“Trường Đại học” lớn nhất nước
Theo lịch sử triều Nguyễn thì năm 1803, vua Gia Long đã cho xây dựng Quốc học đường để đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước.
Di Luân Đường (Quốc Tử Giám) đã được trùng tư, sửa chửa lại. Ảnh: AN |
Đến năm 1821, vua Minh Mạng đổi tên thành Quốc Tử Giám, đồng thời mở rộng quy mô của ngôi trường với 7 gian giảng đường (5 gian Di luân đường, 2 nhà học, xung quanh đều xây tường ghạch bao quanh). Đây được xem là trường đại học lớn nhất của nước ta thời bấy giờ.
Theo sách Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ thì để trở thành “sinh viên” của Quốc Tử Giám rất khó khăn, phải được lựa chọn kỹ càng.
Từ năm 1822, có chỉ dụ vua ban, hàng năm, mỗi phủ, huyện chỉ được chọn một học sinh.
Sau khi qua kỳ sát hạch trình độ của Hội đồng Quốc Tử Giám, nếu đạt yêu cầu thì mới được nhận vào học.
"Lễ tế ở Đàn Xã Tắc quan trọng bậc nhất tại kinh đô Thăng Long" |
Ngoài ra, một số con em thuộc hoàng tộc (có quan hệ họ hàng với nhà vua), con quan cũng được nhận vào học ở đây.
Triều đình sẽ cấp phát sách vở, tiền bạc và lương cho giám sinh (tên gọi của học trò được học ở Quốc Tử Giám) chuyên tâm theo nghiệp đèn sách.
Họ được miễn các nghĩa vụ quân dịch, lao dịch, thuế khóa và hưởng nhiều ưu tiên khác. Mỗi năm sẽ có một kỳ sát khảo hạch để hân loại.
Đối với những giám sinh đạt hang ưu (giỏi) thì được tăng bổng lộc, hạng trung thì giữ nguyên, hạng thứ (xếp cuối) sẽ bị giảm bổng lộc hoặc bị phạt (xếp cuối nhiều kỳ liên tục sẽ bị đuổi học).
Theo dụ vua ban thì Quốc Tử Giám là nơi giáo dục nhân tài. Triều đình nuôi học trò, nên ưu đãi khiến cho nhân tài đều vui vẻ tu nghiệp tiến đức.
Hễ là người học ở đây đều được thưởng mỗi người 10 quan tiền. Trong số các đời vua Nguyễn thì vua Minh Mạng là người có nhiều quan tâm đến chính sách nuôi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Ngoài chăm lo việc đèn sách cho các giám sinh, vua còn thường xuyên động viên các giám sinh có gia cảnh nghèo khó, cha mẹ già ở quê.
Nhiều giám sinh nghèo được vua ban tiền để làm lộ phí về thăm cha mẹ, tiền nhang khói phúng điếu mỗi khi có cha mẹ giám sinh qua đời.
Theo cuốn hệ thống giáo dục và khoa cử triều Nguyễn thì sau ba năm học tập và rèn luyện nhân đức tại Quốc Tử Giám, các giám sinh được tham gia các kỳ thi Hội, thi Hương do triều đình tổ chức.
Những người thi đỗ đều được triều đình trọng dụng, bổ nhiệm các chức vụ quan trọng của chính quyền từ trung ương đến các tỉnh.
Với gần 150 năm tồn tại, Quốc Tử Giám đã đào tạo hơn 500 vị Tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn.
Trong số đó có những sĩ phu yêu nước như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh...
Hậu đãi các Tiến sĩ
Khác với các triều đại phong kiến trước đây, người đỗ đầu kỳ thi Đình (do vua ra đề và chấm thi) của triều Nguyễn không được gọi là Trạng Nguyên mà được xướng danh là Đệ nhất giáp Tiến sĩ.
Những người đỗ Tiến sĩ được triều đình hậu đãi, ban nhiều vàng bạc và được trọng dụng bổ nhiệm làm quan.
Việc xướng danh Tiến sĩ sẽ được Bộ Lễ (sau này là Bộ Học) xướng danh tại điện Thái Hòa trước sự chứng kiến của nhà vua cùng bá quan văn, võ. Theo sách Khâm định Đại nam hội điển sự lệ, thì các tân Tiến sĩ sẽ được ban tham gia yến tiệc, được dạo phố để nhận sự chúc mừng, ca tụng của người dân.
Những người đỗ Tiến sĩ sẽ được khắc tên vào văn bia dựng ở Văn Miếu để người đời tưởng nhớ.
Ngoài ra, các tân Tiến sĩ được vinh quy bái tổ tại quê nhà trước khi quay lại kinh thành để được bổ nhiệm vào các chức vụ quan lại trong triều.
Trong suốt 13 đời vua Nguyễn đã tổ chức được 39 khoa thi Hội, có 293 vị đỗ chánh bản (quan văn), 10 vị đỗ chánh bản (quan võ).
Để vinh danh những nhân tài qua các kỳ thi, triều Nguyễn đã cho xây dựng Văn Thánh Miếu (tại xã Hương Hồ, Hương Trà) và khắc tên các Tiến sĩ lên đó.
Ngày nay, Văn Thánh Miếu đã được trùng tu với hai dãy gồm 32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919). Tất cả 32 bia đều có rùa đội bia và bằng đá cẩm thạch.