Cần cơ chế để doanh nghiệp thành đối tác chiến lược của cơ sở đào tạo bán dẫn

28/05/2025 06:30
ĐÀO HIỀN

GDVN - Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào hoạt động đào tạo, trở thành đối tác chiến lược của cơ sở đào tạo.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành lĩnh vực then chốt trong cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yêu cầu cấp thiết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1314/QĐ-BGDĐT về Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ. Trong đó quy định cơ sở giáo dục phải “bảo đảm có ít nhất 3 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn là đối tác chiến lược tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên học tập, thực tập tại doanh nghiệp”. Điều này cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong định hướng đào tạo, đào tạo gắn với thực tiễn, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường lao động.

Đào tạo kết hợp với doanh nghiệp giúp tăng cường sự gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Cường - Phó Trưởng khoa, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Vi mạch bán dẫn là một ngành công nghiệp công nghệ cao, thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi người học và người dạy phải liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng thực hành và tiếp cận thiết bị hiện đại. Do đó, nếu các trường đại học chỉ đào tạo đơn phương, không có sự tham gia của doanh nghiệp thì khó theo kịp tốc độ phát triển của ngành.

Theo thầy Cường, yêu cầu "bảo đảm ít nhất 3 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn là đối tác chiến lược tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên học tập, thực tập" là hoàn toàn cần thiết. Sự đồng hành của doanh nghiệp giúp sinh viên được tiếp cận môi trường làm việc thực tế, còn giảng viên cũng có điều kiện trao đổi, cập nhật kiến thức chuyên sâu từ thực tiễn.

Trên thực tế, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn như Renesas Electronic, Marvell Technology. Các doanh nghiệp này không chỉ tiếp nhận sinh viên thực tập, mà còn tài trợ bản quyền phần mềm, hỗ trợ trang thiết bị, xây dựng phòng thí nghiệm cho trường từ những năm 2000. Đại diện các đơn vị này cũng trực tiếp tham gia hội đồng xây dựng chương trình đào tạo chương trình Kỹ thuật Máy tính và chương trình Thiết kế vi mạch.

“Hàng năm, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính đều gửi sinh viên thực tập đến các doanh nghiệp, triển khai chương trình “học kỳ doanh nghiệp” – cho phép sinh viên làm việc thực tế tại doanh nghiệp trong suốt 6 tháng. Các đồ án tốt nghiệp của sinh viên cũng được đồng hướng dẫn giữa giảng viên và kỹ sư của doanh nghiệp, giúp nâng cao chất lượng đào tạo cả về kiến thức, kỹ năng lẫn tác phong nghề nghiệp”, thầy Cường thông tin.

bach-khoa-hcm.png
Sự kiện “Gặp gỡ doanh nghiệp năm 2024” của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính,Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Ngô Minh Trí – Trưởng khoa, Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cũng cho rằng quy định hợp tác với tối thiểu 3 doanh nghiệp trong Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ là một bước đi đột phá, giúp tăng cường sự gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa nhà trường và doanh nghiệp. Từ đó mang lại nhiều giá trị thiết thực cho công tác đào tạo.

Theo thầy Trí, sự tham gia của doanh nghiệp không chỉ đảm bảo chương trình giảng dạy bám sát thực tế sản xuất, cập nhật công nghệ mới và các kỹ năng mà thị trường lao động đòi hỏi, mà còn góp phần đáp ứng trực tiếp nhu cầu tuyển dụng. Sinh viên được trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp, tiếp cận các thiết bị hiện đại trong quá trình học, nhờ đó rút ngắn thời gian đào tạo lại sau khi ra trường.

Không dừng lại ở đào tạo, quy định này còn mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm và xây dựng hệ sinh thái bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu triển khai hiệu quả, đây sẽ là nền tảng quan trọng để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư trình độ đại học trở lên cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.

“Tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, Khoa Điện tử Viễn thông đã chủ động hợp tác với nhiều doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực như Marvell, Synopsys, FPT Semiconductor, Renesas, Viettel Hightech (VHT) và Cadence. Các đối tác này không chỉ tham gia thiết kế chương trình đào tạo mà còn tài trợ phần mềm chuyên dụng, hỗ trợ thực tập và kết nối thực tiễn cho sinh viên. Nhờ đó, ngành "Vi điện tử – Thiết kế vi mạch" của trường được ra mắt vào năm 2024 với 60 chỉ tiêu, điểm chuẩn đầu vào trên 26 điểm, thu hút được nhiều sinh viên giỏi.

Bên cạnh đó, nhà trường đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, tiêu biểu là các phòng thí nghiệm hiện đại được trang bị phần mềm có bản quyền như Cadence, đồng thời tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên. Trong thời gian tới, trường và khoa tiếp tục định hướng mở rộng hợp tác quốc tế và tăng cường liên kết với doanh nghiệp để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng chuẩn quốc tế và nhu cầu ngày càng cao của ngành này”, thầy Trí thông tin.

Cần thêm chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để thu hút doanh nghiệp

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay cả nước có hơn 50 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị ngành bán dẫn, trong đó hơn 30 công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch (IC Design) như Intel Products Vietnam, Renesas Design, Ampere Computing, Marvell, Cadence, Synopsys, GUC, Semi Five, Bridgetek, DreamBig Semiconductor...[1]

Tuy nhiên, theo đánh giá từ Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm – Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế Quốc dân, việc kết nối đủ 3 doanh nghiệp chiến lược vẫn là thách thức, đặc biệt đối với những trường chưa có nền tảng đào tạo về lĩnh vực này hoặc thiếu mạng lưới hợp tác trong ngành. Trên thực tế, một số cơ sở đào tạo còn hạn chế về đội ngũ giảng viên chuyên môn sâu, cơ sở vật chất và hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng, khiến việc thu hút doanh nghiệp đồng hành lâu dài trở nên khó khăn.

Vì vậy, cần có những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để thúc đẩy mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, đảm bảo tính khả thi và bền vững trong triển khai chương trình đào tạo của ngành học.

Trên thực tế, mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn đang đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết ba vấn đề cốt lõi mà nhiều chương trình đào tạo hiện nay còn vướng mắc.

Thứ nhất là sự thiếu hụt tính thực tiễn trong nội dung chương trình đào tạo. Khi chương trình học được xây dựng chủ yếu từ góc nhìn hàn lâm, thiếu đi sự tham chiếu từ môi trường sản xuất thực tế, sinh viên thường gặp khó khăn trong việc hình dung toàn bộ quy trình thiết kế và chế tạo một con chip. Khi đó, sự tham gia của các doanh nghiệp có thể giúp lấp đầy khoảng trống này thông qua việc cung cấp các tình huống thực tiễn, bài toán công nghiệp, case study, và các dự án mô phỏng sát với thực tế sản xuất. Điều này không chỉ tạo động lực học tập cho sinh viên mà còn giúp họ tiếp cận tư duy và quy trình làm việc của ngành ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Thứ hai là vấn đề thiếu kỹ năng công nghiệp. Trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, kỹ năng làm việc nhóm trong các dự án thiết kế chip đa quốc gia, cũng như khả năng sử dụng thành thạo các công cụ EDA (Electronic Design Automation) như Cadence, Synopsys là điều bắt buộc. Đây là những kỹ năng khó có thể hình thành thông qua lý thuyết suông hoặc mô phỏng đơn giản trong phòng lab. Chỉ khi sinh viên được trực tiếp thực hành hoặc tham gia các dự án tại doanh nghiệp, họ mới có thể rèn luyện và phát triển các kỹ năng này một cách hiệu quả.

Thứ ba, khi công nghệ sản xuất và kiến trúc chip thay đổi liên tục, việc bắt kịp các xu hướng mới là điều không dễ dàng đối với các cơ sở đào tạo. Do đó, chỉ có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp đầu ngành, các trường đại học mới có thể tiếp cận nhanh chóng với thông tin, công nghệ và thiết bị mới, từ đó kịp thời cập nhật chương trình đào tạo và nội dung giảng dạy.

cntt-neu.jpg
Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế Quốc dân trong một buổi chia sẻ với Giáo sư Hwang Wu Yuan (Trường Công nghệ, Đại học Quốc gia National Dong-Hwa, Đài Loan, Trung Quốc). Ảnh: NTCC

Để doanh nghiệp tham gia sâu vào hoạt động đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm cho rằng, Nhà nước cần ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực. Trước hết, cần có cơ chế miễn giảm thuế hoặc ghi nhận chi phí đầu tư cho đào tạo như một hình thức đóng góp xã hội của doanh nghiệp. Đây sẽ là động lực tài chính quan trọng, khuyến khích các công ty công nghệ đầu tư lâu dài vào giáo dục. Đồng thời, cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp khi họ phối hợp với nhà trường trong các dự án nghiên cứu, nhằm giảm thiểu rủi ro khi chia sẻ công nghệ hoặc chuyển giao sản phẩm.

Về phía nhà trường, để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, sẵn sàng thiết kế các học phần linh hoạt, liên ngành – tích hợp kiến thức từ công nghệ thông tin, điện tử, vật liệu, trí tuệ nhân tạo… Ngoài ra, các trường nên xây dựng những đơn vị trung gian như trung tâm vi mạch, phòng nghiên cứu mô phỏng chip để đóng vai trò đầu mối kết nối với doanh nghiệp.

Các chương trình hợp tác đào tạo cũng cần đổi mới mạnh mẽ, hướng đến hình thức “đào tạo kép”, trong đó sinh viên vừa học lý thuyết tại trường, vừa thực hành tại doanh nghiệp. Các hình thức như đồ án tốt nghiệp do doanh nghiệp hướng dẫn, hay kỳ thực tập theo dự án (project-based internship) kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm nên được đẩy mạnh, tạo điều kiện để sinh viên được rèn luyện trong môi trường làm việc thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm, doanh nghiệp không nên chỉ dừng lại ở vai trò tiếp nhận sinh viên thực tập, mà cần trở thành đối tác chiến lược trong đào tạo nhân lực dài hạn. Điều này có thể thực hiện thông qua việc doanh nghiệp tham gia xây dựng đề cương môn học (syllabus), giảng dạy một số học phần chuyên sâu, cung cấp các đề tài dự án thực tế, và đồng hành cùng giảng viên trong hoạt động hướng dẫn, nghiên cứu với sinh viên.

“Trong bối cảnh các doanh nghiệp như FPT Semiconductor, CoAsia Semi, Viettel… đang tăng tốc tuyển dụng kỹ sư bán dẫn trong nước, việc gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và tuyển dụng là rất cần thiết. Doanh nghiệp nên triển khai các chương trình học bổng đi kèm với cam kết tuyển dụng, đồng thời sử dụng kỳ thực tập như một giai đoạn đánh giá năng lực. Nếu sinh viên đạt yêu cầu, nên được ưu tiên nhận vào làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp. Qua đó, hình thành một chuỗi giá trị khép kín đào tạo – thực tập – tuyển dụng, góp phần xây dựng hệ sinh thái nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn Việt Nam”, thầy Lâm kỳ vọng.

Ảnh minh họa: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Cường lại cho rằng, để doanh nghiệp có thể đồng hành sâu với nhà trường trong hoạt động đào tạo, cần có sự chuẩn bị và sẵn sàng từ phía cơ sở giáo dục. Sự sẵn sàng này không chỉ thể hiện ở tư duy đổi mới trong xây dựng chương trình đào tạo, mà còn bao gồm năng lực về cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động kết nối và quảng bá hình ảnh doanh nghiệp trong môi trường học thuật.

Về phía Nhà nước, các hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường từ tham gia đào tạo đến hỗ trợ trang thiết bị, chuyển giao công nghệ cần được ghi nhận như một chỉ số quan trọng trong đánh giá doanh nghiệp. Từ đó có chính sách ưu đãi phù hợp về tài chính, thuế và các hỗ trợ đặc thù. “Đây sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư lâu dài vào giáo dục, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao như vi mạch bán dẫn”, thầy Cường nhấn mạnh.

Đồng thời, để mối quan hệ hợp tác thực sự hiệu quả, nhà trường cũng cần tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trong nhiều khâu như giới thiệu sinh viên tốt nghiệp phù hợp khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, sẵn sàng bố trí nhân sự cho các hoạt động nghiên cứu chung. Ngoài ra, nhà trường cần chuẩn bị sẵn mặt bằng, hệ thống server, đội ngũ kỹ thuật vận hành và quản lý để doanh nghiệp có thể khai thác hiệu quả các công cụ thiết kế và thư viện phần mềm liên quan đến vi mạch bán dẫn trong quá trình hợp tác.

chip-bach-khoa-hcm.png
Chip mã hoá dữ liệu do sinh viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính,Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu. Ảnh: NTCC

Trước xu thế toàn cầu hóa và thị trường lao động mở, thầy Cường cho rằng việc yêu cầu doanh nghiệp cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp là điều không còn quá cần thiết. Thay vào đó, điều quan trọng là cả hai bên – nhà trường và doanh nghiệp cùng phối hợp đào tạo một đội ngũ kỹ sư không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn vững kỹ năng và có thái độ nghề nghiệp tốt. Khi chất lượng đầu ra được đảm bảo, chắc chắn doanh nghiệp sẽ chủ động "trải thảm đỏ" để thu hút sinh viên xuất sắc, tạo ra một thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vneconomy.vn/viet-nam-chay-dua-voi-nganh-ban-dan.htm

ĐÀO HIỀN