Những câu hỏi đặt ra về việc "tích hợp" Lịch sử với Địa lý; Vật lý, Hóa học với Sinh học trong chương trình sách giáo khoa phổ thông mới bậc trung học cơ sở vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng từ các nhà biên soạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tháng 4/2018 dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông qua chương trình các môn học mới, và các nhà viết sách giáo khoa có thể bắt tay thực hiện công việc của mình;
Quý 4 năm nay sẽ có những khóa bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán toàn quốc.
Thầy Hoàng Văn Huyên – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng Dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên trung học cơ sở huyện Võ Nhai, Thái Nguyên ngày 14, 15/10/2017. Ảnh: cddspthainguyen.edu.vn |
Cách triển khai này có phần quá vội vàng, Quốc hội cho phép lùi 2 năm, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ lùi 1 năm trong việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.
Vậy chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được thực nghiệm như thế nào?
"Chỉ thực nghiệm cái mới", vậy chương trình mới có cái gì mới?
Ngày 29/1 Báo Lao Động Online dẫn lời Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng - Giám đốc Chương trình phát triển các trường sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:
Trước đây, viết sách giáo khoa xong mới soạn giáo án cho giáo viên dạy thực nghiệm và giáo viên dạy lại toàn bộ chương trình mới thì bây giờ song song với biên soạn sách giáo khoa sẽ dạy thử luôn.
Đặc biệt, sẽ chỉ dạy thực nghiệm với nội dung mới, khó xuất hiện trong chương trình mới.
Trước việc dư luận có lối ví von rằng chương trình có biến các giáo viên thành “siêu nhân” khi phải dạy chương trình quá mới trong khi thời gian chuẩn bị ngắn, bà Hồng cho rằng:
Những nội dung trong chương trình mới không phải là quá mới bởi khi xây dựng chương trình sách giáo khoa năm 2000 các nội dung này đã được đề cập.
Tại thời điểm đó, điều kiện chuẩn bị chưa được kĩ càng nên Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định sẽ dần dần đưa vào chương trình từng năm học.
Học viên tham gia lớp tập huấn dạy tích hợp các môn khoa học tự nhiên ở trung học cơ sở huyện Võ Nhai, Thái Nguyên ngày 14, 15/10/2017 tham gia thảo luận, ảnh: cddspthainguyen.edu.vn. |
Từ đó đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa vào trong chương trình học những nội dung như tăng cường giáo dục lí luận gắn với đời sống thực tiễn, đó chính là hoạt động giáo dục sáng tạo bây giờ. Bộ cũng đưa vào nội dung dạy học liên môn.
“Những vấn đề trong chương trình mới không hề quá xa lạ mà chỉ là tên gọi mới. Chúng ta đã có những bước chuẩn bị kĩ càng và đặc biệt là trong những năm gần đây”, bà Hồng khẳng định. [1]
Ngày 13/4/2017 Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới trả lời phỏng vấn Báo Điện tử VietnamNet, ông cho biết:
"Chương trình đã được thực nghiệm trong quá trình xây dựng dưới nhiều hình thức, kể cả biên soạn và dạy thực nghiệm một số nội dung mới." [2]
Ngày 25/10/2017 trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói kỹ hơn về các phương pháp thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới:
"Nội dung thực nghiệm tập trung vào những nội dung mới, phương pháp dạy học mới so với chương trình hiện hành, đánh giá mức độ phù hợp của chương trình với trình độ nhận thức và điều kiện học tập của học sinh.
Chương trình mới được thực nghiệm bằng các phương pháp sau:
Tổng chủ biên, chủ biên môn tích hợp Lịch sử và Địa lý có giảng nổi chủ đề này? |
Thứ nhất, khảo sát thực tế trường phổ thông (đội ngũ giáo viên; nguyện vọng, khả năng và điều kiện của học sinh; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học…).
Thứ hai, sử dụng phiếu điều tra cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Thứ ba, phỏng vấn sâu cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh lớn.
Thứ tư, lấy ý kiến một số chuyên gia giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương thông qua hình thức hội thảo hoặc thư hỏi ý kiến.
Thứ năm, lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia giáo dục và các tầng lớp nhân dân.
Thứ sáu, dạy thực nghiệm một số nội dung mới, phương pháp mới.
Do không thực nghiệm toàn bộ chương trình nên đối với một số môn học có nội dung mới hoặc áp dụng phương pháp dạy học mới thì các nhóm xây dựng chương trình môn học biên soạn thành bài để dạy thử nghiệm, xem giáo viên thực hiện thế nào, học sinh học đạt hiệu quả ra sao,..."[3]
Lo bình mới, rượu cũ
Phát biểu của Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng trên Báo Lao Động Online mà chúng tôi dẫn trên đây khiến người viết hoang mang.
Không rõ rốt cuộc thì chương trình, sách giáo khoa mới có cái gì mới so với chương trình sách giáo khoa hiện hành, ngoài những "tích hợp", "trải nghiệm" với "phân luồng"?
Đặc biệt phát biểu dưới đây của bà Hồng khiến chúng tôi thực sự ngạc nhiên:
Tích hợp 1 sách 2, 3 thầy nếu thất bại, ai sẽ chịu trách nhiệm? Không ai cả? |
“Những vấn đề trong chương trình mới không hề quá xa lạ mà chỉ là tên gọi mới. Chúng ta đã có những bước chuẩn bị kĩ càng và đặc biệt là trong những năm gần đây”.
Vậy câu hỏi đặt ra là các vấn đề trong chương trình mới "không hề quá xa lạ mà chỉ là tên gọi mới", có phải là bình mới rượu cũ?
Với những cái mới "chỉ là tên gọi mới" thì có cần thiết phải chi 180 triệu đô la Mỹ để thay chương trình và sách giáo khoa?
Ví dụ như cái mới nổi bật hơn cả là "tích hợp" Lịch sử với Địa lý; Vật lý, Hóa học và Sinh học ở bậc trung học cơ sở cho đến nay quý thầy biên soạn chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng khoa học, lý luận và thực tiễn nào thuyết phục.
Tuy nó "không mới" vì đã được đưa vào giảng dạy ở bậc tiểu học của chương trình hiện hành, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố bất kỳ tổng kết khoa học nào về 2 môn "tích hợp" này
Việc "tích hợp" này chỉ "không mới" với giáo viên tiểu học, nhưng hoàn toàn mới với giáo viên trung học cơ sở.
Có điều giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay ở cấp tiểu học, giáo viên chủ nhiệm có thể dạy tất cả các môn, nhưng thực tế Toán và Tiếng Việt được xem là môn chính, các môn còn lại là "môn phụ".
Với chương trình hiện hành, dạy trẻ tiểu học biết đọc biết viết cho thông thạo, biết tính toán cộng trừ nhân chia đơn giản đã vã mồ hôi, nói gì đến việc dạy các "môn phụ" nói trên?
Việc "tích hợp" Lịch sử với Địa lý và đưa xuống dạy ở lớp 4, lớp 5 trong chương trình 2000 (trước đó lên lớp 6 mới học 2 môn này) đã là một sự quá tải.
Chưa kể nội dung của môn "tích hợp" trên được viết cho sinh viên đại học thì đúng hơn, nên ngoài đọc chép và phù phép thi kiểm tra, thì không có cách nào nhét tri thức thông sử của 26 thế kỷ vào đầu đứa trẻ lớp 4.
Còn ở bậc trung học cơ sở, chương trình hiện hành lớp 8 mới bắt đầu học Hóa học, do phải đảm bảo an toàn cho thầy và trò khi tiến hành các thí nghiệm liên quan đến hóa chất.
Nhưng chương trình mới, 5 môn học độc lập được ghép thành 2 môn "tích hợp", và nghiễm nhiên Hóa học sẽ được dạy từ lớp 6.
Từ ngày 6– 9/11/2015. Tại khách sạn Vạn Phát 1, khu vực 3 Cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn cán bộ quản lí, giáo viên THPT về tổ chức dạy học các chủ đề tích hợp, liên môn. Lĩnh vực Khoa học xã hội. Ảnh: tanthanhst.edu.vn. |
Nếu vụ "tích hợp" này không mới, thì không biết còn cái gì "mới hơn" trong chương trình phổ thông lần này?
Ấy vậy nhưng mọi câu hỏi đặt ra một cách trực tiếp, cụ thể và rất rõ ràng cho Tổng chủ biên chương trình tổng thể và chủ biên chương trình các môn học tích hợp trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Quý thầy chưa chứng minh được sự cần thiết phải tích hợp 5 môn độc lập thành 2 môn mới, đồng thời chưa đưa ra được những cuốn sách "tích hợp" kiểu này trên thế giới.
Bởi vậy chúng tôi thiết nghĩ, để tạo được sự đồng thuận xã hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa và có thể thuyết phục những quan điểm phản biện khó tính nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên học tập Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mô hình "hội nghị đầu bờ".
Đây là một hình thức truyền thông và tập huấn vô cùng trực quan, hiệu quả của ngành nông nghiệp khi các nhà nông học cùng nông dân gặp nhau ngay bờ ruộng để tổ chức hội thảo bàn về một loại cây trồng mới, thuốc bảo vệ thực vật hay những phương pháp nông nghiệp mới...
Mọi thắc mắc sẽ được giải đáp thỏa đáng ngay đầu bờ ruộng.
Tại sao ngành giáo dục không làm được việc đơn giản này?
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo, quý giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ biên soạn chương trình mới tự tin và quả quyết về phương án "tích hợp" Lịch sử với Địa lý; Vật lý, Hóa học với Sinh học, xin hãy tổ chức những "hội nghị đầu bờ" để giáo viên và truyền thông trực tiếp tham gia.
Chỉ khi nào quý thầy viết chương trình, viết sách giáo khoa mới trực tiếp cầm phấn tự tin giảng các chủ đề tích hợp của 2 môn này để thị phạm cho giáo viên và xã hội thấy tính ưu việt của "tích hợp 2, 3 môn vào 1 sách", khi đó chúng tôi tin rằng không ai có thể phản biện lại quý thầy.
Nhược bằng quý thầy im lặng và tiếp tục việc mình mình làm, 2, 3 thầy thuộc 2, 3 môn khác nhau chụm đầu lại mới viết được 1 cuốn sách tích hợp, thì đòi hỏi 1 giáo viên đơn môn dạy được cả 2, 3 môn là điều không tưởng.
Tài liệu tham khảo: