Lịch thiệp, nhã nhặn như liền anh, liền chị
Bên lề buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thịnh (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) tổ chức, phóng viên khá ngạc nhiên khi nhiều học sinh, thầy cô của trường biết hát quan họ rất hay
Mảnh đất Kinh Bắc vốn nổi tiếng với những làn điệu dân ca trữ tình, mượt mà, đậm đà, và quyến rũ. Nói đến quan họ là nói đến một loại hình nghệ thuật tổng hợp hòa quyện với các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội,… tạo nên một lối hát, một lối chơi mang đậm chất trữ tình, thanh lịch, hào hoa, gắn kết, và tính thẩm mỹ cao.
Nhiều người nghĩ người hát quan họ có lẽ phải là những nghệ nhân cao tuổi, người được đào tạo bài bản, qua trường lớp, nhưng về với mảnh đất Kinh Bắc, gần như quan họ ai cũng có thể hát được, còn hát rất hay như học sinh Trường trung học phổ thông Lê Văn Thịnh.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Khắc Thiết, Phó Hiệu trưởng xung quanh vấn đề phòng chống bạo lực học đường, lạm dụng tình dục hiện nay có xu hướng gia tăng xảy ra tại không ít trường vừa qua.
Thầy Nguyễn Khắc Thiết tự hào cho biết, nhiều năm nay trường không xảy ra vụ bạo lực học đường nào, lạm dụng tình dục càng không. Nhưng không vì thế công tác này lơ là, xem nhẹ được, đặc biệt trong thời điểm hiện nay mạng xã hội phát triển rất mạnh.
“Nhà trường tổ chức dạy hát dân ca quan họ Bắc Ninh cho các em sau những giờ học căng thẳng.
Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi vậy, để các em học, hát quan họ hiểu và ý thức về giá trị của di sản này ngày càng sâu sắc.
Cùng với học hát quan họ, các em còn được học những nét đẹp truyền thống của văn hóa Quan họ và con người Kinh Bắc xưa, từ đó góp phần giúp các em hoàn thiện nhân cách, xứng đáng với truyền thống của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Qua những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, trữ tình, các em còn được giáo dục thẩm mỹ, truyền thống văn hóa, phát triển nhân cách, niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước trong mỗi học sinh của trường”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo, giáo viên, cán bộ, nhân viên Trường trung học phổ thông Lê Văn Thịnh kết thúc buổi hội thảo Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: V.P. |
Thầy Nguyễn Khắc Thiết nhấn mạnh: “Qua lời ca đẹp của dân ca quan họ sẽ góp phần bồi dưỡng cho các em về lối cư xử lịch thiệp, nhã nhặn của người Quan họ. Qua đó, các em biết cư xử với bạn học, thầy cô giáo, bố mẹ, cộng đồng như thế nào cho lịch thiệp, nhã nhặn.
Chắc chắn những sân chơi bổ ích, những giờ ngoại khóa thư giãn sẽ góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, bạo lực học đường”.
Cũng theo lãnh đạo Trường trung học phổ thông Lê Văn Thịnh, để thu hút học sinh toàn trường hứng thú trong học hát dân ca quan họ, nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều cuộc thi hát quan họ để động viên, khuyến khích các em học hát hay.
Sau này các em còn góp phần quảng bá vẻ đẹp của di sản quê hương đến mọi miền tổ quốc và ngoài nước”.
Trường trung học phổ thông Lê Văn Thịnh tổ chức hội thi hát dân ca quan họ Bắc Ninh ngay tại trường vào Tháng 3/2019. Ảnh: NVCC. |
Nói về vấn đề bạo lực học đường, thầy Nguyễn Khắc Thiết cũng thẳng thắn cho rằng: “Sĩ số bình quân của trường vài năm trở lại đây khoảng 1.500 học sinh.
Với sĩ số đông như vậy khó có thể đảm bảo trong số học sinh này không có những bất đồng, mâu thuẫn. Nhưng điều quan trọng các em đã biết kiềm chế cảm xúc, nói lời hay làm việc tốt.
Nhà trường cũng xây dựng 5 lời hứa danh dự của học sinh Trường trung học phổ thông Lê Văn Thịnh để phấn đấu rèn luyện đức tài. Ngoài ra, nhà trường cũng xây dựng “Những chuẩn mực về đạo đức của người học sinh Trường trung học phổ thông Lê Văn Thịnh”.
Theo đó, học sinh sống có ý chí, lý tưởng, hiếu thảo với bố mẹ, ông bà, thầy cô. Nói lời hay làm việc tốt, không vi phạm các tệ nạn xã hội…
Để phòng ngừa bạo lực học đường, nhà trường luôn chú trọng hàng đầu là tạo môi trường học tập thân thiện, yêu trường lớp như nhà mình bằng những sân chơi bổ ích, các phong trào thiết thực”.
Tại Trường trung học phổ thông Lê Văn Thịnh, nhiều pano, áp-phích khẩu hiệu được treo, đặt ở vị trí bắt mắt, dễ nhìn góp phần không nhỏ giúp học sinh phấn đấu trong học tập, nói lời hay, cử xử lịch thiệp, nhã nhặn. Ảnh: V.P. |
Thầy Thiết cũng chia sẻ, trước nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây rất đáng lo ngại, điều đó làm xấu hình ảnh môi trường giáo dục thân thiện các trường hướng đến.
Để ngăn ngừa, phòng trước tình trạng bạo lực học đường, ngay từ đầu năm học, Trường trung học phổ thông Lê Văn Thịnh đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh, không dừng lại ở việc hô hào, khẩu hiệu mà đi vào thực tế.
Về công tác tư tưởng, nhà trường thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức về hành động và những hậu quả của hành động bạo lực học đường trong học sinh toàn trường.
Trong tập thể lớp tổ chức các nhóm bạn đồng hành để giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ cả học tập cũng như tâm tư tình cảm.
Với những học sinh có cá tính mạnh tránh dùng từ học sinh cá biệt, nhà trường phối hợp cùng gia đình để uốn nắn và quan trọng hơn hết đó là thuyết phục, đưa các em vào các phong trào của lớp, của trường thông qua những sân chơi bổ ích.
Qua các phong trào, sân chơi bổ ích sẽ tạo được sự gần gũi, gắn kết giữa các em nói chung, các em có cách tính mạnh nói riêng. Như thế các em sẽ suy nghĩ, hành động tích cực, tránh sự phân biệt đối xử giữa các em có cá tính mạnh và học sinh bình thường.
Thầy Nguyễn Khắc Thiết, Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh, tạo môi trường học tập thân thiện, hiện đại, nhiều hoạt động ngoài giờ bổ ích sẽ đẩy lùi được vấn đề bạo lực học đường. Ảnh: V.P. |
Nguyên tắc “không bí mật”
Ngoài những giải pháp nhằm đẩy lùi bạo lực học đường, Trường trung học phổ thông Lê Văn Thịnh còn rất quan tâm đến việc phòng chống tình trạng lạm dụng tình dục.
Nhà trường lắp đặt hệ thống camera dày đặc để giám sát cả bên trong khuôn viên, ngoài trường, ngăn chặn việc lạm dụng tình dục. Với hệ thống camera an ninh này sẽ góp phần ngăn chặn vấn đề lạm dụng tình dục cũng như bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, nhà trường chỉ đạo lập kế hoạch cụ thể về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hình sự, hôn nhân gia đình, pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và pháp luật về phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh trong năm học.
Nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về “Sức khỏe sinh sản vị thành niên” và chuyên đề "Phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục học đường" ,… cho học sinh toàn trường vào các giờ chào cờ, giờ ngoại khóa.
Phối hợp với gia đình giáo dục cho học sinh biết những kiến thức cơ bản về giới tính, cách nhận diện các tình huống nguy cơ/bất thường, cách xử lý;
Dạy cho học sinh tránh xa đối tượng nguy hiểm, nếu có ai tìm cách đụng chạm vào những nơi nhạy cảm của mình phải tỏ ra phản đối một cách quyết liệt, bỏ đi ngay và giữ nguyên tắc “không bí mật” với cha mẹ, cần phải chia sẻ những việc gì khiến mình không thoải mái, khó chịu với cha mẹ.
Luôn nhắc học sinh, trong mọi trường hợp xấu nhất, an toàn của mình là quan trọng, phải biết tìm người giúp đỡ khi gặp nguy hiểm bằng cách gọi điện thoại cho bố mẹ, những người thân tin cậy hoặc các đường dây nóng.
Qua hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành Trường trung học phổ thông Lê Văn Thịnh đã có 31 em đạt giải học sinh giỏi cấp Quốc gia, có 581 em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Trong đó, nhiều em đã trở thành Bác sỹ, kỹ sư, sỹ quan quân đội.. đang công tác trên mọi miền đất nước.
Chi bộ nhà trường đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu, trường đạt tập thể lao động xuất sắc được Thủ tướng chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc.
Những năm gần đây, học sinh của Trường trung học phổ thông Lê Văn Thịnh liên tiếp góp mặt trong Top đầu nhiều môn thi của tỉnh Bắc Ninh cũng như kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia.
Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức. Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường. Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội. Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Mọi chi phí hội thảo do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn. Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. |