Ngôi trường đặc biệt, coi giáo dục đạo đức học sinh là nhiệm vụ hàng đầu

23/10/2019 06:43
Thùy Linh
(GDVN) - Do Đinh Tiên Hoàng là ngôi trường của nhiều học sinh đặc biệt nên mỗi việc làm, hành động, cách ứng xử của thầy cô được coi là tấm gương cho học sinh noi theo.

Giáo dục đạo đức, nhân cách ngày càng trở nên có ý nghĩa, bởi nếu như kiến thức có thể khiến cho học sinh thông minh, giỏi giang hơn thì nhân cách và cách cư xử giúp các em có thể tồn tại với tư cách là thành viên cộng đồng và trở nên có ý nghĩa hơn đối với chính mình và trong mối quan hệ với những người khác (Judiani, 2010).

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục đạo đức cho học sinh trong bối cảnh hiện nay, các nhà trường, cộng đồng đang dần quan tâm hơn đến giáo dục tính cách, nhân cách cho học sinh bên cạnh giáo dục tri thức. 

Trong bối cảnh đó, có một nhà trường trong suốt 30 năm hình thành và phát triển đã chăm chút hình thành nhân cách cho học sinh để rồi chứng minh được tính đúng đắn của cách làm, cách thay đổi của mình: trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng.

Qua nghiên cứu về mô hình giáo dục đạo đức của trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Liên – Trường Đại học sư phạm Hà Nội cho biết, khác với nhiều trường trung học phổ thông khác- thường đề cao việc học tập chuẩn bị tri thức, hành trang cho học sinh tham gia các kỳ thi quan trọng, trường Đinh Tiên Hoàng coi giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh là nhiệm vụ hàng đầu. 

Quan điểm tiếp cận trong giáo dục của nhà trường là cần thay đổi nhận thức, thay đổi thái độ cũng như hứng thú của học sinh với việc học trước khi đưa các em đến với kiến thức. 

Học sinh Đinh Tiên Hoàng được tổ chức tham gia nhiều hoạt động tập thể để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển tâm lý lứa tuổi, vừa tạo môi trường học sinh trải nghiệm những giá trị sống, kỹ năng sống được học. (Ảnh nhà trường cung cấp)
Học sinh Đinh Tiên Hoàng được tổ chức tham gia nhiều hoạt động tập thể để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển tâm lý lứa tuổi, vừa tạo môi trường học sinh trải nghiệm những giá trị sống, kỹ năng sống được học. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Cô Liên nói: “Với quan điểm đó nên chương trình giáo dục đạo đức cho học sinh nhà trường không chỉ thông qua các giờ học giáo dục công dân, pháp luật… mà còn thông qua nhiều con đường và hoạt động phong phú”. 

Chia sẻ rõ hơn về điều đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Liên cho biết, trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng từ năm 2001 đến nay đã áp dụng chương trình giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống thành chương trình giáo dục đạo đức bắt buộc cho mọi học sinh. Chương trình được bố trí những bài dạy trong giờ chính khóa 2 tiết/ 1 tháng.

Kết hợp với việc giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống học sinh còn được tổ chức tham gia nhiều hoạt động tập thể để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển tâm lý lứa tuổi, vừa tạo môi trường học sinh trải nghiệm những giá trị sống, kỹ năng sống được học.

Ngoài ra nhà trường tổ chức Hội trại “26/03” thường niên và Hội trại hè tháng 7 để học sinh được trải nghiệm thông qua hoạt động tập thể như thi thời trang, thi văn nghệ, thi đấu các môn thể thao, thi tài năng duyên dáng Đinh Tiên Hoàng (Học sinh thanh lịch) chương trình từ thiện đến các bệnh viện trẻ em Hà Nội, kết nghĩa với các trường có con em dân tộc ở Kim Bôi – Hòa Bình…

Mô hình giáo dục không chọn lọc đầu vào đầy nhân văn giữa lòng thủ đô Hà Nội

Do nhận thức được vai trò của khoa học Tâm lý giáo dục, trường Đinh Tiên Hoàng luôn luôn trang bị cho giáo viên chủ nhiệm những quan điểm và phương pháp giáo dục hiện đại để họ vận dụng vào công tác giáo dục. 

Từ năm 2001, trường được sự giúp đỡ của Hiệp hội Tâm lý giáo dục Đông Nam Á (ADEPASE) của Pháp, Khoa Tâm lý học giáo dục của các trường đại học trong nước, hiện nay trường có văn phòng Tâm lý học đường với 3 nhân viên chuyên trách, thường xuyên làm các nhiệm vụ như nghiên cứu tâm sinh lý học sinh Đinh Tiên Hoàng để tư vấn cho giáo viên có phương pháp giáo dục phù hợp, phòng ngừa những biểu hiện tâm sinh lý không lành mạnh trong học sinh;

Tư vấn giáo dục những học sinh có cá tính, khó giáo dục; Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức hoạt động tư vấn nhóm cho phù hợp từng chuyên đề giáo dục của từng lớp;

Tư vấn hướng nghiệp cho 100% học sinh Đinh Tiên Hoàng giúp các em có ý thức, quyết tâm và có phương pháp học để thỏa mãn với những hoài bão, ước mơ cũng như khích lệ các em sớm nuôi ý chí lập nghiệp thiết thực. 

Ngoài ra, do Đinh Tiên Hoàng là ngôi trường của nhiều học sinh đặc biệt nên mỗi việc làm, hành động, cách ứng xử của thầy cô được coi là tấm gương cho học sinh tin tưởng và làm theo. Những gì yêu cầu hình thành được ở học sinh thì giáo viên phải biểu hiện được, hỗ trợ được cho học sinh. 

Đặc biệt, cô Liên nhấn mạnh, văn hóa nhà trường được thể hiện trong mọi khía cạnh của nhà trường; nhưng đặc biệt nhất là những giá trị mà nhà trường tuyên bố và công khai, nhắc đi nhắc lại, làm đi làm lại trở thành một phần đặc trưng không thể thiếu làm nên tên tuổi của nhà trường đó là: Giá trị 5 tự: Tự học sáng tạo (Thích học, có thói quen học, biết cách học và học có hiệu quả); Tự chủ; Tự tin; Tự trọng; Tự chịu trách nhiệm…

Ngoài ra, cuốn sổ tay học sinh của trường Đinh Tiên Hoàng cũng chứa đựng giá trị văn hóa và giá trị đạo đức giúp hướng dẫn hành vi học sinh. 

Cụ thể, trong đó có “10 lời hứa của học sinh Đinh Tiên Hoàng”- với câu từ ngắn gọn, xúc tích, dễ nhớ, 2/3 cuốn sổ tay học sinh dành để hướng dẫn và đánh giá các em về việc rèn luyện thói quen, hành vi đạo đức và chỉ một phần nhỏ đánh giá về kết quả học tập.

Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo nhận xét, thầy cô Đinh Tiên Hoàng làm tròn cả 4 vai

Và ngay cả trên website của nhà trường, các thông tin về Khoa học giáo dục và hướng dẫn sự phối hợp của gia đình trong giáo dục học sinh cũng được nhà trường dành cho một “không gian” khá lớn và ưu ái.

Mục tiêu giáo dục rất rõ nên Nhà trường luôn chú trọng đến công tác đào tạo- đặc biệt tập trung nhiều vào bồi dưỡng các kỹ năng mềm cho giáo viên nhất là cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm - coi đây là những nhà giáo dục thật sự, ngày đêm tác động tạo nên sự thay đổi nhân cách học sinh.

Được biết, hàng năm, trường đều mời chuyên gia về đào tạo phương pháp giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống về tập huấn cho giáo viên. Việc này một mặt giúp giáo viên cập nhật, biết cách giáo dục mặt khác tăng thêm sự tự tin cho mỗi giáo viên.

Với mục đích này tôi tin các thầy cô giáo trường Đinh Tiên Hoàng sẽ cùng chung sức hoàn thành sứ mệnh của mình như lời mong muốn và giao nhiệm vụ của thầy chủ tịch Nguyễn Tùng Lâm trong lễ khai giảng 2019-2020: Học sinh trường Đinh Tiên Hoàng học để biết cách trở thành người tử tế. 


Thùy Linh