Ngoài tăng phụ cấp ưu đãi từ 45-80%, GV mầm non mong được xem xét hệ số lương

27/05/2025 10:00
Mạnh Dũng

GDVN - Theo Dự thảo Nghị định mới, phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non dự kiến tăng từ 35% lên 45-80%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác trong các cơ sở giáo dục công lập.

Theo dự thảo, mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non tại vùng thuận lợi sẽ tăng từ 35% lên 45%, còn tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ tăng lên 80%.

Chủ trương tích cực, tiếp thêm động lực cho giáo viên yên tâm cống hiến

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trịnh Thị Ngoạn - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Huệ (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết, việc tăng phụ cấp ưu đãi không chỉ là chủ trương thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời, giúp giáo viên được ghi nhận, mà còn tiếp thêm động lực để giáo viên cống hiến cho sự nghiệp giáo dục mầm non.

Theo cô Ngoạn, về thời gian làm việc, giáo viên mầm non phải có mặt tại lớp sớm để chuẩn bị, đón trẻ và trông nom trẻ cả sau giờ học. Đồng thời, suốt cả ngày, giáo viên phải luôn túc trực bên trẻ, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, hoạt động vui chơi và học tập.

Cùng với đó, ngoài nhiệm vụ giáo dục, giáo viên mầm non còn có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, đảm bảo cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều này đòi hỏi sự tận tâm lớn và cường độ lao động cao. Do đó, chủ trương tăng phụ cấp ưu đãi là chính rất thiết thực, giúp động viên tinh thần kịp thời và đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của giáo viên mầm non.

“Khoản phụ cấp ưu đãi tăng lên sẽ là nguồn động viên lớn, giúp cuộc sống của giáo viên bớt đi phần nào khó khăn, vất vả khi được cải thiện thu nhập. Đặc biệt, mặc dù nhà trường nằm tại khu vực 1, nhưng điều kiện kinh tế tại địa phương chỉ ở mức trung bình. Vì vậy, việc tăng phụ cấp ưu đãi sẽ giúp đảm bảo tổng thu nhập của giáo viên đạt được mức sống tối thiểu tại địa phương, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho đội ngũ giáo viên. Mặc khác, việc này cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện công tác tuyển dụng và giữ chân giáo viên mầm non tại vùng khó khăn”, cô Ngoạn bày tỏ.

Chia sẻ với phóng viên, cô Bùi Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lăng (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ, việc tăng phụ cấp, với mức cao nhất có thể lên đến 80% cho giáo viên ở vùng khó khăn là tín hiệu rất đáng mừng, không chỉ đảm bảo thu nhập cho đội ngũ giáo viên mầm non, mà còn thu hút nhân lực cho ngành giáo dục địa phương.

“Khi lãnh đạo nhà trường thông báo về dự thảo tăng phụ cấp ưu đãi cao nhất lên tới 80% cho giáo viên vùng khó, đội ngũ giáo viên đều bày tỏ sự vui mừng. Đội ngũ giáo viên đều hy vọng rằng dự thảo nghị định về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo sẽ sớm có hiệu lực để đảm bảo đời sống cho giáo viên”, cô Dung cho hay.

Cô Bùi Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lăng (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh NVCC

Cô Bùi Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lăng (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh NVCC

Theo cô Dung, giáo viên mầm non phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực đặc thù so với các cấp học khác. Giáo viên mầm non làm việc 40 giờ mỗi tuần thay vì dạy theo tiết. Ngoài ra, họ còn phải chuẩn bị đồ dùng dạy học, soạn giáo án vào buổi tối. Thời gian đứng lớp của các cô kéo dài từ 6h30 sáng đến 5h chiều, thậm chí muộn hơn nếu học sinh chưa được đón về.

Cùng với đó, áp lực chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cũng là một thách thức. Bởi trẻ mầm non còn nhỏ, rất hiếu động nên dễ xảy ra tai nạn thương tích như ngã, trầy xước, hay thậm chí trẻ bị hóc dị vật. Trong khi đó, giáo viên mầm non phải quản lý ít nhất một lớp học trung bình từ 25-30 trẻ, thậm chí ở nhiều trường học tại vùng sâu, vùng xa, số lượng học sinh một lớp học có thể lên tới 55- 60 trẻ. Điều này cộng với việc một số trường học thiếu giáo viên khiến công tác quản lý, chăm sóc trẻ gặp những khó khăn.

Cô Dung cũng cho biết thêm, hiện nhà trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, theo dự thảo, phụ cấp ưu đãi sẽ được tăng từ 70% lên 80%, tức mức tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên nhà trường dao động từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trong bối cảnh giá cả thị trường hiện nay, đây một tín hiệu đáng mừng đảm bảo tổng thu nhập của giáo viên mầm non vùng khó đủ để trang trải cuộc sống.

Còn theo cô Phạm Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Mục (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), việc tăng phụ cấp ưu đãi không chỉ là một chính sách hỗ trợ, mà còn là nguồn động lực to lớn giúp đội ngũ giáo viên mầm non yên tâm gắn bó và cống hiến hết mình với nghề.

Cô Phạm Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Mục. Ảnh: Website Trường

Cô Phạm Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Mục. Ảnh: Website Trường

Với đặc thù công việc đi sớm về muộn, giáo viên mầm non phải dành phần lớn thời gian cho công việc. Thời gian làm việc kéo dài liên tục từ sáng sớm cho đến chiều tối, thậm chí muộn hơn khi phụ huynh chưa đón trẻ, khiến các cô không có nhiều thời gian cho bản thân và gia đình.

Bên cạnh áp lực về thời gian, giáo viên mầm non còn phải thực hiện một khối lượng công việc đa dạng như dọn dẹp, trang trí lớp học, làm đồ dùng, đồ chơi và các việc không tên khác. Điều này cho thấy, công việc của giáo viên mầm non không chỉ đơn thuần là dạy kiến thức, mà còn là người thiết kế, người quản lý, thậm chí là người tự tay làm mọi thứ để tạo ra một môi trường học tập an toàn và vui vẻ cho trẻ.

Cô Thảo cho biết, hiện tại, nhà trường nằm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, theo Dự thảo Nghị định sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi tăng từ 70 lên thành 80 %. Do đó, qua việc nắm được chủ trương, nhà trường đã phổ biến tới đội ngũ giáo viên trong trường và nhận được nhiều sự hưởng ứng, bày tỏ tích cực.

Lương giáo viên mầm non hiện đang thấp nhất trong bảng lương của ngành giáo dục, kể cả sau cộng phụ cấp ưu đãi. Theo cô Thảo, đây chính là lý do khiến trường mầm non khó tuyển dụng và những người có năng lực cũng không mặn mà với nghề, dẫn tới việc trẻ có ít cơ hội được tiếp cận với môi trường học tập được dẫn dắt bởi những giáo viên thực sự có năng lực và chính các trường mầm non cũng khó giữ chân được giáo viên. Do đó, việc tăng phụ cấp ưu đãi sẽ là một chính sách quan trọng, góp phần gỡ khó và cải thiện công tác tuyển dụng và giữ chân giáo viên mầm non, thu hút những người có tâm huyết và năng lực đến với nghề.

Nữ hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, khoản phụ cấp ưu đãi giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống và giảm bớt gánh nặng tài chính. Đồng thời, đây là minh chứng rõ ràng cho thấy giáo viên mầm non đang ngày càng nhận được sự quan tâm xứng đáng từ các cấp, các ngành, là nguồn động lực mạnh mẽ để các cô tiếp tục gắn bó, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, góp phần ươm mầm tương lai cho đất nước.

Mong được nâng hệ số lương và gỡ khó trong xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Theo quan điểm của cô Bùi Thị Dung, việc giáo viên mầm non đang nhận hệ số lương thấp trong ngành giáo dục, ví như giáo viên mầm non mặc dù tốt nghiệp đại học cũng chỉ nhận lương khởi điểm khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng dẫn tới việc các trường mầm non gặp khó trong tuyển dụng giáo viên. Hơn nữa, mức lương không đủ sống cũng làm giảm đáng kể động lực cống hiến và sự gắn bó lâu dài của giáo viên với một nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn, tình yêu thương và năng lượng như giáo viên mầm non.

Vì vậy, hệ số lương của giáo viên nên được nghiên cứu điều chỉnh tăng lên ngang bằng với một số cấp học khác, giúp thu hẹp khoảng cách, tạo sự công bằng hơn trong ngành.

anh-thumb-mam-non-dac-lac.jpg
Cô trò Trường Mầm non Hoa Pơ Lăng (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh NTCC

Cô Dung cũng cho biết, hiện tại, nhà trường có nhiều giáo viên có đủ bằng cấp, đủ thâm niên, và làm việc lâu năm nhưng chưa được thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Cùng với đó, việc thăng hạng chức danh cũng gắn với quy định về bổ nhiệm cán bộ quản lý, cụ thể là yêu cầu không được bổ nhiệm những giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn hạng II. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, gây khó khăn trong việc đảm bảo cuộc sống, mà còn ảnh hưởng tới cơ hội phát triển nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non. Vì vậy, đây là điều cần được tháo gỡ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng và tạo động lực cho đội ngũ giáo viên mầm non nhà trường yên tâm cống hiến.

Trong khi đó, cô Phạm Thị Thảo cho rằng, bên cạnh việc tăng phụ cấp ưu đãi, việc đề xuất thêm nghỉ hưu trước tuổi sẽ rất hợp lý. Bởi nhiều giáo viên tuy có kinh nghiệm và tình yêu nghề, nhưng khi bước qua ngưỡng tuổi 55, đặc biệt là với đặc thù của giáo dục mầm non, việc duy trì sự linh hoạt, tư duy sáng tạo và sức khỏe dẻo dai như trước là một thách thức không nhỏ.

Cùng với đó, việc tăng hệ số lương cho giáo viên mầm non lên một mức cao hơn cũng cần được chú trọng, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của giáo viên mầm non từng khu vực. Hiện tại, mức lương của giáo viên mầm non vẫn còn khá khiêm tốn, chưa thực sự phản ánh đúng khối lượng công việc, áp lực và trách nhiệm to lớn mà họ đang gánh vác. Đây không chỉ là một vấn đề tài chính đơn thuần mà còn là yếu tố then chốt để thu hút những người thực sự có năng lực và tâm huyết đến với nghề.

Mạnh Dũng