quan quản lý giáo dục (Bộ/Sở/Phòng Giáo dục & Đào) tạo xuất thân là nhà giáo nên việc chào mừng ngày 20/11 với các cựu giáo chức là lẽ đương nhiên, nhưng dẫu có thế thì các cơ quan này cũng không bị bắt buộc phải tổ chức tiếp khách chào mừng ngày lễ trừ trường hợp được Ủy ban Nhân dân giao nhiệm vụ tổ chức với tư cách thay mặt Ủy ban chứ không phải tự tổ chức đề chúc mừng chính bản thân mình.
Vậy nếu các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục tự động tổ chức kỷ niệm (tiếp khách) nhân ngày 20/11 thì có đang làm trái Quyết định của Chính phủ bởi việc tổ chức ngày này là nhiệm vụ của chính quyền và Hội đồng giáo dục (nếu có).
Phải chăng một vài cơ sở giáo dục, lãnh đạo nhà trường đã biết rất rõ quy định tại điều 3 - Quyết định 67 của Chính phủ, rằng trường phổ thông không có trách nhiệm tổ chức lễ kỷ niệm nhưng vẫn phải miễn cưỡng tổ chức?
Bằng chứng là một trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã gửi giấy mời tới các “quý vị Đại biểu” với nội dung:
“Dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1932 – 20/11/2022”.
Giấy mời của một trường học có sự nhầm lẫn về mốc thời gian ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Đáng nói, giấy mời được phát đi với rất nhiều sai sót. Đơn cử như địa bàn trường cư trú ghi "H. Gia Lâm - TP Hà Nội".
Trường trung học phổ thông chắc chắn có bộ môn Văn và bộ môn này chắc chắn phải dạy học sinh (từ lớp 10 đến lớp 12) văn phạm tiếng Việt. Vậy trong giấy mời nêu trên chữ “huyện” viết tắt là “H.” (có dấu chấm bên phải chữ H) còn chữ “thành phố” viết là “TP” không có dấu chấm. Trong phần ghi chương trình buổi lễ, sau dấu hai chấm (:) lại viết hoa,… ?
Nghị định 30/2020/NĐ-CP về “Công tác văn thư đối với các văn bản hành chính và bản sao văn bản áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước” quy định sau dấu “:” không viết hoa (trừ khi sau dấu “:” có xuống dòng), nguyên văn như sau:
“Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh: Sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!) và khi xuống dòng”.
Giấy mời có chữ ký và con dấu tên, chức vụ Hiệu trưởng nhưng những sai sót về ngày tháng (20/11/1932) và vô số lỗi chính tả cho thấy có vẻ như vị bộ phận văn thư giúp việc cho vị Hiệu trưởng này chẳng mấy quan tâm đến nội dung tờ giấy mời của cơ quan mình.
Một vài người nhận được giấy mời phê phán sự không cẩn thận khi duyệt, in và gửi tờ giấy mời của trường này nhưng người viết không nghĩ như vậy. Sách giáo khoa chương trình cải cách giáo dục 2018 và không ít văn bản của các cơ quan lý cũng mắc nhiều lỗi mà báo chí đã “dọn vườn” nên chuyện lỗi trong giấy mời của một trường phổ thông âu cũng là bình thường
Khi trên một số phương tiện truyền thông quảng bá cho khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thì có phải ngày 20/11 lại mang lại phiền muộn cho không ít lãnh đạo cơ sở giáo dục và phụ huynh bởi cả nhà trường và hội cha mẹ học trò đều phải lo chuyện “đầu tiên”!
Để tránh những ấn tượng không hay về ngày Nhà giáo Việt Nam, để tuân thủ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phải chăng Ủy ban Nhân dân các cấp nên ngừng “chuyển giao” trách nhiệm tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam cho các cơ sở giáo dục bằng cách đứng ra tổ chức buổi lễ này một cách nhẹ nhàng, trang trọng nhưng thiết thực?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://suckhoedoisong.vn/mot-so-noi-khong-tiep-khach-nhan-hoa-va-qua-chuc-mung-ngay-nha-giao-viet-nam-20-11-169221117121637796.htm