Nguyên tắc “7 không” và những điều cấm tuyệt đối với cán bộ thanh tra, kiểm tra

27/05/2025 16:27
Doãn Nhàn

GDVN -“Chúng ta phải đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, thuận lợi, đúng quy chế nhưng không tạo ra áp lực căng thẳng không cần thiết”.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tại Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 (dành cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học từ Thành phố Huế trở ra). Hội nghị diễn ra sáng ngày 27/5.

Những điều cấm tuyệt đối với cán bộ thanh tra, kiểm tra

gdvn-hn5-7920.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DN

Tại hội nghị, công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi được xác định là khâu then chốt nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch và nghiêm túc.

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, quy định thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định, kế thừa các năm 2022-2024, đồng thời có điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn của năm 2025.

Theo Cục trưởng, hoạt động thanh tra, kiểm tra phải đảm bảo tính độc lập với đối tượng được thanh tra, kiểm tra. Một số điểm mới đáng chú ý trong quy định năm nay là việc phân tách rõ ràng vai trò giữa các thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, người đã tham gia đoàn thanh tra chấm thi tự luận không được tham gia kiểm tra phúc khảo bài thi tự luận; tương tự với bài thi trắc nghiệm.

Đặc biệt, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh nguyên tắc “7 không” dành cho cán bộ thanh tra, kiểm tra thi:

Không ký niêm phong tủ đựng đề thi, bài thi tại Điểm thi;

Không ký niêm phong phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc vật dụng chứa túi bài thi tại khu vực chấm thi;

Không ký biên bản đóng/mở phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi, tủ thùng hoặc các vật dụng chứa bài thi;

Đoàn Thanh tra, kiểm tra không chứng kiến việc gieo phách trong khu vực cách ly làm phách;

Không ký biên bản nhập điểm bài thi tự luận của Tổ nhập điểm và không ký biên bản niêm phong 2 đĩa CD chứa dữ liệu kết quả thi;

Không ký biên bản làm việc của Ban Phúc khảo bài thi tự luận;

Không ký biên bản ghi nhận quá trình sử dụng điện thoại, máy tính tại các khu vực in sao đề thi, coi thi, làm phách bài thi tự luận, chấm thi, phúc khảo của Hội đồng thi, Điểm thi.

gdvn-hn1.jpg
gdvn-hn.jpg
Các đại biểu trao đổi ý kiến tại hội nghị. Ảnh: DN

Thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thi

Về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh rõ ba cấp thực hiện:

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và thành lập các đoàn kiểm tra các khâu của kỳ thi. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ tham gia thanh tra theo quy định pháp luật.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi tại địa phương, bao gồm việc tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng thực hiện kiểm tra theo phân cấp, đặc biệt là công tác chấm thi.

Cục Nhà trường (thuộc Bộ Quốc phòng): Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông đối với các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

Đối tượng thanh tra, kiểm tra thi năm 2025
Đối tượng thanh tra, kiểm tra thi năm 2025

Những ai không được tham gia thanh tra, kiểm tra thi năm 2025?

Ngoài ra, Cục trưởng cũng đặc biệt lưu ý về các đối tượng không đủ điều kiện tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch và phòng ngừa xung đột lợi ích trong toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi.

Theo đó, 4 nhóm đối tượng sẽ không được tham gia vào các đoàn thanh tra, kiểm tra, bao gồm:

1. Những người có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ dự thi trong năm tổ chức Kỳ thi không được tham gia công tác thanh tra, kiểm tra: tại Điểm thi nơi có người thân dự thi/làm nhiệm vụ thi và tại Ban Làm phách, Ban Chấm thi, Ban Phúc khảo, Xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

2. Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích.

4. Người không đủ các điều kiện khác để tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Không tạo áp lực thi cử không cần thiết - Đặt quyền lợi thí sinh lên hàng đầu

a60c8cdcd14764193d56.png
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh phải đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, thuận lợi, đúng quy chế nhưng không tạo ra áp lực căng thẳng không cần thiết. Ảnh: DN

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Kỳ thi năm nay mang tính chất đặc biệt và rất quan trọng, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần trách nhiệm cao và sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các lực lượng tham gia.

Theo Thứ trưởng, toàn ngành cần tiếp tục quán triệt tinh thần “4 đúng, 3 không” đã được triển khai trong các kỳ thi trước. Cụ thể:

“4 đúng” bao gồm: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường.

“3 không” là: không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.

Bên cạnh đó, năm nay, chỉ thị của Bộ còn nhấn mạnh thêm hai yêu cầu tăng cường:

Một là, tăng cường tinh thần trách nhiệm, ý thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các chủ thể tham gia kỳ thi.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao tính tự giác của thí sinh, giúp các em chuẩn bị tốt cả về kiến thức và tâm thế.

Thứ trưởng cũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với 5 từ khóa then chốt định hướng toàn bộ công tác tổ chức kỳ thi: Lãnh đạo sâu sát, toàn diện; Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; Chuyên môn vững vàng; Phối hợp nhịp nhàng, thông suốt; Tinh thần chủ động, tuân thủ quy định nhưng không máy móc, đảm bảo công khai, minh bạch.

“Chúng ta phải đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, thuận lợi, đúng quy chế nhưng không tạo ra áp lực căng thẳng không cần thiết. Mọi tình huống phát sinh cần được xử lý kịp thời, công khai, minh bạch, đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (A06), Bộ Công an Phạm Long Âu đã cảnh báo, hiện nay, tình trạng sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong các kỳ thi đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, từ các tai nghe siêu nhỏ, camera được ngụy trang cho đến các thiết bị truyền tin tinh vi,... nhằm vượt qua kỳ thi một cách không trung thực.

Trước thực trạng này, đại diện Bộ Công an đã chia sẻ tại hội nghị các dấu hiệu nhận biết và phương pháp phát hiện thiết bị công nghệ cao có nguy cơ bị sử dụng để gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ và các vụ, cục của Bộ Công an đã có những phương án phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời xử lý những trường hợp cố tình sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi gian lận.

Doãn Nhàn