LTS: Những ngày giáp Tết, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chia sẻ những câu chuyện về tình nghĩa thầy trò xứ Quảng vào dịp Tết, về những tấm lòng của các học trò cũ vẫn luôn nhớ về người thầy của mình.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày 20 tháng Chạp này, một cậu học trò thân thiết tôi từng chủ nhiệm những năm 1996-1997 gọi điện thoại mời:
"Thầy ơi, ngày 21 và 27 tháng Chạp này thầy có rảnh không, đi làm từ thiện với em và một số anh, chị em khác nhé, địa điểm là huyện miền núi Trà Bồng (cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 60 km), mọi thứ, tụi em đã chuẩn bị sẵn sàng cả rồi”.
Vì bận công việc nhà trường và gia đình nên tôi không thể đi cùng các em được.
Tôi cảm động biết dường nào khi thấy các hình ảnh mà em chia sẻ trên Facebook, hai chuyến xe từ thiện, chở đầy quà Tết, đi trên cung đường núi quanh co, nhỏ hẹp, có đoạn lầy lội, bùn đất gập nửa bánh xe ô tô, để cấp phát cho hàng trăm hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có một cái tết sum vầy giữa tiết trời miền sơn cước giá lạnh.
Ảnh chuyến đi từ thiện của các học trò thầy Đỗ Tấn Ngọc, ảnh do tác giả cung cấp |
Em cho biết: "Hai chuyến đi từ thiện cận ngày Tết năm nay tuy thật vất vả, mệt nhọc nhưng em và cả nhóm đều rất vui, vì bà con đồng bào nhận được các suất quà đều phấn khởi và cảm ơn tụi em rối ríu”.
Tôi và nhiều người được biết, 5 năm qua, khi điều kiện kinh tế gia đình khá giả, cá nhân em đã bỏ ra cả trăm triệu đồng để làm từ thiện, tặng giấy, bút cho học sinh nghèo vùng cao;
Trao hàng ngàn xuất quà Trung thu cho các em thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu; tặng áo ấm, gạo, dầu ăn, nước mắm… cho mấy trăm hộ dân bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ gây ra.
Ngoài ra, em còn vận động, kêu gọi nhiều anh, chị, em khác có điều kiện cùng hưởng ứng, tham gia, đóng góp, đi làm từ thiện giúp những người nghèo ở các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi.
Tôi luôn ủng hộ và tự hào về những việc làm mang ý nghĩa nhân văn của cậu học trò mà tôi từng giảng dạy và chủ nhiệm năm nào.
Cách đây 4 tháng, một cậu học trò của tôi, đang sống và làm nghề điện dân dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh, có gọi điện thoại hỏi thăm:
"Nhà thầy đã bắt loại bóng đèn led típ chưa (để tiết kiệm điện)?"
Tôi bảo, nhà thầy mới bắt loại Roman.
Học trò của tôi nói: “Loại đó không được tốt lắm, chóng mờ và nhanh hỏng lắm, Tết này em sẽ gởi về chục bóng đèn tốt ở trong này để thầy thay thế khi số bóng kia hư hỏng".
Tôi bảo: "Ở ngoài này cũng có nhiều loại mà, thầy mua thay hồi nào chẳng được, em đừng mua và đem về, rất mất công.”
Đã nói thế, vậy mà sáng ngày 28 Tết, em ấy xuất hiện trước nhà tôi, tặng thầy một 1 lốc bóng điện đèn led được kỳ công đem về từ Thành phố Hồ Chí Minh khiến tôi ngỡ ngàng.
Em thành thật: "Lúc vận chuyển, do họ để không cẩn thận nên bị bể mất mấy cái; bây giờ, có bóng nào mờ và hư đâu để em thay luôn cho thầy”.
Em kiểm tra chỗ tủ điện tổng nhà tôi, em nói, nhà thầy chưa có hệ thống chống giật rồi, ăn Tết xong, vào trong đó, em sẽ mua gửi tặng thầy 1 hệ thống chống giật để sử dụng điện được an toàn hơn.
Thấy trước cổng nhà thầy, năm nay chưa chưng cây hoa gì, một em học trò cũ khác liền sốt sắng để em mua tặng thầy 2 chậu thược dược và 3 chậu vạn thọ nhỏ, cho đẹp nhà, đẹp cửa ngày Tết.
Tôi bảo: “Thầy đủ sức để mua hoa mà”. Em nói: "Đây là tấm lòng, tình cảm của em dành cho thầy, thầy không được phép chối từ.”
Ký mực khô, thùng bia, chai rượu… cũng là những thức quà mà nhiều thế hệ trò cũ thường tặng tôi trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Để rồi, ba ngày Tết, các em tới chơi nhà, tôi lại lấy mồi, bia, rượu ấy mời các em, thầy - trò cùng cụm ly chúc mừng năm mới, chúc sức khỏe lẫn nhau…
Nghĩa tình của thầy - trò tôi trong dịp Tết cổ truyền trên đất Quảng là như vậy đó.