Nghề dạy học: quý như không khí và… nước lã

27/02/2015 06:16
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - “Thầy giáo không thể sống bằng không khí, nước lã…” phải chăng chỉ là câu động viên, an ủi của Thủ tướng hay chính là sự day dứt của người đứng đầu Chính phủ?

Nhân dịp đầu xuân, thăm và làm việc tại ĐH Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu phát biểu: “Thầy giáo không thể sống bằng không khí, nước lã. Muốn đóng góp cho giáo dục thầy giáo phải có tiền để sống, người thầy không chỉ sống cho mình mà còn gia đình, con cái…”.

Cũng đầu xuân gặp mặt chúc tết, một vị tốt nghiệp hệ đào tạo chuyên tu, chức tước tương đương giám đốc sở khoe vừa nhận tháng lương hưu đầu tiên là 11 triệu đồng, lương hưu của một tiến sĩ tốt nghiệp bên tây, phó giáo sư, giảng viên chính đại học khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, còn lương hưu của giáo viên cao cấp phổ thông là gần 5 triệu đồng/tháng, chỉ bằng một nửa so với lương hưu của ông quan chuyên tu cấp sở.

Ngày xưa trong bậc thang danh vị xã hội, người ta xếp Quân – Sư – Phụ, sau vua là thầy, sau thầy mới là cha mẹ. Còn về thứ bậc giàu nghèo trong xã hội được một số người phân chia thành 7 hạng: vua, quan, quý tộc, địa chủ, sĩ phu, ăn mày, nô lệ, theo đó về mặt kinh tế thầy giáo (sĩ phu) chỉ hơn ăn mày một bậc. Ngày nay, chúng ta nói “nghề giáo viên là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề” và Thủ tướng nói “Thầy giáo không thể sống bằng không khí, nước lã…”.

Vậy bằng cách nào chúng ta, người Việt của thế kỷ 21 có thể thay đổi thực trạng buồn về nghề dạy học đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử dân tộc cho đến tận hôm nay?

Đã có lúc chúng ta ngây thơ nói theo người khác rằng “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, chữ “Trí” ở đây là trí thức trong đó có đội ngũ giáo viên.

Vậy nên việc thứ nhất, việc đầu tiên là phải xóa bỏ tàn dư phong kiến trong nhận thức về nghề dạy học, về cách thức tuyên truyền nặng tô vẽ hơn là thực chất. Đừng ca ngợi hết lời sự cao đẹp của nghề dạy học mà hãy để các nhà giáo ca ngợi sự đãi ngộ mà nhà nước và nhân dân dành cho họ.

Hãy xem những “đầy tớ” của dân kéo nhau về đền thờ Thầy Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) để khai bút đầu xuân. Có phải vì là “đầy tớ” nên chẳng cần văn hay, chữ tốt, chỉ cần tô theo nét bút chì người khác viết sẵn?   

Khai bút đầu xuân hay là học tô chữ? (Ảnh: Văn Chung)
Khai bút đầu xuân hay là học tô chữ?  (Ảnh: Văn Chung)

Nhiều chữ đến mấy thì nhà giáo cũng không thể mài chữ đặt lên đĩa, vậy mà các phương tiện truyền thông chính thống còn đăng tràn lan các tin bài tiêu cực về người thầy giáo, thậm chí miệt thị người thầy (như tiểu phẩm “nhặt xương cho thầy” của VTV). Đừng bao giờ nghĩ rằng phê phán chỉ có tác dụng tốt, phê phán một câu nói bậy trên truyền thông cũng có nghĩa là cho trẻ con biết thêm một câu nói bậy. 

Xúm nhau “ném đá” các thầy cô giáo cũng có nghĩa là gián tiếp chê bai nghề dạy học, cũng có nghĩa là gián tiếp khuyên người ta xa lánh nghề này, vậy thì lợi nhiều hay hại nhiều? Câu hỏi này luôn day dứt người viết và xin được có câu trả lời thỏa đáng nhất từ tất cả mọi người, nhất là những người có trách nhiệm.

Thứ hai là xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong giáo dục

Xin không nói về chủ trương, chính sách (thuế, về giao đất xây dựng cơ sở hạ tầng giữa trường công và trường tư, giữa các vùng miền…), vấn đề người viết muốn nhấn mạnh là chính sách đối với con người.

Trong khuôn khổ có hạn của bài viết, chỉ xin nêu một vài dẫn chứng. Giảng viên các trường tư thục không bao giờ xin được kinh phí nghiên cứu khoa học từ Bộ GD&ĐT, cũng rất khó để xin được một xuất học bổng đào tạo tiến sĩ từ nguồn kinh phí nhà nước. 

Sinh viên trường công được nhà nước bao cấp nhiều khoản còn sinh viên trường tư không được gì. Ngay trong các trường công, giảng viên ĐH được 25% phụ cấp ưu đãi trong khi giảng viên giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh được phụ cấp gần gấp đôi (45%). Sinh viên theo học các ngành này cũng được miễn học phí theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP. Gần đây còn có chuyện đề nghị Trưởng khoa Mác – Lênin Học viện Quốc phòng phải là cấp tướng?

Trong khi chúng ta cố gắng xây dựng một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh” thì sự phân biệt đối xử giữa các sinh viên, giảng viên  nêu trên trong ngành Giáo dục có văn minh, có công bằng? Hãy so sánh các ngôi trường ở thành phố, thị xã với những ngôi trường vùng cao, vùng sâu, hãy so sánh sự đãi ngộ dành cho các tiến sĩ với các sĩ quan cấp tá để mà suy ngẫm vì sao giáo dục xuống cấp, vì sao không thể hoàn toàn trách cứ người thầy.

“Thầy giáo không thể sống bằng không khí, nước lã…” phải chăng chỉ là câu động viên, an ủi của Thủ tướng hay cũng chính là sự day dứt của người đứng đầu Chính phủ?

Vấn đề thứ ba là tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học đã được đề cập từ năm 2005 (Luật Giáo dục) và được khẳng định trong Luật Giáo dục đại học  (năm 2012). Vì sao cho đến nay, sau 10 năm sự “tự chủ” của các trường ĐH vẫn phải được Thủ tướng nhắc đến?

Trước hết nói về chính sách, sự “tự chủ” mà Luật quy định vẫn chỉ là sự tự chủ nửa vời, tự chủ dựa vào phân tầng, tự chủ dưới quyền của Bộ trưởng. Các trường có vốn đầu tư nước ngoài, các ĐH quốc gia được tự chủ cao hơn các trường khác. Quyền tự chủ  luôn bị chi phối bởi các quy định pháp luật chứ không phải là cơ chế thị trường.

Nghề dạy học: quý như không khí và… nước lã ảnh 2“Chỉ cần 50 nghìn đồng quà tết là phấn khởi lắm”

(GDVN) - Nhiều nhà giáo kêu từ khi đi dạy học tới giờ cũng đã hơn 20 năm, chưa năm nào biết thưởng tết là gì, thậm chí là món quà nho nhỏ…

Chẳng hạn điều 33 Luật GDĐH: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục mở hoặc đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học” cho thấy các trường không được phép tự chủ trong việc mở các ngành đào tạo mới, kể cả với những ngành đã có trong danh mục và được đào tạo tại các trường khác thì cũng vẫn phải theo cơ chế xin-cho.  Khoản 3 điều 36: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học”. 

Việc giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra các quy định liên quan đến “biên soạn” thậm chí là cả việc “lựa chọn” giáo trình bậc đại học có cần thiết, có ôm đồm quá không? Có thể nêu nhiều bất cập trong Luật GDĐH cần phải được sửa đổi bổ xung và đó chính là một trong các nguyên nhân khiến cho sự “tự chủ” vẫn dậm chân tại chỗ.

Nguyên nhân khác là về phía các trường mà cụ thể là đội ngũ lãnh đạo hiện nay.

Tự chủ đại học mang lại lợi ích cho sự nghiệp giáo dục là điều xã hội mong muốn và không cần bàn luận. Vậy sao lãnh đạo nhiều ĐH lại không nhiệt tình với chuyện này? Vấn đề ở đây liên quan đến chuyện được và mất, người ta được gì và mất gì sau “tự chủ”?

Trường học không phải là doanh nghiệp, không hoạt động theo luật doanh nghiệp nhưng bản chất của các trường tự chủ không khác nhiều so với doanh nghiệp. Từ tìm vốn đầu tư, thu mua nguyên liệu (tuyển sinh), gia công sản phẩm (đào tạo) đến bán sản phẩm (việc làm cho cử nhân, kỹ sư… ra trường) tất cả đều là trách nhiệm của ban lãnh đạo, cụ thể là của Hội đồng trường, Hiệu trưởng và đội ngũ phụ tá.

Tự chủ đồng nghĩa với việc tự bươn chải, tự cắt bỏ bầu sữa ngân sách, tự gỡ bỏ chiếc ô mà Bộ GD&ĐT giương sẵn, che đỡ cho các con đẻ của mình, tự bỏ đi chiếc gậy định hướng, dò đường được trao tận tay. Điều này cũng có nghĩa là tự bao bọc mình trong cái “kén xin cho”, mãi mãi chỉ muốn là sâu, không bao giờ thành bướm.

Mất nhiều như thế, còn được bao nhiêu và được cho ai? Tự chủ ĐH là sự cởi trói, là thoát khỏi cái kén để bay lên, để đón nhận tinh hoa của nhân loại. Tự chủ là để đón được thầy tài, trò giỏi, là sự gợi mở trí thông minh, sáng tạo của người lãnh đạo. Nhận thức được điều đó tuy chưa phải là vĩ nhân song cũng là cột cờ trong bó đũa, tiếc rằng số trường “tự chủ” đến giờ liệu đã đếm kín mười đầu ngón tay?

Có một vấn đề cần lý giải cho sòng phẳng, đội ngũ lãnh đạo các trường CĐ-ĐH hiện nay là ai? Theo Luật GDĐH 100%  đều là nhà giáo, đều ít nhất phải là phó giáo sư, tiến sĩ. Họ có thật sự giỏi về chuyên môn? Câu trả lời là chưa chắc, chuyện lãnh đạo các cấp trong trường ĐH đạo luận án tiến sĩ đã được báo chí đề cập nhiều, chuyện một vài người trở thành lãnh đạo trường trong cuộc chiến “trâu bò húc nhau, khù khờ hưởng lợi” không phải là không có. Hơn 40 năm đi dạy, người viết đã tiếp xúc với những lãnh đạo, sau khi hết tuổi quản lý, bộ môn không muốn tiếp nhận trở lại giảng dạy vì bất cập về chuyên môn...

Vậy họ có thật sự giỏi tổ chức, lãnh đạo? Hãy tìm câu trả lời bằng cách tìm kiếm cụm từ “lùm xùm ở các trường” trên Google sẽ thấy sự “lùm xùm” gắn với tên của rất nhiều ĐH “danh tiếng” như ĐH Luật, Kinh tế Quốc dân, Ngoại Thương, Bách Khoa, Hùng Vương, Hoa Sen, Hồng Bàng, Chu Văn An… cái sự “lùm xùm” từ “thượng vàng” đến “hạ cám” không thiếu một thứ gì ấy có phải là chỉ là biểu hiện của sự lãnh đạo kém cỏi hay còn kém cả về nhân cách?

Suy cho cùng, nếu “tự chủ” mà lương của lãnh đạo trường ĐH không vượt quá 36 triệu/tháng (như lãnh đạo doanh nghiệp theo Nghị định 51 của Chính phủ) thì tội gì khổ thân, tội gì phải lo cho nồi cơm của người khác?

Muốn trường phát triển, có uy tín, có thương hiệu thì phải có thầy giỏi, có thầy giỏi cũng đồng nghĩa có người “ngang”, có người không chịu “vâng lời”, thế là tự làm khó mình. Vậy nên cứ từ từ, vài năm là hết nhiệm kỳ, thu nhập vẫn hơn 36 triệu đồng một tháng!

Một năm trước, vào tháng 2/2014, Thủ tướng yêu cầu thực hiện quyết liệt cổ phần hóa 432 DNNN, trong đó ủng hộ giải pháp Bộ trưởng GTVT làm, đó là cách chức lãnh đạo DNNN nếu chần chừ thực hiện. [1] Sáu tháng trước, tháng 8/2014 Thủ tướng nêu ý kiến: “Quan trọng nhất là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt. Nếu không thực hiện được kế hoạch đặt ra thì tự nguyện từ chức”. [2]

Liệu đã đến lúc đặt vấn đề với lãnh đạo các trường ĐH về chuyện tự chủ giống như chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp? Liệu Bộ trưởng Phạm Vũ luận có sẵn sàng như Bộ trưởng Đinh La Thăng, cách chức các Hiệu trưởng chần chừ quá trình tự chủ đại học?

Xem ra điều này thực khó trả lời vì “cả ông và tôi, chúng ta đều là giáo sư, tiến sĩ” ông không hơn gì tôi về học hàm, học vị nên hãy … thận trọng.

Để thầy cô không phải sống bằng không khí và nước lã, để đẩy mạnh quá trình tự chủ đại học ngay cả khi đã có ý kiến của Thủ tướng, chẳng lẽ tất cả chúng ta … hãy đợi đấy?

Tài liệu tham khảo:

 [1] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/162009/cach-chuc-lanh-dao-dnnn-chan-chu-co-phan-hoa.html

[2] http://vtc.vn/thu-tuong-khong-tai-co-cau-duoc-hay-tu-tu-chuc.1.500304.htm

XUÂN DƯƠNG