Theo đó, nhân viên trường học lần đầu tiên có phụ cấp với mức 15% cho các vị trí hỗ trợ, phục vụ; 20% cho chức danh chuyên môn dùng chung; 25% cho chức danh chuyên ngành, nhằm ghi nhận vai trò quan trọng của họ trong sự phát triển chung của ngành giáo dục.
Vị trí nhân viên thư viện dự kiến được hưởng phụ cấp ưu đãi 20% sẽ phần nào giúp tăng thêm động lực, cống hiến với nghề.
Vị trí nhân viên thư viện yêu cầu cao, đãi ngộ thấp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Ngọc Hường, nhân viên thư viện Trường Trung học cơ sở xã Mộc Hoàn (Thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) chia sẻ, dự thảo Nghị định dự kiến nhân viên trường học, trong đó có vị trí việc làm thư viện được hưởng 20% đã bước đầu thể hiện sự quan tâm, ghi nhận sự cống hiến của đội ngũ này với sự đóng góp trong ngành giáo dục.
Khi có thêm phụ cấp, thu nhập tăng lên, nhân viên thư viện sẽ có thêm điều kiện để chăm lo cho gia đình, trang trải cuộc sống và yên tâm gắn bó với nghề. Đây là chính sách hỗ trợ kịp thời, nhằm khích lệ và giữ chân những người đang ngày đêm cống hiến góp phần cùng đội ngũ nhà trường xây dựng cho sự nghiệp “trồng người”.
Cô Hường cho biết, trong hệ thống giáo dục, bên cạnh đội ngũ giáo viên luôn được nhắc đến và trân trọng, còn có một lực lượng nhân viên thầm lặng đã góp phần không nhỏ vào sự vận hành, phát triển của các nhà trường như: Nhân viên thư viện, thiết bị, kế toán, văn thư, y tế, nuôi dưỡng, bảo vệ... Những người ngày ngày âm thầm làm việc, chăm lo từ hậu cần đến công tác chuyên môn theo vị trí được phân công, góp phần tạo nên môi trường học tập lành mạnh, an toàn, đầy đủ và hiệu quả cho học sinh và giáo viên.
Tuy nhiên, trên thực tế, với đội ngũ nhân viên trường học, thu nhập vẫn còn thấp so với mặt bằng chung khiến đội ngũ này không khỏi trăn trở.
Hiện nay, cô Hường đang phụ trách kiêm nhiệm thiết bị, y tế, văn phòng và làm một số công việc khác theo sự chỉ đạo của lãnh đạo trường. Gắn bó với vị trí nhân viên thư viện từ năm 2010 theo dạng hợp đồng, năm 2022 cô Nguyễn Thị Ngọc Hường mới trúng tuyển viên chức. Hiện nay, mức lương của cô là hệ số 3,06 x 2,340 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm, mức thực lĩnh là hơn 6 triệu đồng/tháng.
Nhân viên thư viện trong nhà trường hiện nay đảm nhận nhiều vai trò. Không chỉ phục vụ nhu cầu đọc sách hằng ngày của giáo viên và học sinh, thư viện còn phụ trách tiết đọc thư viện của học sinh. Tuy nhiên, do nhiều trường chưa thể bố trí đầy đủ đội ngũ giáo viên phụ trách, nên cán bộ thư viện thường kiêm nhiệm cả tiết học thư viện.
Đặc thù công việc yêu cầu cán bộ thư viện thường xuyên tiếp xúc với sách, tài liệu, những vật dụng dễ bị bụi bẩn và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tuy nhiên mới chỉ được hưởng 0,2 chế độ phụ cấp độc hại theo Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT.
Điều này khiến họ trăn trở, cùng thực hiện các công việc chuyên môn tương đồng, nhưng nhân viên thư viện lại không có bất kỳ một ưu đãi phụ cấp nào, chẳng hạn như phụ cấp 35% đứng lớp của giáo viên tiểu học và 30% phụ cấp đứng lớp của giáo viên trung học...
Chưa kể, giáo viên nếu phải làm thêm nhiệm vụ hay giữ chức vụ nào khác thì đều có tiền phụ cấp, có những nhiệm vụ còn được giảm thêm tiết theo định mức hoặc tính thêm giờ, nhưng nhân viên thư viện thì không.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thoa, nhân viên thư viện Trường Trung học cơ sở Sơn Trung (Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết, đây là một tín hiệu hết sức đáng mừng. Việc này không chỉ là sự ghi nhận kịp thời vai trò thầm lặng của đội ngũ nhân viên trường học nói chung, thư viện nói riêng mà còn là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm động lực để họ tiếp tục cống hiến, sáng tạo và gắn bó lâu dài với nghề, đóng góp bền bỉ trong việc nuôi dưỡng văn hóa đọc, hỗ trợ giảng dạy và học tập trong nhà trường.
Hiện nay, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT, nhân viên thư viện phải đảm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ mới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tổ chức các tiết đọc sách, giúp học sinh trực tiếp trải nghiệm và tìm hiểu các tài liệu học tập. Điều này đòi hỏi nhân viên thư viện phải có nghiệp vụ sư phạm nhất định, đồng thời sở hữu kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, thu nhập của nhân viên thư viện còn thấp, ngoài được hưởng mức lương cơ bản theo quy định và có thêm mức phụ cấp độc hại thì họ không được hưởng bất kỳ khoản phụ cấp hay thu nhập nào thêm.
Vì vậy, khi có thêm chế độ phụ cấp ưu đãi không chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần mà còn có tác động thiết thực đến đời sống vật chất của nhân viên thư viện. Thu nhập tăng thêm góp phần giảm bớt áp lực kinh tế, nhất là trong bối cảnh nhiều nhân viên làm công tác thư viện hiện vẫn đang hưởng mức lương khiêm tốn so với khối lượng công việc thực tế.
Đề xuất phụ cấp được quy định theo vùng miền
Còn theo cô Trịnh Thị Ngọc Chung, nhân viên thư viện tại Trường Tiểu học Xuân Cao (Thường Xuân, Thanh Hóa), đây là một sự ghi nhận đầy ý nghĩa, bởi lần đầu tiên, đội ngũ nhân viên trong trường học được đề xuất hưởng chế độ phụ cấp theo nghề. Dù mức phụ cấp còn khiêm tốn, nhưng điều này đã thể hiện sự quan tâm thiết thực đến những đóng góp âm thầm mà bền bỉ của lực lượng này trong sự nghiệp giáo dục.
Khác với giáo viên trực tiếp đứng lớp, đội ngũ nhân viên trường học là những người làm việc phía sau hậu trường, đảm bảo cho các hoạt động dạy và học được vận hành nhịp nhàng, hiệu quả. Khối lượng công việc nhiều, đa phần là những nhiệm vụ “không tên”, nhưng mức thu nhập vẫn còn hạn chế. Tuy vậy, với tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề họ vẫn âm thầm cống hiến, đóng góp vai trò không thể thiếu cho công việc ý nghĩa là kết nối tri thức, phát triển văn hóa đọc.
Chia sẻ về công việc đang làm, cô cho biết mình và đồng nghiệp đều đang kiêm nhiệm nhiều vị trí. Ở một số trường, đội ngũ nhân viên không nhiều, có nơi chỉ từ 1 - 2 người. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn được phân công, cô và mọi người phải làm thêm các công việc khác như quản lý thiết bị dạy học, hỗ trợ hoạt động ngoại khóa, đôi khi là tham gia vào cả nhiệm vụ hành chính không thuộc phạm vi chuyên môn.
Tuy nhiên, việc chi trả phụ cấp cho các nhiệm vụ này còn chưa có văn bản quy định rõ ràng. Điều này dễ dẫn đến tình trạng chưa công bằng và làm giảm hiệu quả công tác. Do đó, cần có quy định chặt chẽ, rõ ràng về việc phân công nhiệm vụ kiêm nhiệm và chế độ phụ cấp tương ứng, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhân viên trường học khi kiêm nhiệm thêm vị trí.

Ngoài ra, cô Chung cũng đề xuất, thứ nhất, cần có thêm phụ cấp ưu đãi theo vùng miền bởi điều kiện sống, kinh tế, xã hội ở nhiều nơi vùng cao, vùng xa vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, dự thảo hiện nay quy định mức phụ cấp ưu đãi áp dụng thống nhất trên toàn quốc, chưa phản ánh đầy đủ mức độ khó khăn, vất vả mà đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang phải đối mặt.
Vì vậy, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả và tính công bằng, cần xem xét điều chỉnh mức phụ cấp theo khu vực, địa bàn công tác nhằm tạo động lực, khuyến khích họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài và đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục ở những địa bàn còn nhiều khó khăn.
Thứ hai, cần có thời gian nghỉ hè cũng linh hoạt, bởi theo Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT mới đây, thời gian nghỉ hè được áp dụng cho cả hiệu trưởng, hiệu phó thay vì chỉ áp dụng với giáo viên, tuy nhiên nhân viên trường học lại không được nghỉ hè. Nhân viên nhà trường được xác định là viên chức sự nghiệp giáo dục, chế độ làm việc sẽ tuân thủ theo khung giờ hành chính và các quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi theo Bộ luật Lao động, không có chế độ nghỉ hè.
Trong khi hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên và học sinh đều nghỉ hè riêng nhân viên vẫn phải đến trường. Điều này có phần thiệt thòi, bất cập cho họ.
Thứ ba, cần có phụ cấp thâm niên nghề để ghi nhận sự đóng góp của người đã nhiều năm công tác. Giá trị của những năm tháng cống hiến không thể đo đếm bằng những con số đơn thuần. Phụ cấp thâm niên nghề như một sự tri ân và ghi nhận đóng góp bền bỉ, lâu dài của những người đã dành nhiều năm phục vụ ngành. Rất nhiều ngành nghề đã áp dụng hình thức này để duy trì động lực và sự gắn bó của nhân viên. Vì vậy, rất cần bổ sung phụ cấp thâm niên nghề cho nhân viên trường học, tạo cơ chế khích lệ hợp lý đối với người có nhiều năm công tác, góp phần nâng cao chất lượng và ổn định nguồn nhân lực
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Ngọc Hường cũng đề xuất có thêm phụ cấp kiêm nhiệm đảm bảo quyền lợi tương xứng cho đội ngũ này. Bởi giáo viên được hưởng phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên nghề, kiêm nhiệm một việc được giảm tiết, giảm giờ và có chế độ nhưng làm nhân viên thư viện trường học nhưng cô còn kiêm nhiệm thêm các đầu việc mà không được hưởng phụ cấp, không được hưởng tiền kiêm nhiệm.
Ngoài ra, cô Hường cũng bày tỏ mong muốn được hưởng chung mức phụ cấp ưu đãi nghề 25% cho tất cả nhân viên trường học để ghi nhận đúng với công sức của họ, bởi đội ngũ nhân viên trường học gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: thư viện, thiết bị, kế toán, văn thư, y tế, nuôi dưỡng, bảo vệ… đều là những mắt xích không thể thiếu trong chuỗi hoạt động của nhà trường. Mỗi cá nhân dù ở vị trí nào cũng góp phần tạo nên một môi trường giáo dục toàn diện, hỗ trợ hiệu quả cho công tác giảng dạy và học tập.
Việc áp dụng một mức phụ cấp ưu đãi chung là 25% lương theo hệ số cho tất cả nhân viên trường học không chỉ là sự công bằng mà còn là sự ghi nhận chính xác, xứng đáng với đóng góp của họ. Việc mở rộng mức phụ cấp này cho tất cả nhân viên thể hiện sự đồng thuận, tôn trọng và khích lệ toàn diện, góp phần nâng cao tinh thần làm việc, sự gắn bó lâu dài với nghề.
Cuối cùng là việc thực hiện chế độ chính sách và thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên trường học. Đây là nguồn động viên lớn về mặt tinh thần, đồng thời khuyến khích cán bộ, nhân viên nâng cao năng lực chuyên môn, cống hiến cho ngành.