LTS: Là một Việt kiều ở Phần Lan, thầy Võ Xuân Quế từng có nhiều bài về giáo dục Phần Lan trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Trong bài viết này, nhà giáo Võ Xuân Quế gửi đến bạn đọc bài viết về việc bảo vệ đa dạng ngôn ngữ và tiếng Việt tại Phần Lan.
Toà soạn trân trọng gửi đến quý độc giả.
Bảo vệ đa dạng ngôn ngữ
Ngôn ngữ, với ý nghĩa phức tạp của chúng đối với bản sắc, giao tiếp, hội nhập xã hội, giáo dục và phát triển, có tầm quan trọng chiến lược đối với con người và hành tinh.
Tuy nhiên, do quá trình toàn cầu hóa gia tăng, nhiều ngôn ngữ đã và đang bị đe dọa biến mất hoàn toàn.
Khi ngôn ngữ mờ dần, tấm thảm phong phú về sự đa dạng văn hóa của thế giới cũng mất theo.
Cơ hội, truyền thống, trí nhớ, cách suy nghĩ và cách thể hiện độc đáo - nguồn lực quý giá để đảm bảo một tương lai tốt hơn - cũng bị mất.
Người Việt nói và viết sai tiếng Việt thành quen |
Ít nhất 43% trong số hơn 6000 ngôn ngữ ước tính trên thế giới đang bị đe dọa.
Cứ hai tuần một ngôn ngữ biến mất mang theo toàn bộ di sản văn hóa và trí tuệ.
Sự đa dạng ngôn ngữ ngày càng bị đe dọa khi ngày càng nhiều ngôn ngữ biến mất.
Trên toàn cầu, 40% dân số không được tiếp cận với một nền giáo dục bằng ngôn ngữ mà họ nói hoặc hiểu.
Chỉ có vài trăm ngôn ngữ thực sự được dành một vị trí trong các hệ thống giáo dục và phạm vi công cộng, và chưa đến một trăm ngôn ngữ được sử dụng trong thế giới kỹ thuật số.
Ý tưởng kỷ niệm Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ là một sáng kiến của Bangladesh, được UNESCO phê duyệt tại Hội nghị toàn thể năm 1999 và đã được kỉ niệm trên toàn thế giới từ tháng 2 năm 2000[1].
Năm nay ở Phần Lan và các nước Bắc Âu, cùng với việc kỉ niệm Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ, các nước còn kỉ niệm Tháng đa ngôn ngữ từ ngày 21/2 đến ngày 21/3/2020, Ngày thơ thế giới và ngày quốc tế để xóa bỏ phân biệt chủng tộc.
Tháng đa ngôn ngữ đã được tổ chức tại Phần Lan như là một lễ hội ngôn ngữ hàng năm kể từ năm 2015.
Tiếng Việt và việc dạy, học tiếng Việt ở Phần Lan
Tiếng Việt là một trong hơn 150 ngôn ngữ được nói ở Phần Lan[2].
Người nói các ngôn ngữ khác nhau được quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình trong một số lĩnh vực như an sinh xã hội, y tế, cảnh sát và tòa án.
Chính quyền địa phương đảm bảo dịch vụ phiên dịch và chi phí cho các lĩnh vực này.
Học sinh nước ngoài học tiếng mẹ đẻ ở trường Phần Lan năm 2018 (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Trong lĩnh vực giáo dục, cũng như các nước Bắc Âu, ở Phần Lan học sinh ở bậc học phổ thông (lớp 1-lớp 12) trong cả nước được học tiếng mẹ đẻ miễn phí ở trường, nếu có số đủ lượng để tổ chức lớp theo quy định của các cơ sở giáo dục.
Hàng năm, trước khi kết thúc năm học, các học sinh đăng kí với các trường nguyện vọng học tiếng mẹ đẻ cho năm học sau để trường tìm giáo viên và tổ chức lớp.
Vì vậy tùy theo nguyện vọng của học sinh từng năm mà số lượng học sinh và lớp học tiếng mẹ đẻ được tổ chức khác nhau.
Theo số liệu của Nha giáo dục quốc gia, năm 2018 ngoài tiếng Phần Lan, tiếng Thụy Điển và tiếng Sami (3 ngôn ngữ bản địa của Phần Lan) có 58 ngôn ngữ nước ngoài được dạy cho 20732 học sinh như tiếng mẹ đẻ ở 88 trường học trong cả nước, mỗi tuần 2 tiết.
Theo số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia, cho đến ngày 31/12/2018, tổng số người gốc Việt ở Phần Lan là 11,385 người trong đó có 10,440 người nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ.
Còn theo số liệu của Nha giáo dục vào năm học 2018 trong tổng số 20732 học sinh học tiếng mẹ đẻ ở 88 trường học trong cả nước, có 494 học sinh Việt Nam học tiếng Việt ở trường.
Rất tiếc không có được chính xác số học sinh gốc Việt không học tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ ở các trường học Phần Lan, song tôi nghĩ rằng con số này có thể không lớn lắm.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://en.unesco.org/commemorations/motherlanguageday
[2] https://www.kotus.fi/en/on_language/languages_of_finland