Kỉ nguyên mới và những yêu cầu đặt ra với giáo dục khoa học cơ bản
Trong những năm gần đây, bối cảnh toàn cầu và trong nước đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng.
Tại Việt Nam, nhiều nghị quyết quan trọng đã được Đảng và Nhà nước ban hành, nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như động lực trung tâm của tăng trưởng bền vững. Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66-NQ/TW về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó đều đặt ra yêu cầu đổi mới mô hình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng và giải quyết vấn đề thực tiễn một cách sáng tạo.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, định hướng phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, chuyển đổi xanh là những trụ cột để phát triển nhanh và bền vững.
Trong bối cảnh đó, các trường đại học, đặc biệt là Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, không chỉ giữ vai trò đào tạo giáo viên mà còn phải là trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức.
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng: chủ động đổi mới toàn diện theo hướng tiếp cận nền tảng và thực tế
Là một trong những cơ sở giáo dục đại học đa ngành thuộc đại học vùng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã xác định rõ sứ mệnh là sáng tạo và truyền bá tri thức trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và khoa học giáo dục, với trọng tâm đào tạo giáo viên và phục vụ cộng đồng vì sự phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa. Địa bàn trọng điểm là vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung và Tây nguyên.
Nhà trường không chỉ đảm nhận vai trò đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao, mà còn cung cấp nguồn nhân lực khoa học có năng lực làm việc trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, hóa học phân tích, quản lí tài nguyên và môi trường, dữ liệu lớn và chuyển đổi số…
Với gần 20 ngành đào tạo đại học và sau đại học thuộc khối khoa học tự nhiên – công nghệ – môi trường - dữ liệu, Nhà trường đã từng bước đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, liên ngành, ứng dụng, gắn với thực tiễn và chuẩn đầu ra có thể đo lường.
Mở rộng và tái cấu trúc các ngành đào tạo cử nhân khoa học
Những ngành đào tạo cử nhân khoa học đã và đang được Nhà trường chú trọng đổi mới bao gồm:
Công nghệ sinh học: cung cấp kiến thức vững chắc về sinh học phân tử, vi sinh, nuôi cấy mô – tế bào, kĩ thuật di truyền và ứng dụng vào sản xuất dược liệu, thực phẩm chức năng, xử lí môi trường và nông nghiệp công nghệ cao.

Hóa học: đào tạo theo hai định hướng chuyên sâu là hóa phân tích môi trường và hóa dược, hướng tới đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, sản xuất và kiểm định trong các lĩnh vực hóa chất, thực phẩm, môi trường, dược học...
Vật lí kĩ thuật: tập trung vào công nghệ vật liệu, quang – điện tử, năng lượng tái tạo, tự động hóa và ứng dụng công nghệ nano… làm nền tảng cho các công nghệ lõi và đổi mới sáng tạo.
Quản lí tài nguyên và môi trường: gắn chặt với thực tiễn phát triển bền vững, được thiết kế theo 2 hướng căn bản gồm (1) giám sát và kiểm soát ô nhiễm và (2) quản lí và bảo tồn thiên nhiên.
Khoa học dữ liệu: hướng tới đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cao của thị trường về xử lí dữ liệu lớn, học máy, AI, mô hình hóa và ứng dụng dữ liệu trong mọi lĩnh vực.
Công nghệ thông tin: không ngừng cập nhật nội dung theo hướng gắn với lập trình, AI, IoT, an toàn dữ liệu, nhằm đào tạo đội ngũ vừa làm được kĩ thuật, vừa có khả năng giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Thiết kế chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra và liên thông mở
Nhà trường đã tổ chức rà soát, cập nhật chương trình đào tạo của tất cả các ngành theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra và khung trình độ quốc gia.
Các chương trình được thiết kế có tính mở, liên thông ngang và dọc, cho phép sinh viên lựa chọn hướng chuyên sâu, học song ngành, học tích lũy tín chỉ chuyển tiếp lên bậc cao hơn hoặc mở rộng sang lĩnh vực khác.

Đặc biệt, các chuẩn đầu ra đều được lượng hóa, mô tả rõ ràng về kiến thức, kĩ năng chuyên môn, năng lực thực hành, tư duy phản biện, đạo đức nghề nghiệp và khả năng làm việc nhóm – cá nhân – liên ngành.
Việc đánh giá kết quả học tập không chỉ dựa vào thi cử truyền thống mà còn thông qua sản phẩm, dự án, thuyết trình, nghiên cứu, mô hình hoặc giải pháp thực tiễn do chính sinh viên thực hiện.
Tổ chức liên ngành – hướng đến giải quyết các vấn đề thực tiễn
Nhận thức rằng nhiều vấn đề của xã hội và thị trường lao động hiện nay mang tính liên ngành, Nhà trường đã chủ động tổ chức lại cơ cấu đào tạo, nghiên cứu:
Hình thành các khoa có cấu trúc tích hợp như khoa Toán – Tin, Lí – Hóa và Sinh học – Nông nghiệp – Môi trường, vừa đảm bảo chuyên sâu, vừa khuyến khích liên kết học thuật.
Thành lập và duy trì các nhóm nghiên cứu liên khoa, kết nối sinh viên, giảng viên và nhà khoa học, hướng tới giải quyết các vấn đề cụ thể như: phân tích tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ; phát triển vật liệu hấp phụ kim loại nặng trong nước thải; mô hình hóa dữ liệu biến đổi khí hậu ở miền Trung; tạo giống cây trồng có giá trị dược liệu; thiết kế cảm biến sinh học; lập bản đồ số hóa các vùng đất dễ bị xói mòn...
Sự vận hành này không chỉ tạo ra sản phẩm nghiên cứu có giá trị mà còn giúp sinh viên được trải nghiệm quy trình học tập – nghiên cứu – sáng tạo – ứng dụng một cách trọn vẹn, từ ý tưởng đến sản phẩm.
Hướng đến đại học đổi mới sáng tạo và bền vững
Những nỗ lực đổi mới trên không chỉ mang ý nghĩa cải tiến phương pháp đào tạo, mà còn là bước chuẩn bị dài hơi để Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng phát triển theo định hướng trở thành Trường đại học đổi mới sáng tạo đặc sắc và bền vững, đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của khu vực.
Trong giai đoạn tới, Nhà trường đặt mục tiêu:
Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp – nhà trường – viện nghiên cứu, để thiết kế chương trình “đặt hàng”, đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm và thích ứng nhanh.
Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học, bao gồm không gian sáng tạo (innovation space), dự án khởi nghiệp sinh viên, câu lạc bộ khoa học, nhóm sáng kiến giáo dục và giải pháp công nghệ.
Kết nối mạng lưới cựu sinh viên, nhà khoa học, nhà quản lí trong và ngoài nước, để chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và đồng hành cùng sự phát triển lâu dài của Nhà trường.
Tăng cường sử dụng công nghệ giáo dục và dữ liệu học tập, để cá thể hóa chương trình đào tạo, phân tích năng lực người học và xây dựng lộ trình phát triển cá nhân (IDP) cho sinh viên ngay từ năm đầu.
Trong hành trình chuyển mình của giáo dục đại học trước những thách thức và cơ hội lớn lao, đổi mới đào tạo các ngành cử nhân khoa học theo hướng cơ bản – ứng dụng – liên ngành – thực tiễn là một hướng đi tất yếu.
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng với lịch sử 50 năm hình thành, kết nối và phát triển, đang nỗ lực tiếp tục hành trình đó, vừa kế thừa giá trị truyền thống, vừa chủ động đổi mới, tạo dựng nền tảng vững chắc cho thế hệ tri thức trẻ – những người sẽ làm chủ công nghệ lõi, phát triển các giải pháp liên ngành và đồng hành cùng sự phát triển bền vững của đất nước trong kỉ nguyên mới.
Trong hành trình đổi mới giáo dục đại học, những nỗ lực của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng không chỉ thể hiện khát vọng hội nhập và phát triển, mà còn lan tỏa tinh thần phụng sự cộng đồng, đóng góp trí tuệ và nguồn lực cho một nền khoa học – công nghệ Việt Nam tự chủ, bền vững và nhân văn.