Hàng trăm giáo viên huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã sở hữu hợp đồng lao động đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp do những vi phạm bất thường về tuyển dụng của lãnh đạo huyện thời kỳ trước.
Vụ việc trở nên nóng hơn bao giờ hết khi nhiều giáo viên mạnh dạn đứng ra tố cáo, họ phải chi cả trăm triệu để có việc, trong khi mức lương họ được nhận hằng tháng chỉ "ba cọc ba đồng".
Bản chất câu chuyện xảy ra tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) chẳng khác là bao so với những gì đã xảy ra tại huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy (Thanh Hóa); huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trước đó không lâu.
Ai đúng, ai sai trong sự việc nói trên sẽ được pháp luật phán xử công minh.
Nhưng, những thông tin về việc giáo viên phải bỏ tiền chạy việc phần nào hé lộ những góc khuất đáng buồn liên quan đến nghề giáo - nghề vốn được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Trinh Phúc/ Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. |
Cùng chung quan điểm trên, hôm 18/3, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, đây là sự việc hết sức đáng buồn cho ngành giáo dục.
Theo đó, ngoài trách nhiệm của cơ quan có liên quan trong việc tuyển dụng, thì trong vụ việc này, giáo viên cũng cần xem xét lại bản thân mình.
Ông Nhưỡng nói: “Anh nói phải "chạy" để được làm cái nghề cao quý, thậm chí có gia đình hai người cùng “chạy” thì người ta sẽ đặt dấu hỏi về đạo đức của người muốn và đã làm giáo viên như anh.
Vì muốn làm giáo viên mà phải "chạy" là điều rất đáng chê trách và đáng buồn cho hệ thống giáo dục.
Vì vậy, trước hết giáo viên phải xem xét lại hành vi của mình có đúng không.
Nếu nói do áp lực trong việc tìm kiếm công việc thì anh phải trau dồi thêm kiến thức để được người khác chọn và buộc phải sử dụng anh chứ!
Giải mã chuyện mất hàng trăm triệu chỉ đổi lấy lương 1 triệu đồng mỗi tháng |
Bây giờ anh lại (nói) phải dùng tiền để "chạy", thậm chí còn thiếu tiêu chuẩn tuyển dụng nữa thì người ta sẽ nghĩ anh thế nào đây?”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.
Vị Đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre cũng cho rằng:
“Những người không đủ tiêu chuẩn, hoặc có nhận thức lệch lạc mới phải “chạy” để có vị trí việc làm.
Như vậy, ngay cả bản thân người giáo viên cũng có tiêu cực trong câu chuyện tuyển dụng này".
Từ những nhận định trên, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, để hạn chế hiện tượng tiêu cực trong xã hội, đặc biệt là hiện tượng “chạy” trong môi trường giáo dục, trước hết việc tuyển dụng cần phải bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định.
Bên cạnh đó, bản thân người tuyển dụng phải có ý thức, công tâm trong việc lựa chọn người đủ năng lực, xứng đáng với vị trí công việc được tuyển.