Theo đó, Chỉ thị số 26/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An nêu ra 3 nhiệm vụ và giải pháp đột phá gồm:
1. Chỉ đạo đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn.
2. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, có tầm nhìn và sáng tạo.
3. Chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đơn vị trong nước; tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển giáo dục và đào tạo, về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đặc biệt về chuyển đổi số ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Và có 8 nhiệm vụ trọng tâm gồm:
1. Tiếp tục tham mưu xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách về giáo dục.
2. Xây dựng quy hoạch phát triển từng giai đoạn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu học tập của người dân.
3. Đảm bảo nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học.
4. Chỉ đạo đổi mới quản lý Ngành và quản trị trường học.
5. Chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục toàn diện.
6. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục từng cấp học, bậc học.
7. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đối với giáo dục nghề nghiệp.
8. Chỉ đạo quán triệt những nhiệm vụ và giải pháp đối với giáo dục đại học.
Khu phòng học khang trang trong khuôn viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Ảnh: Trung Dũng |
Trong đó, với các cấp học trên địa bàn, chỉ thị nói trên cũng nêu lên những nhiệm vụ cụ thể.
Đối với giáo dục mầm non, tiểu học và trung học:
Được đề cập tại nhiệm vụ số 2 của chỉ thị nói trên, nhiệm vụ này nhấn mạnh việc, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục chỉ đạo sáp nhập trường lớp gắn với chủ trương sáp nhập địa bàn hành chính giai đoạn 2023 - 2025; dồn dịch các điểm trường đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình trường học, hoạt động quản lý, giáo dục có hiệu quả qua triển khai thí điểm; tập trung xây dựng các trường Phổ thông dân tộc bán trú; thí điểm xây dựng 12 trường thực hiện mô hình trường Phổ thông dân tộc nội trú bán trú kiểu mới ở Tiểu học và Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông bán trú.
Cụ thể, tại nhiệm vụ số 6 nhấn mạnh thêm:
a. Giáo dục Mầm non: Chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non 2 buổi/ngày, bán trú đối với tất cả trẻ đến trường. Tăng cường các hoạt động cho trẻ thực hành, trải nghiệm, giáo dục phát triển nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội, chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp 1 tiểu học.
Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; phòng chống bạo hành trẻ; phòng chống tai nạn, thương tích đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; quan tâm hoạt động của các cơ sở, nhóm trẻ độc lập.
b. Giáo dục Tiểu học: Chỉ đạo phát triển chương trình đảm bảo thực hiện mục tiêu giáo dục theo hướng hiện đại, tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học theo tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, xây dựng môi trường giáo dục trải nghiệm; đổi mới cách kiểm tra, đánh giá, phát huy năng lực tư duy, khả năng phân tích, sáng tạo. Tăng cường quản lý chất lượng, minh bạch hóa, công khai hóa kết quả kiểm định.
c. Giáo dục Trung học: Chỉ đạo xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục nhà trường đảm bảo theo chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chương trình địa phương, từng bước tiệm cận chuẩn khu vực, quốc tế; đồng thời phát huy được sự sáng tạo cho học sinh nhằm tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển quê hương, đất nước.
Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Coi trọng dạy học phân hóa, dạy học sát đối tượng; đẩy mạnh việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng khát vọng, ý tưởng khởi nghiệp... Chỉ đạo đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; chú trọng đánh giá sự tiến bộ của học sinh; kết hợp các hình thức đánh giá.
Đối với giáo dục nghề nghiệp:
Tại nhiệm vụ số 7 của chỉ thị này nêu lên một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:
a. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển các trường chất lượng cao, trường có ngành nghề trọng điểm các cấp độ.
b. Tăng cường, đổi mới công tác thông tin, truyền thông về Giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng của thị trường lao động và nhu cầu học nghề. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Không ngừng đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp quản trị và giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để thực hiện đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cuộc cách mạng 4.0.
c. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động đặc thù, lao động bị mất việc làm; đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động với chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Tăng cường hoạt động gắn kết với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động theo từng ngành nghề, cấp trình độ, vị trí việc làm; nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều, tuyển dụng lao động đã qua đào tạo để ký kết các chương trình hợp tác
d. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ khởi nghiệp có hiệu quả, nhằm phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức có hiệu quả Ngày hội tuyển sinh, Kỳ thi kỹ năng nghề, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh sinh viên Giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh và tham gia Kỳ thi kỹ năng nghề, Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2023 đạt kết quả tốt.
e. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo và hệ thống quản lý chất lượng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Tăng cường công tác kiểm.
Đối với giáo dục đại học:
Tại nhiệm vụ số 8 của chỉ thị này nêu lên những yêu cầu sau:
a. Hoàn thành, trình phê duyệt đề án sáp nhập Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An. Phấn đấu đến 2045, Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
b. Chỉ đạo quyết liệt và tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng và hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh các bậc học, loại hình đào tạo; tích cực thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học trên đại bàn tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng và triển khai mô trình trường đại học thông minh đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trường học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu chuyển đổi số.
Chỉ thị của UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, trong năm học 2023 - 2024, Nghệ An sẽ hoàn thành việc sáp nhập 3 trường là Đại học Kinh tế Nghệ An, trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An,vhna.edu.vn |
c. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hoạt động công bố quốc tế. Thực hiện các đề tài phục vụ hoạt động đào tạo, các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp của sinh viên, học viên.
d. Tập trung nâng cao các hoạt động đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên; tăng cường và đa dạng hoá các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ người học và thực hiện các dịch vụ giáo dục. Triển khai thực hiện mạnh mẽ phương pháp đào tạo: “Gắn nhà trường với doanh nghiệp”.
e. Đổi mới hoạt động hợp tác quốc tế trên cơ sở phát triển các mối quan hệ quốc tế, tăng cường hợp tác, trao đổi về giáo dục đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học; Phối hợp tổ chức các hội thảo quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học trên đại bàn tỉnh. Chủ động thu hút nguồn lực tài trợ quốc tế cả về chuyên gia, chương trình, giải pháp và tài chính, vật chất; tham gia mạng lưới nghiên cứu và trao đổi toàn cầu.