LTS: Đánh giá kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, thầy giáo Sông Trà tổng hợp một số ý kiến của các thầy cô giáo đang giảng dạy tại bậc học này.
Theo đó, có ý kiến đặt ra những nghi vấn rằng chất lượng giáo dục có phản ánh thực chất qua kết quả thi năm nay và đề xuất bỏ việc cộng điểm trung bình lớp 12 để công nhận tốt nghiệp.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đến thời điểm này, hầu hết các tỉnh, thành đã công bố kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông, không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay rất cao, có hàng trăm trường đỗ 100%.
Nhiều tỉnh thuộc vùng miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội, giáo dục còn khó khăn nhưng vẫn có một kết quả tốt nghiệp rất ngoạn mục, hơn hẳn các năm trước đây.
Từ kết quả đỗ cao ngất ngưởng này, không ít người đặt ra nghi vấn về chất lượng giáo dục, khâu ra đề thi, công tác tổ chức coi thi, chấm thi ở năm nay vẫn chưa phản ánh đúng thực chất.
Theo đó, họ đưa ra kiến nghị: các năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên thi trung học phổ thông quốc gia nữa vì gây lãng phí, tốn kém quá lớn, chuyển sang hình thức xét công nhận tốt nghiệp thì ưu việt, gọn nhẹ, tốt hơn.
Một số giáo viên đề xuất bỏ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh minh hoạ: Thùy Linh) |
Vậy quan điểm, ý kiến của các cán bộ quản lý, thầy cô giáo, chủ thể chính của kỳ thi này sẽ như thế nào?
Thầy Ngô Văn Hải, Hiệu trưởng, Trường Trung học phổ thông Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho rằng:
“Công tác coi thi, khâu quan trọng hàng đầu được thực hiện rất đồng bộ, nghiêm túc ngay tại các địa phương. Đề thi ra cơ bản, bám sát chương trình, nội dung, sách giáo khoa, vừa sức với đa số học sinh.
Nhà trường, giáo viên chủ động và có nhiều kinh nghiệm trong việc dạy - học, ôn tập, tập dượt thi thử. Cộng với lợi thế kết quả điểm học bạ lớp 12 tham gia xét tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đấy là những cơ sở chính giúp cho kết quả điểm thi và tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay cao hơn mọi năm”.
Đã có 70 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 100% |
“Theo tôi, một số người không nên vì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao mà vội suy diễn, kết luận rằng công tác tổ chức coi thi, chấm thi năm nay có vấn đề.
Thông tin như thế là không công bằng, thiếu thực tế, cần nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan, công tâm hơn”, thầy Hải nhấn mạnh.
Cô giáo Nguyễn Thị Lê Minh, giáo viên một trường trung học phổ thông ở tỉnh Quảng Bình cho rằng:
“Nếu bỏ thi tốt nghiệp, giao về cho nhà trường tự xét tốt nghiệp giống như bậc Trung học cơ sở làm lâu nay, tuy có đỡ tốn kém, áp lực hơn nhưng chưa hẳn chất lượng giáo dục ở bậc trung học phổ thông đã tốt lên.
Không có đợt sát hạch, thi cử nào sau 12 năm học phổ thông, từng nhà trường, giáo viên và các em dễ mất đi động lực dạy - học, rèn luyện, khó có cơ sở đánh giá xác thực và toàn diện.
Vì nhiều học sinh ở ta, kể cả người lớn, nhiễm nặng tư tưởng tiêu cực, lệch lạc không thi, không học.
Muốn thay đổi, bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần phải có lộ trình, được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo, khoa học trên tất cả các phương diện, lợi- hại; được- mất, kể cả điều chỉnh luật giáo dục hiện hành…"
Nhiều người trong cuộc đã từng bày tỏ lo ngại, bức xúc trước cách đánh giá, cho điểm, xếp loại học lực lớp 12 của vô số nhà trường, thầy, cô giáo hiện nay.
Từ khi có chủ trương điểm học bạ lớp 12 tham gia xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (5 năm qua) họ đã chạy theo “bệnh thành tích”, quá “thương” học trò của mình nên nảy sinh tình trạng đáng buồn là: thi nhau tháo khoán, cho điểm… cao chót vót.
Hậu quả từ cộng điểm trung bình lớp 12 vào điểm xét tốt nghiệp của học sinh |
Chính vì vậy, nhiều học sinh tuy học rất tệ, điểm thi thấp nhưng lại được “giải cứu” một cách ngoạn mục trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay và các năm trước.
Mặc dù báo chí nói chung, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nói riêng từng có loạt bài phản ánh, phân tích sắc sảo, thuyết phục về vấn nạn cho điểm, nâng điểm… vô tội vạ ấy song thực tế ít thấy chuyển biến.
Các nhà trường, thầy cô giáo vẫn “âm thầm” làm theo ý nghĩ, tư duy thực dụng của mình.
Rõ ràng, nếu không có “phao cứu sinh” từ các nhà trường, giáo viên thì các năm trước và đặc biệt năm nay, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của các tỉnh, thành, các trường cũng không cao ngất ngưởng đến như vậy.
Theo tôi, một chủ trương đúng đắn, nhân văn nhưng bị cấp cơ sở lạm dụng, cố tình làm méo mó, biến tướng đi thì đến lúc phải kiên quyết “ khai tử” nó.
Năm tới, nếu có tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên mạnh dạn bãi bỏ quy định cộng điểm học bạ vào xét tốt nghiệp để chất lượng giáo dục, kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông thực chất, công bằng hơn, giống như những năm trước đây.