Áp lực nghề giáo viên mầm non
Bức tâm thư của một cô giáo mầm non đang gây sốt trên mạng xã hội có đoạn:
"Mỗi tháng, giáo viên còn phải làm hàng tá các loại sổ sách.
Nào sổ theo dõi chất lượng, theo dõi sức khỏe, các kế hoạch năm, tháng, tuần, giáo án, đồ dùng lên tiết dạy, trang trí trường lớp liên tục theo chủ đề, văn nghệ hàng tháng và các ngày lễ, rồi thì thi, lên tiết kiểm tra…
Đà Nẵng chi 1,5 tỷ đồng huấn luyện kỹ năng cấp cứu cho giáo viên mầm non |
Nhiều phụ huynh không hiểu, họ nghĩ rằng giáo viên mầm non nhàn rỗi lắm, suốt ngày chỉ ngồi buôn chuyện, nhưng thực sự thì các cô thậm chí còn phải "căn ke" cả thời gian… đi vệ sinh của mình.
Trong khi trông lớp, chỉ cần các con sơ sẩy chơi đùa va chạm vào nhau là các cô lĩnh đủ"
Cô Trần Thị Vinh, giáo viên mầm non bày tỏ sự đồng cảm với đồng nghiệp.
Cô Vinh cho rằng bấy lâu nay xã hội chưa thực sự đánh giá đúng vai trò và vị thế của các cô giáo mầm non:
"Xã hội vẫn thường nghĩ rằng nghề giáo viên mầm non là nghề trông trẻ.
Chính vì thế vị thế của người giáo viên mầm non nhiều khi không được coi trọng.
Tôi chứng kiến nhiều vị phụ huynh sửng cồ, thóa mạ giáo viên mầm non khi họ không hài lòng điều gì đó.
Trong khi đó nhiều phụ huynh có con em học cấp 1, cấp 2, cấp 3 lại chẳng dám lên tiếng nếu như giáo viên làm điều gì sai với con em của họ.
Điều đó chẳng phải giáo viên mầm non không được tôn trọng và có sự phân biệt hay sao".
Cô Vinh còn đặt vấn đề: Nhiều phụ huynh than ngắn thở dài khi trông con, chăm con quá mệt.
Những ngày lễ, Tết con cái họ ở nhà, họ đánh vật với con chỉ mong hết ngày nghỉ để đưa con đi học.
Thế nhưng nếu ở lớp con họ nghịch ngợm hay trầy xước gì là họ đến làm ầm lên, chửi bới thậm chí đánh đập các cô.
Bức ảnh và đoạn chia sẻ của một cô giáo mầm non gây sốt trên mạng xã hội (Ảnh: Facebook) |
"Cách đây mấy ngày lớp mẫu giáo lớn trường tôi có hai vị phụ huynh đến gặp cô giáo đứng lớp.
Cả bố, cả mẹ mắng, chửi như tát nước vào mặt. Hỏi ra thì họ tìm đến nói chuyện vì con bị ngã tím chân.
Cô giáo còn trẻ, đứng run run, hai mắt cay đỏ chực khóc. Chứng kiến cảnh đó trái tim tôi như thắt lại.
Tôi thấy xót xa cho đồng nghiệp, cho công việc của mình.
Đành rằng xảy ra những vụ giáo viên mầm non bạo hành trẻ em.
Thế nhưng mỗi lần có vụ việc gì hàng nghìn giáo viên mầm non bị người ta ném cái nhìn hắt hủi.
Ở quê tôi cứ mỗi lần họp chợ người ta lại đứng tụm năm tụm ba nói xấu một cô giáo nào đó, kể về con, cháu họ bị ngã, đau.
Họ gọi giáo viên mầm non là bọn trông trẻ. Nghe thấy vậy tôi thấy tự ái ghê gớm".
Phạm Minh Hương, giáo viên mầm non trẻ tuổi. Hương mới tốt nghiệp ra trưởng và về quê làm giáo viên mầm non xã.
Hương cho biết từ ngày mình làm giáo viên mầm non mới nếm trải đủ cay đắng trong nghề:
"Người cùng làng hỏi đang dạy ở đâu. Tôi nói cháu dạy mầm non. Họ ngập ngừng một lúc rồi bảo: À! cô mầm non.
Những ngày đầu thực sự mệt mỏi. Một mình tôi phải quản một lớp 40 em.
Nào chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện đi vệ sinh. Mỗi đứa một tính, một nết.
Nhiều khi có cấu có bực đều phải tự nhủ với lòng coi các em như con em mình.
Chăm sóc nhiệt tình, dạy dỗ, nịnh nọt. Nhiều khi có cáu cũng không dám mắng, dám đánh.
Đánh mắng thì bọn trẻ về mách bố mẹ, phụ huynh kéo đến lại chẳng ra sao".
Cần một tiếng nói công bằng cho giáo viên mầm non?
"Nhiều phụ huynh họ mang tiền ra dọa. Họ nói họ cơm đóng gạo góp cho các cô đi dạy.
Ai cũng nghĩ mình gửi con vào trường bỏ ra chút tiền đóng học phí. Ngày lễ, Tết có chút quà họ cũng kể hết người nọ người kia.
Đành rằng trọn nghề thì phải theo nghề.
Nhưng thấy tủi, thấy buồn chẳng nhẽ lại không được than một câu, lên tiếng một câu".
Làm một người mẹ, người cha nhiều khi còn chẳng đút cho con mình một miếng cháo, nhiều khi chẳng thức đêm thay cho con mình một chiếc tã.
Huống hồ là một người mẹ quản gần 30, 40 trẻ. Đứa nào cũng phải ăn ngon, ngủ ngoan, ăn ở sạch sẽ.
"Nhiều vị phụ huynh họ cay nghiệt lắm. Chăm cho con họ tăng cân họ nói là chắc cô giáo cho ăn gì nên nó mới tăng cân như thế.
Rồi cả chuyện con đi vệ sinh ở nhà không được cũng lên phản ánh với ban giám hiệu.
Làm giáo viên mầm non áp lực lắm. Sợ con không ngủ được phụ huynh sẽ hỏi cô làm gì mà không cho con ngủ.
Sợ con xuống cân phụ huynh sẽ mang con đến bắt đền. Con trầy xước một chút là hốt hoảng, bố mẹ đến làm ầm".
Những lời tâm sự của cô Vinh, cô Hương chạm vào trái tim của nhiều người. Nhiều phụ huynh tỏ ra thông cảm.
Với mức lương và áp lực như hiện nay, giáo viên mầm non sẽ chẳng thể nào tiếp tục công việc nếu như không có tình yêu con trẻ (Ảnh: Vũ Ninh) |
Chị Hoa (38 tuổi, Hà Nội) tâm sự: "Con mình mình hiểu tính. Bé nghịch ngợm và không nghe lời.
Mình là mẹ bé mà còn cảm thấy nhiều lúc tăng xông. Vì thế mình rất thông cảm cho công việc của các cô giáo mầm non.
Làm mẹ của một đứa trẻ đã vất vả chứ đúng nói phải làm mẹ của 30.40 em.
Tất nhiên thi thoảng cũng xảy ra những vụ này vụ kia. Nhưng nhìn rộng hơn, cả nước có hàng trăm nghìn giáo viên mầm non đang làm việc.
Phải ghi nhận công sức cũng như đóng góp của họ.
Nhiều khi tôi thấy xã hội phản ứng hơi quá, lao đầu vào chửi bới bất kể lý do. Đạp đổ mọi công sức, nỗ lực của hàng trăm nghìn giáo viên".
Cuối cùng chị Hoa gửi gắm đến các bậc làm cha làm mẹ:
"Nếu có vị nào đó mang đồng tiền, bó hoa, món quà ra nạt nộ các cô thì hãy nhớ rằng lương giáo viên mầm non rất thấp.
Các vị muốn đòi công bằng cho con, nhưng lại chẳng bao giờ có một tiếng nói công bằng với giáo viên mầm non .
Cả xã hội chúng ta đều hát rằng: cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền.
Nhưng sau lưng lại gọi các cô là bọn trông trẻ, bọn giáo viên mầm non".