Nguyễn Bảo Sinh: "Vua chó" và nhà thơ

29/04/2012 13:43
Nguyễn Hoàng Long, Báo in k29a1
Giữa thời đại đất đắt hơn vàng như ngày nay, vậy mà ở ngay giữa lòng Hà Nội lại có một khách sạn và nghĩa trang dành cho chó mèo, chuyện thật mà như đùa.
Với những người ham mê nuôi chó mèo ở Hà Nội, địa chỉ ngõ 167 Trương Định đã trở nên hết sức quen thuộc. Bởi đó là khách sạn và còn cả nghĩa trang dành cho chó mèo độc nhất vô nhị. Nhưng ít người biết rằng, ông Bảo Sinh, chủ nhân của công trình đó còn là một nhà thơ dân gian trứ danh.
Thật khó để gọi ông Bảo Sinh với một danh xưng chính xác. Trên lý lịch, ông ghi nghề nghiệp là vẽ tranh truyền thần và cũng có hẳn cửa hàng tranh truyền thần trên phố. Thời trai trẻ, ông cũng từng là giáo viên, có lúc làm võ sư nhưng hiện nay mọi người biết đến Bảo Sinh là ông “vua chó” của Hà Nội và một số khác lại biết đến như một nhà thơ dân gian trứ danh. 

Từ khách sạn chó mèo …

Giữa thời đại đất đắt hơn vàng như ngày nay, vậy mà ở ngay giữa lòng Hà Nội lại có một khách sạn và nghĩa trang dành cho chó mèo, chuyện thật mà nghe cứ như đùa. 

Ở ngay đầu ngõ 167 Trương Định có một tấm biển ghi dòng chữ: “Ngõ Bảo Sinh – chủ nhân khách sạn chó mèo”. Chắc chắn ai từng trông thấy tấm biển này sẽ không khỏi thấy tò mò để rồi có ngày  bước chân vào khám phá thế giới lạ lùng đó. 
Vương quốc độc đáo dành cho chó mèo (Ảnh: Hoàng Long)
Vương quốc độc đáo dành cho chó mèo (Ảnh: Hoàng Long)

Một toà nhà khang trang được dựng lên nằm trong khuôn viên rộng hàng nghìn m2 nhưng lại là nơi sinh sống của hàng trăm chú chó mèo lớn nhỏ. "Khách sạn" chó mèo của ông đủ tiêu chuẩn 5 sao, được xây dựng trên diện tích 100 m2 đất, khu nhà cao 5 tầng có thang máy, điều hòa, hồ bơi, đường dắt chó đi dạo và nhiều tiện nghi khác như con người sinh sống. Đã có nhiều người gọi ông là “khùng”, “điên” khi xây dựng khách sạn. Ông Sinh tâm sự: “Tôi là người thích khám phá cái mới, đã là mới thì tôi quyết tâm làm”. Và thế là khách sạn dành cho chó mèo độc nhất ở Hà Nội đã ra đời. 
Với 40 năm kinh nghiệm trong nghề, tuy tuổi đã cao nhưng ông Sinh vẫn ngày ngày tự tay chăm sóc cho những chú chó mèo được chủ nhân từ khắp nơi tin tưởng ủy thác chú cún yêu của mình. “Tập đoàn” chuyên cung cấp các dịch vụ cho chó mèo của ông Bảo Sinh có hàng chục nhân viên, nhưng ông vẫn muốn tự tay chăm lo cho từng chú cún một. Không phải vì ông không tin tưởng vào tay nghề của lớp trẻ, đơn giản chỉ vì đó là tình yêu, niềm đam mê quá lớn của ông với chó mèo. 
Ở khách sạn chó mèo, ngoài phòng nghỉ còn có rất nhiều dịch vụ khác như massage, "karaoke"... cho chúng. Với một chất lượng phục vụ cao như vậy nên lượng chó mèo “thường trú” ở đây tương đối đông. Người nước ngoài đến đây gửi chó khá đông, họ hay phải đi công tác hoặc về nước nên có người gửi hàng tháng. Vào dịp lễ tết, nhu cầu của khách hàng luôn vượt quá khả năng phục vụ của khách sạn.

Đến nghĩa trang chó mèo
Không dừng lại ở “resort” dành cho chó mèo, ông còn xây dựng một nghĩa trang dành cho chúng. Ông quan niệm loài vật cũng có tâm linh như con người và việc xây nghĩa trang cũng là một cách để những người nuôi thể hiện tình cảm của mình với vật nuôi.
Nghĩa trang dành cho chó mèo (Ảnh: Hoàng Long)
Nghĩa trang dành cho chó mèo (Ảnh: Hoàng Long)

Trong nghĩa trang chó mèo của ông Bảo Sinh, có một ngôi mộ “tổ” to nhất, được xây dựng ở nơi trung tâm nhất. Ông Bảo Sinh cho biết đó là mộ Ami, chú chó khởi nghiệp để ông xây dựng cả cơ đồ ngày hôm nay. Ami theo tiếng Pháp có nghĩa là “bạn”, điều đó cho thấy  ông luôn coi Ami như người bạn thân thiết, một thành viên trong gia đình ông.

Trong khuôn viên của nghĩa trang, còn có một “đài hóa thân” cho chó mèo. Hàng năm, ông cùng chủ nhân những ngôi mộ chó mèo kia vẫn tổ chức lễ cầu siêu khá hoành tráng tại nghĩa trang với sự tham gia của các cao tăng. Có lẽ người đối xử với chó mèo như vậy ở trên đời này chỉ có một mình Bảo Sinh. Ông tự nhận đó là duyên của mình “Có lẽ kiếp trước tôi đã có tội gì nhiều lắm với chó mèo nên kiếp này tôi phải trả nợ”.
Không biết từ bao giờ, giới chơi chó mèo ở Hà Nội đã đặt cho ông biệt hiệu là “ông vua chó” Hà Nội hay bạn bè thân thiết thì chỉ gọi ông với một cái tên cộc lốc nghe rất lạ, “Sinh chó”. Chắc hẳn ở Hà Nội này, người nuôi chó giỏi như ông Bảo Sinh không thiếu nhưng để có một tấm lòng với chó mèo như Bảo Sinh thì sẽ cực kì hiếm. Có phải do đó mà ông được coi như “ông vua chó” của đất Hà Nội?
Bảo Sinh – Thi sĩ của “Huyền thi”
Nhắc tới nhà thơ Bảo Sinh, có thể nhiều người không biết đến. Nhưng những câu thơ của ông như “Ra đường sợ nhất công nông – về nhà sợ nhất vợ không nói gì” hay “Vợ là cơm nguội nhà ta – lại là phở tái thằng cha láng giềng” đã được người đọc biết tới. Ông tự họa mình như sau: 
Làm thơ nuôi chó chọi gà

Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ

Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ

Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà

Nhà thơ Bảo Sinh dưới tác phẩm nổi tiếng của ông (Ảnh: Hoàng Long)
Nhà thơ Bảo Sinh dưới tác phẩm nổi tiếng của ông (Ảnh: Hoàng Long)

Đời một nhà thơ có vài câu thơ đi vào trái tim độc giả đã là khó, Nhưng nhà thơ Bảo Sinh có hàng trăm, hàng ngàn câu như vậy. Ông là đại biểu cho một thế hệ những nhà thơ dân gian ở Việt Nam. Thơ ông làm ra là để đọc cho bạn bè và để cho người đọc tự truyền nhau chứ ông không hề có ý thức tập trung lại thành một tập sách. Đọc thơ Bảo Sinh, người ta dễ cười nhưng đó là cái cười đau, cười đớn.
Bài thơ được khắc lên đá (Ảnh: Hoàng Long)
Bài thơ được khắc lên đá (Ảnh: Hoàng Long)

Nhà thơ Bảo Sinh được “di truyền” máu làm thơ từ bố của ông. Lúc còn sống, cụ là người mê thơ và đối xử với thơ một cách trân trọng hiếm có. Đi tản cư, đồ đạc quí giá cụ không màng, chỉ mang theo mỗi một gánh thơ. Lúc về già, hàng ngày cụ vẫn đọc thơ cho bạn già ở bờ hồ Hoàn Kiếm và cụ có trả tiền nghe cho mọi người đàng hoàng, gọi là “nhuận tai”. Cụ cũng là một nhà thơ dân gian có tiếng và nhà thơ Bảo Sinh đã kế tục sự nghiệp của cụ. Cả đời làm nhà thơ dân gian chứ nhất định không làm nhà thơ ‘nhà nước”.
Ngoài những bài thơ làm chơi, làm cho vui, Bảo Sinh có những tác phẩm hết sức chất lượng mà ông gọi là “huyền thi”. Đây là tinh túy nhất của thơ Bảo Sinh. Ông cho rằng để lý giải toàn bộ sự nghiệp thơ ca của mình, chỉ cần giải mã được hai chữ “huyền thi” là đủ. Bảo Sinh có quan điểm làm thơ của riêng mình và nó được tóm tắt trong bài thơ sau: 
Câu thơ khi tỏ khi mờ

Lý trên bác học tình thừa dân gian

Có lẽ toàn bộ ý nghĩa của “huyền thi” đã được rút gọn vào trong hai câu thơ này. Mọi người cho rằng bác học đã là cái cao siêu lắm, minh triết lắm nhưng Bảo Sinh lại không hướng thơ mình vào cái sự “bác học” đó. Ông cho rằng “đạo” mới là cái cao nhất, đạo là lẽ của tự nhiên. “Bác học” thì vẫn quan tâm đến cái đúng sai, khôn dại nhưng đạo thì vượt qua hẳn điều đó, không còn đúng sai mà cũng hết cả khôn dại. 
Trong thơ “huyền thi” sẽ có từ loại thơ dễ hiểu nhất (tỏ) đến loại thơ khó hiểu nhất (mờ), có cả những cái thanh cao nhất đến những cái tục tữu nhất nhưng đó là cái tục của người có tâm rất thanh. Tư tưởng của “huyền thi” chắc chỉ nằm trong một chữ “nửa”; đó là cái nửa đời nửa đạo, nửa thanh nửa tục, nửa vui nửa buồn,…
Con đò, dòng sông là hình ảnh hết sức quen thuộc trong văn học Việt Nam nhưng qua cái nhìn “huyền thi” của Bảo Sinh lại thành một ý thơ thật độc đáo:
Cùng chung một chuyến đò ngang

Kẻ thì sang bến, người đang trở về

Lái đò lái mãi thành mê

Sang về chẳng biết mình về hay sang


Mười năm nữa hay trăm năm nữa, nếu người ta có nhớ đến sự nghiệp thi ca của Bảo Sinh thì chắc chắn người ta sẽ phải nhớ đến nhưng bài thơ “huyền thi” mang tính chất “thiền” rất rõ như vậy. 
Ông làm thơ trong tiếng chó sủa mèo kêu, bên kia là nghĩa trang chó mèo, giữa vườn là một chiếc Hồ có tượng phật, cửa vào là mô hình của Ô Quan Chưởng. Một lần đến với nhà của ông Bảo Sinh, chắc chắn mọi người không thể nào quên.
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Nguyễn Hoàng Long, Báo in k29a1