LTS: Bàn tiếp về chủ đề “Người thầy trong giáo dục đại học của thời kỳ hội nhập”, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả của Phó Giáo sư Đào Duy Huân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ trao đổi về vấn đề này.
Người thầy là chiếc cầu nối
Có thể nói rằng, xã hội loài người đã trải qua nhiều chế độ khác nhau, vị trí, vai trò của người thầy trong từng chế độ đó cũng được quan niệm khác nhau.
Người thầy trong thời đại 4.0 phải là trọng tài khoa học kết luận vấn đề do người học trình bày. Ảnh: TT |
Nhưng ý nghĩa xã hội to lớn của nghề dạy học mà chủ thể chính quyết định là người thầy thì không ai có thể phủ nhận được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa.
Bác xem việc dạy học là một nghề đào tạo, rèn luyện những thế hệ con người đủ tâm, tầm để xây dựng và phát triển xã hội.
Sự cống hiến của người thầy rất thầm lặng, nhưng nếu trở thành một người thầy tốt là điều vô cùng hữu ích và rất mực vẻ vang.
Vì thế, Người dạy: Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh.
Những người thầy trong tôi |
Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tri thức không còn nằm độc quyền trong tay người thầy nữa mà bản thân người học có thể tìm kiếm tri thức ở rất nhiều nguồn khác nhau, thông tin rất đa dạng, rất phong phú.
Vì vậy, người thầy lúc này là cầu nối, là một trong những kênh để cung cấp thêm, gia tăng tri thức cho người học.
Mặt khác, chúng ta đang thực hiện đổi mới phương pháp dạy học với việc xác định lấy người học làm trung tâm, đào tạo gắn với thực tiễn.
Và đáp ứng nhu cầu xã hội bởi không chỉ có tri thức, mà cả nhiều kỹ năng khác để có thể giải quyết mọi vấn đề đặt ra trong tiến trình hội nhập.
Điều này không có nghĩa là hạ thấp vai trò của người thầy mà ngược lại gián tiếp khẳng định vai trò ấy cao hơn, chức năng của người thầy theo đó mà thay đổi để tạo ra lực lượng lao động thực sự làm chủ tiền trình phát triển.
Người thầy không chỉ có kiến thức về mọi lĩnh vực, đặc biệt về lĩnh vực mình đảm trách mà còn phải có phương pháp tổ chức quá trình học của người học.
Người thầy phải trở thành người đạo diễn, kích thích hoạt động cho người học, là trọng tài khoa học kết luận vấn đề do người học trình bày.
Người thầy phải hướng dẫn cho họ cách tự học, tự tìm kiếm kiến thức bằng suy nghĩ, hành động.
Dưới sự tổ chức, hướng dẫn của người thầy, người học sẽ tự tìm cách chiếm lĩnh tri thức khoa học, tự giác rèn luyện, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo.
Qua phương pháp này, người học không chỉ tiếp thu tri thức mới mà còn trau dồi được cách phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề, phương pháp khám phá chân lý…
Và đó chính là cơ sở để trau dồi, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong cuộc sống của họ sau này.
Người thầy phải giữ được lý tưởng cao đẹp
Muốn làm được việc ấy, người thầy cần phải đẩy mạnh việc tự học và nghiên cứu khoa học ứng dụng, xem nghiên cứu khoa học là một phương thức để phát triển, tích luỹ kiến thức lý luận, kỹ năng nghề nghiệp cho chính mình.
Trong xã hội phát triển, người thầy cũng luôn vận động để chuyển mình, đủ tự tin để hoạt động khoa học.
Chiếc ghế, chén đũa dành cho thầy giáo cũ |
Nhưng cũng giữ được lý tưởng cao đẹp, không nghĩ đến cái lợi trước mắt, những bon chen tầm thường của cuộc sống hàng ngày mà giữ ý thức trách nhiệm đối với xã hội và người học.
Bởi không ai khác, người thầy là đối tượng trực tiếp tác động đến người học nên mới có câu “Lương sư hưng quốc” - thầy giỏi có thể làm cho quốc gia hưng thịnh.
Trong công việc của mình, người thầy cũng tham gia vào xây dựng nội dung, chương trình đào tạo và đánh giá người học cho nên chỉ có nắm vững thực tế người học, nắm vững nhu cầu xã hội và kỹ năng nghề nghiệp mới có thể làm tốt vai trò này.
Thực tiễn phát triển xã hội đòi hỏi phải đẩy mạnh xây dựng nền đạo đức mới, trong đó có đạo đức nghề nghiệp, đạo đức người thầy.
Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, ngay từ năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định số 16/2008/QĐ- BGDĐT ban hành quy định về đạo đức nhà giáo.
Quy định này đã qua trên 10 năm, nên cần bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với hội nhập, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
(Còn nữa)
(*): Tít chính và tít phụ do tòa soạn đặt.