Nghe Bộ xuống kiểm tra các trường run lên rồi, đâu để sai phạm kéo dài như thế!

30/03/2022 06:55
Trung Dũng
GDVN- "Nếu thực hiện đầy đủ các bước, chỉ cần nghe tin đoàn của Bộ xuống giám sát – kiểm tra là các trường đã phải “run” lên rồi", Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, trong Thông báo Kết luận thanh tra số 110/TB-BGDĐT về việc “thanh tra đột xuất Học viện Quản lý giáo dục” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, rất nhiều sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục đã được nêu ra.

Theo đó, Bộ Giáo dục cũng đã xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi để xảy ra các sai phạm trong nhiều năm ở Học viện này.

Thanh tra Bộ Giáo dục cũng đã yêu cầu Hội đồng Học viện tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý trách nhiệm và xem xét kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền đối với Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục.

Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhiệm kỳ 2016-2021 là ông Phạm Quang Trung.

Ông Phạm Quang Trung được bổ nhiệm từ tháng 11/2016.

Không chỉ Học viện Quản lý giáo dục, trước đó, vào tháng 8/2019, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 437-QĐ/ĐUK, thi hành kỷ luật Đảng ở mức Khiển trách đối với ông Hà Thanh Việt – Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Hà Thanh Việt hiện đã được cho thôi giữ chức Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2017-2022 theo nguyện vọng cá nhân, kể từ ngày 1/3/2022.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh:N.Q

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh:N.Q

Những sai phạm xảy ra ở các trường đào tạo cán bộ quản lý giáo dục vừa qua, không khỏi khiến cho dư luận đặt ra câu hỏi về năng lực quản lý, quá trình kiểm tra - giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó với các nhà trường trực thuộc như thế nào?

Điều này rất cần được Bộ này thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá lại, để việc quản lý tốt hơn.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết: “Tôi từng công tác tại một trong 2 trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên trước những khuyết điểm xảy ra, bản thân tôi không tránh khỏi chạnh lòng, đau xót.

Qua sự việc này có thể thấy, sự quản lý nói chung giữa các ngành trong một số trường đại học ở nước ta trong thời gian vừa qua đang có "vấn đề".

Chủ yếu là sự thiếu tường minh trong tư duy giữa 3 lĩnh vực gồm: Lãnh đạo, quản lý và quản trị.

Nếu phân tích sâu hơn về 3 lĩnh vực này, chúng ta có thể hiểu rằng, lãnh đạo ở đây chính là lãnh đạo về con người, quản lý ở đây là quản lý về công việc và quản trị là quản trị về đồng tiền.

Tuy nhiên, sau khi những sai phạm được chỉ ra, soi xét kỹ có thể thấy rằng, ở Học viện Quản lý Giáo dục thời gian qua đã không phân định rõ các điều đó. Điều này đã dẫn đến tình trạng “đá bóng lộn sân”.

Cụ thể là, chỗ chỉ cần lãnh đạo thì người đó lại vào làm quản lý, nhưng lúc cần quản lý thì người đó lại đi làm quản trị”. Nhấn mạnh về điều này, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng, cần phải thừa nhận trong thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiếu đi sự giám sát và kiểm tra một cách chu đáo.

“Thông thường, để đảm bảo việc thực hiện giám sát của cấp trên với cấp dưới một cách đầy đủ, phải trải qua các trình tự như sau:

Thứ nhất là giám sát – phản biện: Nghĩa là lãnh đạo Bộ xuống trường để giám sát, rồi sau đó thu thập lại những ý kiến của nhà trường phản biện lại, từ đó báo cáo về để Bộ nắm được các tâm tư, tình cảm của trường đó như thế nào, cần tháo gỡ ra sao?

Thứ hai là giám sát – tư vấn: Nghĩa là Bộ cho người xuống trường giám sát và sau đó tư vấn cho trường các phương án làm việc, điều hành đội ngũ cán bộ để làm sao cho trường hoạt động tốt hơn.

Thứ ba là giám sát – hỗ trợ: Là thông qua quá trình giám sát để tìm ra các phương án hỗ trợ cho các nhà trường thật hợp lý, không thừa nhưng cũng không thiếu. Có thể là hỗ trợ về ngân sách, tài chính hoặc có thể là hỗ trợ về nhân lực.

Cuối cùng mới là giám sát – kiểm tra: Nghĩa là thông qua giám sát chúng ta kiểm tra tình hình hoạt động của nhà trường như vậy có ổn không, có cần phải sửa đổi, chỉnh đốn đội ngũ hay không, có cần cải tổ hay vẫn giữ lại bộ máy cũ.

Để việc quản lý được hiệu quả nhất, cần thiết chúng ta phải trải qua các bước như vậy thì mới nắm rõ được gốc rễ của vấn đề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chúng ta vẫn còn làm các khâu này rất qua loa.

Thậm chí, có đoàn xuống trường là tiến hành giám sát – kiểm tra luôn mà "nhảy cóc" qua các bước như trên.

Nếu thực hiện đầy đủ các bước như vậy, chỉ cần nghe tin có đoàn của Bộ xuống giám sát – kiểm tra là các trường đã phải “run” lên rồi, đâu để cho các sai phạm kéo dài như thế", Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhận định.

Làm sao để sự quản lý ở các trường đào tạo cán bộ quản lý giáo dục tốt hơn vẫn là câu hỏi đang được nhiều người quan tâm. Ảnh: Trung Dũng

Làm sao để sự quản lý ở các trường đào tạo cán bộ quản lý giáo dục tốt hơn vẫn là câu hỏi đang được nhiều người quan tâm. Ảnh: Trung Dũng

Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh thêm rằng, cũng có những sai phạm trong kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra, được tích tụ qua nhiều năm và trở nên kéo dài, bắt nguồn từ sự quản lý chưa thực sự khéo léo của các đơn vị có liên quan.

"Tất nhiên, khi sai phạm xảy ra ở đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý thì đương nhiên Bộ này phải chịu trách nhiệm lớn nhất.

Mọi việc đã xảy ra, các trường cũng đang phải tập trung để khắc phục khuyết điểm. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, rất cần các cấp lãnh đạo xúm tay vào để sớm “ tháo gỡ” cho các sai phạm đã diễn ra và giải quyết rốt ráo dứt điểm các cá nhân để xảy ra sai phạm.

Trung Dũng