Năm 2014 trong 2 bài báo, một bài do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết viết cho VnExpress, một bài thầy trả lời phỏng vấn Báo An ninh thủ đô, Giáo sư đã chia sẻ quan điểm của mình về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo độc quyền biên soạn sách giáo khoa là điều vô lý"
Đây là nhận định của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Trong bài báo “Bốn câu hỏi về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa” đăng trên VnExpress, thầy Nguyễn Minh Thuyết viết:
"Theo tôi Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên trực tiếp đứng ra biên soạn sách giáo khoa.
Bộ là cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, có nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, soạn các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chứ không làm thay các nhà chuyên môn, nhà xuất bản và các trường.
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Giáo sư Đinh Quang Báo - Thường trực Ban Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (dự thảo lần 1 công bố tháng 8/2015), ảnh: Nghiêm Huê / giaoduc.edu.vn. |
Cơ quan chuyên môn của Bộ đã bận tổ chức thi cử, làm dự án, nay kiêm cả việc biên soạn sách giáo khoa nữa thì còn thời giờ đâu thực hiện chức năng quản lý nhà nước?
Hãy tưởng tượng sự phi lý của việc Bộ Công Thương đứng ra sản xuất máy cày, Bộ Y tế trực tiếp khám, chữa bệnh ngoài da, sẽ thấy phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp sản xuất sách giáo khoa vô lý như thế nào." [1]
Trên bài báo “Sẽ có nhiều đề án "34 nghìn tỷ đồng" nữa!”, trả lời phỏng vấn của Báo An ninh Thủ đô, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng:
"Thực sự ra, bây giờ hoàn toàn có thể đặt lại những vấn đề như thế này:
Có nhất thiết phải đổi mới toàn bộ chương trình, sách giáo khoa hay không hay là cứ để chương trình, sách giáo khoa như thế nhưng đổi mới phương pháp dạy học?
Ta có thể tiếp tục sử dụng chương trình, sách giáo khoa hiện hành, những gì hạn chế thì khắc phục;
Trách nhiệm "tích hợp" 2, 3 môn vào 1 sách đã sớm được gài vào chân Quốc hội? |
Đồng thời sửa Luật Giáo dục, Luật Xuất bản để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội viết những bộ sách giáo khoa mới, thay dần các bộ sách hiện hành.
Khi đó tiền là tiền xã hội bỏ ra. Người viết sau sẽ rút được kinh nghiệm từ sách đã viết cách đây mười mấy năm, nghĩa là phát huy được nguồn lực xã hội cả về tài chính, trí tuệ.
Hơn nữa, việc có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ tạo ra sự cạnh tranh, góp phần nâng cao chất lượng.
Chứ Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, ôm việc vào rồi tất cả các vụ chức năng đổ xô đi làm dự án, bỏ bê công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra thì hỏng hết." [2]
Chúng tôi thực sự rất tán đồng với nhận định dưới đây của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo làm sách giáo khoa, đồng thời nắm quyền chỉ đạo hội đồng thẩm định, thực hiện chương trình, quyền ra đề và tổ chức thi tốt nghiệp thì theo lẽ thường chắc chắn các trường sẽ “chấm” bộ sách giáo khoa đó.
Như vậy, cạnh tranh sẽ không công bằng và đáng ngại hơn cả sự không công bằng là những bộ sách giáo khoa hoặc quyển sách giáo khoa đưa vào trường chưa chắc đã là tốt nhất.” [1]
Phải chăng Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã thay đổi quan điểm khi nhận nhiệm vụ làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, để giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện những việc trước đây chính thầy từng không đồng tình?
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo “đổ xô” đi làm dự án
Nay trên cương vị Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông Tổng thể mới, không biết Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã tìm được câu trả lời cho những vấn đề do chính mình đặt ra trước đó hay chưa:
"Đề án đổi mới xác định tinh thần “kế thừa” chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Nhưng phương án nêu ra trên thực tế là “xóa đi, làm lại từ đầu”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giới thiệu chân dung người học sinh mới trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trên cương vị Tổng chủ biên. Ảnh: VA / dangcongsan.vn. |
Theo tôi, cách làm này không phù hợp với việc giải quyết các vấn đề xã hội.
E rằng nó khó có thể đem lại kết quả mong muốn, nhất là khi được thực hiện trong một thời gian rất gấp mà không qua dạy thử nghiệm." [1]
Vậy chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên có "kế thừa" bản dự thảo lần 1 công bố tháng 8/2015 - con đẻ của bản Đề án mà Giáo sư cho là "xóa đi, làm tại từ đầu" hay không?
Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14/4/2017 dẫn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trên cương vị Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, thầy cho biết:
"Tháng 8/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Chương trình tổng thể để lấy ý kiến nhân dân. Bản dự thảo đã được các tầng lớp nhân dân, trong đó có các chuyên gia giáo dục, đóng góp nhiều ý kiến.
Dự thảo lần này là sự kế thừa dự thảo trước, đồng thời được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia." [3]
Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao? |
Như vậy, phát biểu này có thể hiểu rằng Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đang giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo làm cái việc "xóa đi, làm lại từ đầu"?
Hay ở cương vị Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn kế thừa chương trình sách giáo khoa hiện hành?
Nếu có thì "kế thừa" bao nhiêu %? Câu hỏi này rất quan trọng, vì nó liên quan đến 2 vấn đề. Thứ nhất là tiền ngân sách phải bỏ ra ít nhất 180 triệu đô la Mỹ, thứ hai là nguy cơ "bình mới rượu cũ".
Việc kế thừa, mức độ kế thừa chương trình, sách giáo khoa hiện hành dựa trên nguyên tắc khoa học nào?
Nếu "xóa đi, làm lại từ đầu" thì với vai trò Chủ biên môn tiếng Việt - Ngữ văn từ lớp 2 đến lớp 9 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (Chương trình 2000), liệu Giáo sư có vượt qua được chính mình để cho ra một sản phẩm hoàn toàn mới, hoàn toàn khác?
Giáo sư từng đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo "giữ lại những bộ sách phù hợp, chỉ thay những quyển sách, những nội dung không phù hợp";
Thầy đã từng phân tích: "Ưu điểm của phương án này là phù hợp với thời gian biên soạn, thử nghiệm, tập huấn quá ngắn và đỡ tốn kém cho ngân sách nhà nước"?
Sở dĩ chúng tôi đặt những câu hỏi thẳng thắn này, là bởi Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng - Giám đốc Chương trình phát triển các trường sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:
“Những vấn đề trong chương trình mới không hề quá xa lạ mà chỉ là tên gọi mới. Chúng ta đã có những bước chuẩn bị kĩ càng và đặc biệt là trong những năm gần đây.” [4]
Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng - Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) - Bộ Giáo dục và Đào tạo, vay vốn Ngân hàng Thế giới, tổng kinh phí dự kiến 100 triệu USD. Ảnh: giaoducthoidai.vn. |
Như vậy nguy cơ chương trình, sách giáo khoa đang biên soạn chỉ là bình mới, rượu cũ không phải không có cơ sở.
Nếu chỉ là "tên gọi mới" còn nội dung "không hề quá xa lạ", mà ngân sách phải chi ra 180 triệu USD đi vay, chưa kể số tiền đầu tư cơ sở vật chất mà có thời người ta dự kiến hơn 30 ngàn tỉ [5] liệu có ổn thỏa?
Trong khi đó cho đến nay, chưa có vị lãnh đạo nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đứng ra cam kết tuổi thọ chương trình sách giáo khoa mới là bao nhiêu năm?
Lãnh đạo Bộ và Tổng chủ biên có chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình, sách giáo khoa nếu chúng lại thất bại hay không?
Tất nhiên, Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành cũng có quy định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình, sách giáo khoa.
Nhưng "chịu trách nhiệm như thế nào" thì Luật không đề cập, và cũng không thấy ai nói đến.
Mong Quốc hội giám sát, làm rõ kinh phí cho chương trình, sách giáo khoa |
Điều này có công bằng và tương xứng với quyền lực Luật Giáo dục trao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc biên soạn, thẩm định, quyết định ban hành chương trình và sách giáo khoa?
Ngoài ra, số tiền cha mẹ học sinh phải chi trả cho sách giáo khoa mới cũng không hề nhỏ, đổi lại là tâm lý bất an về chuyện "cải cách, đổi mới" liên tục sách giáo khoa.
Phải chăng đây chính là tình trạng mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã cảnh báo năm 2014:
“Bộ (Giáo dục và Đào tạo) là cơ quan quản lý nhà nước, ôm việc vào rồi tất cả các vụ chức năng đổ xô đi làm dự án, bỏ bê công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra thì hỏng hết.”? [1]
Nhìn lại quá trình thay chương trình, sách giáo khoa 2000 (chương trình hiện hành), năm 2003 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng đã từng chất vấn gay gắt Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển chuyện này:
“Việc chuyên gia trong các dự án giáo dục được trả 12.000-15.000 USD/tháng/người (tương đương 200 triệu đồng) trong khi lương tháng của một công chức bình thường chỉ khoảng 1 triệu đồng, Bộ trưởng có biết?
Bây giờ ngành giáo dục đi làm dự án là chủ yếu, quản lý dự án chứ không quản lý giáo dục, đúng không?”. [6]
Vậy lần thay chương trình, sách giáo khoa hiện hành đã tiêu hết bao nhiêu tiền ngân sách mà để dẫn đến những bức xúc trong dư luận về cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo làm dự án kiếm được 12 ngàn đến 15 ngàn đô la Mỹ mỗi tháng?
Từ năm 2003 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng chất vấn chuyện này, và không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển;
Các dự án vay ODA phục vụ đổi mới giáo dục, thay sách giáo khoa vẫn tiếp tục từ đó đến nay chưa thấy tổng kết, đánh giá công khai về tính hiệu quả, cũng như lãng phí (nếu có).
Tài liệu tham khảo:
[2]http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/se-co-nhieu-de-an-34-nghin-ty-dong-nua/547764.antd
[6]https://tuoitre.vn/bo-truong-nguyen-minh-hien-giai-trinh-hay-bien-minh-8844.htm