Sáng nay (27/5), tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 dành cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học từ Thành phố Huế trở ra.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng hàng ngàn cán bộ, giáo viên, giảng viên.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị tập huấn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh rằng đây là sự kiện thường niên quan trọng do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm chuẩn bị cho kỳ thi có ý nghĩa đặc biệt đối với học sinh và toàn ngành.
Tuy nhiên, năm 2025 là một năm có nhiều điểm khác biệt so với các năm học trước. Đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đồng thời vẫn tiếp tục tổ chức thi cho khoảng 25.000 thí sinh học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Điều này đặt ra yêu cầu đặc biệt đối với công tác coi thi, sắp xếp phòng thi, ra đề, in sao đề thi và tổ chức kỳ thi một cách đồng bộ, hiệu quả.
Bên cạnh đó, các địa phương hiện đang trong giai đoạn có nhiều thay đổi về tổ chức bộ máy; hoạt động của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo được chuyển đổi về Thanh tra Chính phủ; Thanh tra các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng kết thúc để sáp nhập và chuyển giao chức năng về Thanh tra tỉnh; các đơn vị cấp huyện, đặc biệt là công an huyện cũng được sắp xếp lại. Đây đều là những lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo Kỳ thi được tổ chức an ninh, an toàn.
Theo Thứ trưởng, trước tình hình và yêu cầu mới, Bộ Giáo dục và Đào tạ đã chủ động sớm, kịp thời nhiều công việc chuẩn bị cho Kỳ thi: Phương án thi; cấu trúc định dạng đề thi… Ngày 7/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025 - sớm hơn so với mọi năm.
Mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 58/CĐ-TTg về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025; Công điện số 61/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm biên chế giáo viên mầm non, phổ thông và nghỉ hè cho trẻ em, học sinh năm 2025.
“Từ khóa” ở cả hai Công điện đều là không vì việc sắp xếp bộ máy mà ảnh hưởng đến công tác tổ chức Kỳ thi.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, khâu chuẩn bị là yếu tố then chốt quyết định thành công của kỳ thi, cần được triển khai sớm, từ xa, không được bỏ sót bất kỳ công đoạn nào và đặc biệt không để xảy ra tình trạng phòng thi bị bỏ trống. Nếu chuẩn bị chu đáo và toàn diện thì mọi công việc sẽ được vận hành một cách tối ưu.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, công tác thanh tra, kiểm tra có vai trò đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là “lá chắn” đầu tiên để phòng ngừa rủi ro. Với phương châm “thanh tra đi trước, kiểm tra đi trước”, việc giám sát phải được thực hiện hết sức kỹ lưỡng, thực chất, cụ thể, tránh hình thức và đại khái. Thanh tra không chỉ để phát hiện sai phạm mà còn nhằm nhắc nhở, rà soát những nội dung còn thiếu sót hay chưa đạt yêu cầu. Sau mỗi đợt thanh tra, kiểm tra phải có biên bản, kết luận rõ ràng, trong đó nêu bật cả ưu điểm, hạn chế và các kiến nghị cần thiết từ tổ công tác.
Do đó, việc tập huấn chính là để trang bị đầy đủ thông tin, kiến thức, kỹ năng và tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra. Mục tiêu cao nhất là không để xảy ra bất kỳ sai sót nào, nếu có phát sinh thì phải xử lý theo đúng quy chế, quy trình, đảm bảo khách quan, đúng pháp luật, không để xảy ra sự cố truyền thông hay ảnh hưởng tiêu cực đến thí sinh, đến an ninh trật tự và hình ảnh của ngành giáo dục.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh yêu cầu đối với công tác tập huấn là phải phổ biến đầy đủ, rõ ràng những nội dung cốt lõi của quy chế thi, đặc biệt lưu ý các nội dung dễ phát sinh tiêu cực hoặc tiềm ẩn rủi ro trong quá trình tổ chức kỳ thi. Sau buổi tập huấn, cán bộ làm công tác thi cần nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định, đồng thời linh hoạt vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đặc điểm thí sinh và các yếu tố liên quan.
Thứ trưởng lưu ý rằng tất cả các chủ thể tham gia kỳ thi, từ cán bộ quản lý đến giám thị, thanh tra, thí sinh,... đều phải nghiên cứu kỹ, nắm chắc quy chế thi. Riêng đối với lực lượng làm công tác kiểm tra, thanh tra, yêu cầu đặt ra là phải hiểu sâu hơn, kỹ hơn và có khả năng chủ động xử lý những tình huống phát sinh, kể cả những tình huống chưa được quy định cụ thể trong quy chế. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định và không để xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Quá trình thanh tra, kiểm tra có sự tham gia của nhiều cấp
Trình bày phương án thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025, ông Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mô hình và tổ chức hoạt động cơ bản được giữ ổn định như năm 2024, tuy nhiên có một số điều chỉnh phù hợp với tính chất đặc thù của kỳ thi năm nay.
Cụ thể, Bộ sẽ điều chỉnh số lượng cán bộ, giảng viên cơ hữu tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi, cũng như điều chỉnh hình thức thanh tra, kiểm tra ở các khâu: chuẩn bị thi, coi thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp. Quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ có sự tham gia phối hợp của nhiều cấp, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả.

Điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025
Thông tin chung về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thông tin:
Thứ nhất, đối với những thí sinh đăng ký dự tuyển theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006, Bộ sẽ tổ chức 01 điểm thi riêng, với mô hình tổ chức, cách thức được giữ ổn định như năm 2024, diễn ra từ ngày 25 - 27/6.
Theo đó, các thí sinh được sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi môn ngoại ngữ và được tính điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông. Chứng chỉ ngoại ngữ phải có giá trị sử dụng đến ngày 25/6/2025.
Còn đối với thí sinh đăng ký dự tuyển theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ có nhiều điểm mới như giảm số lượng buổi thi từ 4 buổi còn 3 buổi, diễn ra từ ngày 25 - 27/6. Bao gồm 1 buổi thi Ngữ Văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức các bài thi tự chọn. Thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi.
Thứ hai, đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, có các môn thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Ngữ Văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Thí sinh được sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số. Chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây. Công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này.
Về điểm khuyến khích, bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh, bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên. Đồng thời, cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Thứ ba, 100% thí sinh đều có thể tham gia đăng ký trực tuyến. Quy trình coi thi, chấm thi được điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với Phương án tổ chức kỳ thi. Khắc phục các hạn chế bất cập trước đây để tạo thuận lợi hơn cho các đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đối với công tác xếp phòng thi được thực hiện trên Hệ thống quản lý thi và xếp phòng thi theo bài thi tự chọn. Đặc biệt, bổ sung thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm Hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hoá và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ.
“Năm 2025, số lượng phòng thi sẽ tăng hơn so với trước đây do thí sinh đăng ký nhiều tổ hợp môn khác nhau. Do đó sắp xếp theo nhóm địa điểm để giảm thiểu việc tăng phòng thi do có nhiều tổ hợp môn có ít thí sinh đăng ký”, Giáo sư Chương cho hay.
Đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 sẽ được in trên khổ giấy A3 thay vì khổ A4 như mọi năm. Chia sẻ về sự thay đổi này, Giáo sư Huỳnh Văn Chương cho biết các năm học trước, đề thi được in trên khổ A4 nên một đề thi thường có 4 đến 5 trang, gây nhiều khó khăn trong in sao và khả năng rủi ro thiếu trang. Vì vậy, việc chuyển đề thi sang khổ A3 sẽ giúp cho việc in ấn thuận lợi hơn, giảm thiểu rủi ro do giảm số trang.
Đánh giá về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khẳng định hoạt động này góp phần giúp kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Khi thanh tra, kiểm tra sẽ giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân kịp thời nắm tình hình về kỳ thi, qua đó thực hiện đúng Quy chế thi, các văn bản liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến Kỳ thi.
Đồng thời, việc thanh tra, kiểm tra còn mang ý nghĩa phòng ngừa, phát hiện những hạn chế, bất cập, vi phạm để xử lý, kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có). Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về Kỳ thi trong những năm tiếp theo.