Nguyên Bộ trưởng GD: "Làm Bộ trưởng khổ lắm"

19/10/2012 07:34
Kim Ngân (Thực hiện)
(GDVN) - “Cái khó nhất của Bộ trưởng Giáo dục là nói phải có người nghe, phải có người hưởng ứng, phải để người ta tin. Nghĩa là người làm Bộ trưởng phải có uy tín, có hiểu biết nhiều và biết ít nhất một ngoại ngữ thông dụng”, GS Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD cho biết.
LTS: Giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ tháng 2/1987 đến tháng 3/1990, GS Phạm Minh Hạc được coi là người thuyền trưởng chèo lái con thuyền giáo dục Việt Nam vượt qua khó khăn trong những năm đầu đổi mới. Ông trở thành Bộ trưởng Giáo dục giữa lúc đất nước gặp muôn vàn khó khăn sau 10 năm khủng hoảng kinh tế xã hội. Để hiểu rõ hơn về những khó khăn của một Bộ trưởng Giáo dục, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện thân mật với ông.

“Vỡ” từng mảng trường

- Là một người tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, nhìn lại chặng đường kiêm nhiệm chức bộ trưởng GD, ông có thể chia sẻ vài khó khăn, thuận lợi trong việc củng cố, phát triển nền giáo dục nước nhà?
Năm 1981, ông làm Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, từ năm 1985 đến 1987 là Thứ trưởng Bộ Giáo dục kiêm Viện trưởng. Sau đại hội đổi mới tháng 12/1986, tháng 2/1987 ông được cử làm Bộ trưởng, đến năm 1990 khi sáp nhập Bộ Giáo dục với Bộ Đại học, ông làm Thứ trưởng thứ nhất đến 1996, rồi về làm Phó ban thứ nhất Ban Khoa giáo trung ương.
GS.VS Phạm Minh Hạc: Gần 5 năm phụ trách tạp chí Nghiên cứu giáo dục (hiện nay là Tạp chí giáo dục), tôi thấy thiếu một cái đó là tư tưởng chỉ đạo, tư tưởng chiến lược giáo dục.

Tình hình lúc đó cực kỳ khó khăn. Đó là năm đổi tiền, lạm phát trên 800%. Đời sống giáo viên vô cùng eo hẹp, trường học bị “vỡ” từng mảng một, hàng nghìn giáo viên bỏ trường, một loạt trường không có người dạy, học sinh bỏ học. Vì sau đại thắng mùa xuân năm 1975, nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế xã hội 10 năm, kéo theo giáo dục bị ảnh hưởng. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là giữ cho các trường đừng tan vỡ.

Nhiều gia đình cho con đi học là khó khăn rất lớn và cơ sở vật chất lúc đó vô cùng vất vả, thiếu thốn. Tôi còn nhớ tôi đi công tác miền Nam xách theo túi gạo, can mỡ… Cuộc sống của đại bộ phận người dân thời đó rất đạm bạc.

Tuy nhiên, trong khó khăn cũng có thuận lợi. Mặc dù thiếu thốn vật chất nhưng mọi người cùng đồng lòng, đồng tâm hiệp lực làm thế nào để khôi phục và phát triển giáo dục phục vụ đường lối đổi mới của Đảng.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD, GS Phạm Minh Hạc chia sẻ những khó khăn giáo dục Việt Nam trong thời kỳ sau đổi mới (ảnh Xuân Trung).
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD, GS Phạm Minh Hạc chia sẻ những khó khăn giáo dục Việt Nam trong thời kỳ sau đổi mới (ảnh Xuân Trung).
- GS có thể chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong thời kỳ đó?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Tôi làm việc ở Bộ GD tại 21 Lê Thánh Tông, đến buổi trưa xuống tầng 1 tôi thấy trẻ em xúm quanh xin tiền. Lúc ấy, tôi đã chuẩn bị đổi tiền lẻ 50 đồng, 100 đồng để cho với điều kiện các cháu cho biết: “Cháu đang học lớp mấy? Bỏ học lâu chưa để ra Hà Nội xin ăn?...”. Rồi giáo viên đến cổng Bộ, tôi đều gặp. Có những ngày, tôi nhận được 50 – 60 thư đơn xin, kiện cáo… và tôi đều viết thư tay trả lời họ.

- Khó khăn chồng chất, tình hình bề bộn, vậy ông đã làm gì để “chèo lái” con thuyền giáo dục nước ta vượt qua sóng gió trong thời kỳ khủng hoảng ấy?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Lúc ấy, tôi mời 81 nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục bàn về đổi mới tư duy giáo dục, hình thành chỉ đạo phát triển giáo dục, sau đó trình bày tại Hội nghị giáo dục toàn quốc ở Vũng Tàu tháng 7 năm 1987. Khẩu hiệu được đưa ra lúc đó là: Khôi phục giữ vững, củng cố, ổn định và phát triển. Đầu tiên phải chấm dứt việc thầy giáo bỏ dạy, học sinh bỏ học, khôi phục lại trường lớp, giữ đến đâu phải củng cố ổn định đến đấy, sau đó mới nghĩ đến phát triển. 

Đại hội VI đề ra tư tưởng “xã hội hóa giáo dục” – xã hội với nhà nước cùng làm (PV), Bộ phát động toàn ngành thực hiện chủ trương này. Sau một năm tôi đã chủ trì ba hội nghị về xã hội hóa giáo dục ở 3 miền: Hà Nội, Tuy Hòa, Đồng Tháp và tìm ra các biện pháp đổi mới giáo dục.

3 tháng đi địa phương một lần

- Có người nói rằng, thời ấy Bộ trưởng Phạm Minh Hạc đi dự giờ các tỉnh, địa phương khó khăn để xem học sinh miền núi có đủ sách, đủ bàn ghế học tập hay không?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Tôi đã khảo sát những vùng khó nhất như Hà Giang, 3 tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh ở Đồng bằng Nam Bộ. Mỗi nơi đi một tuần đến 10 ngày. Lần chuyến đi Hà Giang, đường khó đi rất nguy hiểm, ô tô chỉ đi được 10 – 14 cây/giờ. Những chuyến đi như thế, ngày đêm phải lặn lội là bình thường. Nhiều người nghĩ, làm Bộ trưởng thì sướng lắm đấy, nhưng chẳng mấy người biết rằng các Bộ trưởng khổ lắm, vì họ luôn phải canh cánh lo việc đại sự nước nhà.
Trong chuyến công tác tại huyện U Minh, sau hơn một tiếng đi xuồng từ huyện vào lớp học ở giữa rừng U Minh, ông chỉ có trò không có thầy, vì thầy giáo “bỏ đi uống rượu”, và lúc ấy tôi đã thay thầy giáo đứng lớp dạy buổi học đó. 

Sau này, tôi ký quyết định yêu cầu lãnh đạo Bộ Giáo dục, kể cả Bộ trưởng một năm tổng cộng phải có 3 tháng đi địa phương, phải đến các trường học và phải dự giờ để hiểu sâu sát tình hình thực tế giáo dục các vùng. 

- Sau những chuyến đi thực tế giúp ích gì cho Bộ trưởng lúc đó thưa ông?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Trong các chuyến khảo sát và dự giờ ở một số địa phương, tôi thấy 1/2 - 1/3 học sinh lớp 1 tập đọc không đạt yêu cầu, vậy là thất bại. Lý do có nhiều trong đó có sách giáo khoa có nhiều thứ “cao siêu”, ví dụ thơ Truyện Kiều được trích vào. 

Về SGK tiểu học, Bộ GD lúc đó khẳng định một chương trình phải có 3 – 4 bộ SGK cho các vùng miền. Từ những chuyến khảo sát, chúng tôi đã chỉ đạo Viện Khoa học Xã hội Giáo dục viết lại quyển sách học vần lớp 1.

Bộ trưởng phải quan tâm đến bộ SGK

- Để củng cố, đổi mới giáo dục nước nhà lúc đó, chúng ta cần thiết phải xây dựng bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Một trong những quan tâm lớn nhất của Bộ trưởng GD là bộ SGK phổ thông. Những năm đó, Bộ GD tiến hành làm 2 bộ sách cho môn Toán, Văn bậc THPT. Tôi đã trực tiếp đến mời GS.NGND Hoàng Như Mai phụ trách biên soạn bộ môn Văn và GS Đặng Đình Áng phụ trách bộ môn Toán. Hai vị Giáo sư và các cộng tác viên đều làm tự nguyện không có tiền thù lao với tốc độ rất nhanh đã hoàn thành. 

Rất tiếc, sau năm 2000 đã có quy định ở bậc phổ thông, mỗi môn học có một chương trình và một bộ sách giáo khoa.

- Mỗi vị Bộ trưởng GD nắm việc trọng đại và gặp không ít khó khăn để phát triển, đổi mới toàn diện giáo dục nước ta. Vậy, GS có thể chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi làm Bộ trưởng? 

GS.VS Phạm Minh Hạc: Tôi nghĩ một người bộ trưởng nên đọc sách, báo cáo của những người đi trước. Thứ hai, làm giáo dục phải nắm vững triển khai đường lối của Đảng, Nhà nước. Thứ ba, phải luôn theo dõi và đúc kết từ thực tế để có kinh nghiệm. Thứ 4, phải học tập kinh nghiệm của học tập của nước ngoài.

Tôi cho rằng: “Việc đầu tiên của người Bộ trưởng GD khi nhậm chức là phổ cập được giáo dục!”. 

- Theo ông thì làm Bộ trưởng GD thời nay có khó hơn thời của ông hay không?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Vừa khó hơn lại vừa dễ hơn.

Khó hơn vì làm sao giáo dục phải vận hành trong một xã hội theo cơ chế thị trường. Mà quy luật giá trị giữ vai trò chủ đạo. Tình hình xã hội phức tạp hơn, thang giá trị và định hướng giá trị đảo lộn nhiều.

Còn dễ hơn ở việc đất nước ta đã hòa bình thống nhất được 37 năm, kinh tế khá hơn, hội nhập quốc tế được mở rộng hơn!

Trân trọng cảm ơn GS!
Kim Ngân (Thực hiện)