NGƯT Ngô Trần Ái chia sẻ quy trình và mức độ công phu khi biên soạn SGK mới

06/10/2022 06:50
Linh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Quy trình biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được quy định cụ thể tại Thông tư 33 và Thông tư 05 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để giúp dư luận hiểu rõ hơn về quy trình và mức độ công phu đầu tư của các nhóm tác giả trong việc biên soạn sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới, hôm nay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC)– một đơn vị tham gia làm sách giáo khoa.

Phóng viên: Thầy đánh giá như thế nào về chủ trương xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa?

Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái: Chủ trương xã hội hoá, phát triển đồng bộ các loại thị trường, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được đề ra từ gần 30 năm nay trong các văn kiện của Đảng (Đại hội lần thứ VIII, tháng 6 năm 1996 và Đại hội lần thứ IX, tháng 4 năm 2001).

Chủ trương xã hội hoá giáo dục, trong đó có đa dạng hoá, xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa đã được cụ thể hoá trong Nghị quyết 29 của Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội về giáo dục.

Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC)– một đơn vị tham gia làm sách giáo khoa (ảnh: L.A)

Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC)– một đơn vị tham gia làm sách giáo khoa (ảnh: L.A)

Mục tiêu của xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa là huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa; thu hút được đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn.

Thực tế, hiện nay có 06 nhà xuất bản tham gia vào biên soạn sách giáo khoa gồm: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Vinh, Nhà xuất bản Đại học Huế, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và 1.574 tác giả biên soạn sách giáo khoa cho 06 khối lớp (lớp 1,2,3,6,7,10) (Trích nguồn: “Kết quả thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018” – Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Như vậy xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa sẽ tạo tính cạnh tranh công bằng, tập trung trí tuệ và có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất, phù hợp nhất với việc giảng dạy, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đó, xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa cũng nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước khi huy động được nguồn vốn của các tổ chức và cá nhân tham gia vào thực hiện tất cả các khâu từ tổ chức biên soạn, dạy thực nghiệm, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên đến khâu in ấn và cung ứng/phát hành sách tới giáo viên, học sinh.

Trong đó chi phí cho việc biên soạn sách giáo khoa như: nhuận bút tác giả; chi phí biên tập, chế bản, thiết kế - minh hoạ để hoàn thiện bản thảo; chi phí dạy thực nghiệm và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên vốn trước đây do nhà nước chi trả.

Thầy có thể chia sẻ rõ hơn về quy trình và mức độ công phu đầu tư của nhóm tác giả trong biên soạn sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018?

Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái: Quy trình biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được quy định cụ thể tại Thông tư 33 và Thông tư 05 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, sách giáo khoa được biên soạn, kiểm duyệt qua 5 bước:

Một là, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa lựa chọn tác giả biên soạn sách giáo khoa đáp ứng tiêu chuẩn quy định;

Hai là, tác giả nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông, tham khảo sách giáo khoa các nước để xây dựng đề cương tổng thể, đề cương chi tiết, kế hoạch biên soạn; phân công nhiệm vụ của Tổng Chủ biên, Chủ biên (nếu có), tác giả bảo đảm sự phù hợp về khối lượng công việc và thời gian thực hiện để bảo đảm chất lượng và tiến độ hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa;

Ba là, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, minh hoạ, hoàn thành ít nhất một (01) bài học, tổ chức dạy thực nghiệm, góp ý sau khi dạy thực nghiệm để hoàn thiện bài học đó với sự tham gia đóng góp và thống nhất của toàn thể tác giả trước khi tổ chức biên soạn các bài học khác;

Bốn là, tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, minh hoạ, dạy thực nghiệm, tổ chức lấy ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học, nhà giáo dục am hiểu về giáo dục phổ thông nhận xét, đánh giá bản mẫu sách giáo khoa;

Năm là, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức thẩm định.

Bộ sách Cánh Diều của công ty VEPIC (ảnh: L.A)

Bộ sách Cánh Diều của công ty VEPIC (ảnh: L.A)

Công ty VEPIC thành lập với số vốn 100 tỷ đồng là rất khiêm tốn so với các doanh nghiệp có vốn mấy trăm tỷ, hàng ngàn tỷ. Nhưng đến nay sau 5 năm hoạt động, Công ty đã hoàn thành việc biên soạn, xuất bản, phát hành các bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7, lớp 10 được xã hội đánh giá cao về nội dung và hình thức. Các bộ sách giáo khoa còn lại đang được thẩm định, biên soạn theo đúng tiến độ.

Sở dĩ Công ty VEPIC đạt được kết quả như trên là nhờ đã quy tụ được hơn 300 tác giả, đầy đủ các môn học, các cấp học giáo dục phổ thông và dự kiến sẽ tăng thêm từ 50 đến 100 tác giả theo lộ trình thay sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12.

Các Tổng chủ biên, Chủ biên và tác giả bộ sách giáo khoa Cánh Diều đều là những nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm giảng dạy và viết sách. Trong đó có nhiều tác giả là Tổng chủ biên, Chủ biên và thành viên biên soạn chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đội ngũ tác giả tâm huyết là hàng trăm biên tập viên, họa sĩ, cán bộ, nhân viên hành chính, quản trị, tài chính, truyền thông,… cùng làm việc như một “công trường thầm lặng” với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, sẵn sàng vượt qua khó khăn, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ.

Nói đến “mức độ công phu đầu tư của nhóm tác giả” thì trong khuôn khổ bài báo này không thể diễn tả hết được. Chỉ có thể nói rằng, Công ty tuân thủ các quy trình làm sách, gồm quy trình nội bộ do Công ty quy định (từ khi chuẩn bị bản thảo đến khi hoàn thiện), quy trình do Hội đồng thẩm định Quốc gia quy định (các vòng thẩm định) và vòng cuối là lựa chọn, sử dụng sách của các địa phương. Đây là những cửa ải sàng lọc, chọn lựa nghiêm ngặt mà bất cứ cuốn sách giáo khoa nào cũng phải vượt qua.

Theo chia sẻ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự kiến Nhà nước sẽ chi khoảng 3.500 tỷ đồng để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn. Thầy đánh giá như thế nào về chính sách này?

Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất Chính phủ phương án trích từ ngân sách 3.500 tỷ đồng mua sách giáo khoa đưa vào các thư viện cho học sinh mượn (theo tính toán sẽ đáp ứng nhu cầu của 70% học sinh).

Theo tôi, đây là chính sách nhân văn, là sự hỗ trợ cần thiết và có ý nghĩa đối với các em học sinh, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, ngành Giáo dục còn nhiều lĩnh vực cần được quan tâm như trợ cấp cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở một số nơi, đặc biệt khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, hải đảo... vẫn còn thiếu và yếu.

Trong khi đó trên thực tế, giá sách giáo khoa không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của đại bộ phận các gia đình, nhất là so sánh với các chi phí khác. Để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, theo khoản 10, Điều 20, Nghị định 81/2021 ngày 27/8/2021 của Chính phủ, Nhà nước đã cấp 150.000 đồng/tháng x 9 tháng/năm cho học sinh thuộc hộ nghèo để mua sách vở và đồ dùng học tập. Tính ra, mỗi năm học, học sinh nghèo được cấp 1.350.000 đồng, tương đương giá từ 04 đến 07 bộ sách giáo khoa, tùy cấp học.

Với việc Chính phủ chi ngân sách nhà nước cho thư viện trường học mua sách giáo khoa (kể cả sách đã qua sử dụng) để học sinh có nhu cầu mượn. Hằng năm, các doanh nghiệp, nhà xuất bản chỉ cần in sách giáo khoa với một số lượng nhỏ để đáp ứng yêu cầu của những gia đình có nhu cầu mua sách riêng cho con. Đây là kế sách căn cơ, lâu dài. Tuy nhiên, để việc sử dụng hợp lý, tránh lãng phí nguồn kinh phí thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên khảo sát kĩ lưỡng tỉ lệ học sinh khó khăn, có nhu cầu mượn sách từ các nhà trường, địa phương rồi mới tiến hành mua sách.

Bên cạnh đó, sự chung tay góp sức của toàn xã hội để hỗ trợ cho giáo dục mang ý nghĩa lớn. Bộ Giáo dục và Đào tạo kêu gọi các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách và các tổ chức, cá nhân tài trợ và ủng hộ để hỗ trợ hoạt động dạy – học, hoạt động giáo dục nói chung trong đó có mua và tặng sách giáo khoa cho các thư viện trường học. Đồng thời, các nhà trường có thể phát động phong trào quyên góp sách giáo khoa cũ để cho các em học sinh khóa sau sử dụng nếu có nhu cầu. Phong trào này nếu được phát động và thực hiện rộng rãi trên cả nước sẽ tiết kiệm được nguồn tiền lớn thay vì mua sách mới.

Với vai trò là một doanh nghiệp, VEPIC sẽ đồng hành cùng ngành giáo dục, đặc biệt đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như thế nào?

Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái: Là doanh nghiệp được thành lập bởi những cán bộ, nhân viên có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xuất bản – thiết bị giáo dục cùng các nhà giáo là những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, tham gia biên soạn sách giáo khoa với suy nghĩ: “đầu tư cho giáo dục” (trồng người) là vì lợi ích trăm năm không phải là một sự đầu tư tài chính đơn thuần vì lợi ích ngắn hạn của nhà đầu tư. Vì vậy, trong suốt thời gian từ khi thành lập, Công ty VEPIC luôn duy trì hoạt động thường niên tặng sách giáo khoa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Riêng năm học 2022 – 2023 vừa qua, Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam cũng đã tặng 600.000 bản sách giáo khoa mới, trị giá hơn 12 tỉ đồng cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Ngày 04/10 gần đây, Công ty VEPIC cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã đến trao quà và hỗ trợ cho 4 trường học bị ngập lụt do mưa lũ trên địa bàn 3 huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành và Hưng Nguyên tổng cộng 12.400 bản sách giáo khoa mới và 200 triệu đồng tiền mặt để mua đồ dùng học tập. Tổng giá trị trao tặng là gần 500 triệu đồng. Đó là khoản chi không nhỏ so với số vốn 100 tỷ đồng của Công ty, thể hiện tình cảm và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trân trọng cảm ơn Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái.

Linh Anh