Nhà Toán học, Giáo sư Lê Ngọc Lăng qua đời

18/03/2022 08:14
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà giáo ưu tú, Giáo sư Lê Ngọc Lăng, người có đóng góp lớn cho nền Toán học Việt Nam qua đời ở tuổi 82.

Nhà giáo ưu tú, Giáo sư Lê Ngọc Lăng là nhà Toán học, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỏ - Địa chất, nguyên Phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam đã từ trần ngày 16/3 ở tuổi 82.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều đồng nghiệp, học trò của Giáo sư Lê Ngọc Lăng bày tỏ niềm tiếc thương.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Mai Thanh Tân chia sẻ: “Tôi và Giáo sư Lê Ngọc Lăng cùng đồng hương Hà Tĩnh và có thời gian cùng học Đại học Tổng hợp. Khi tôi vào học Vật lý năm thứ nhất thì anh Lăng học Toán năm cuối. Hai anh em cùng về công tác ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất từ những ngày trường mới thành lập trải và qua những chặng đường gian khó từ vùng sơ tán Thuận Thành (Bắc Ninh) đến Phổ Yên (Thái Nguyên). Có thời gian 2 anh em cùng là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất nên rất thân nhau, cùng chia sẻ những ý tưởng và suy nghĩ không chỉ về chuyên môn mà cả về xã hội, cuộc sống..."

Giáo sư Lê Ngọc Lăng (áo trắng) trong lần gặp Giáo sư Mai Thanh Tân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giáo sư Lê Ngọc Lăng (áo trắng) trong lần gặp Giáo sư Mai Thanh Tân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau này Giáo sư Lê Ngọc Lăng cùng vợ chuyển về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh để gần con cái. Thỉnh thoảng khi có dịp Giáo sư Mai Thanh Tân thường đến thăm Giáo sư Lăng.

Những năm gần đây do sức khỏe không tốt nên sinh hoạt của Giáo sư Lăng gặp nhiều khó khăn hơn nhưng mỗi lần đến thăm tôi vẫn thấy ông lạc quan và hóm hỉnh như xưa. Ông còn say sưa viết các cuốn sách về Toán đặc biệt là tập các bài toán cho các em thi vào đại học và thi nghiên cứu sinh.

Được tin Giáo sư Lê Ngọc Lăng mất, tôi và rất nhiều đồng nghiệp, các thế hệ học trò của ông vô cùng thương tiếc".

Còn với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Thế Long được gặp Giáo sư Lê Ngọc Lăng lần đầu khoảng cuối 1989 đầu 1990 khi cùng trong một hội đồng bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Đại học Tổng hợp.

Giáo sư Phạm Thế Long chia sẻ: "Khi ấy với tôi, anh đã thuộc hàng các trưởng lão của ngành Toán. Tôi cùng Giáo sư Lăng tham gia tổ chức Olympic Toán học sinh viên toàn quốc trong khoảng hơn 15 năm. Có thể nói, cùng với Giáo sư Nguyễn Văn Mậu – người khởi xướng Olympic Toán học sinh viên, Giáo sư Lê Ngọc Lăng là những người có công đầu duy trì và phát triển cuộc thi này đều đặn hàng năm."

Được Hội Toán học Việt Nam giao nhiệm vụ, thời kỳ đó, Ban tổ chức Olympic Toán học sinh viên toàn quốc trên thực tế chỉ 4-5 người làm mọi việc từ A tới Z. Giáo sư Lăng là người cao tuổi nhất, nhưng năm nào cũng vậy, trước kỳ thi anh cũng cùng chúng tôi thức trắng đêm để chuẩn bị đề thi. Sự tận tụy, hết mình, khách quan, vô tư của những người như ông đã góp phần cho phong trào Olympic toán học sinh viên phát triển mạnh mẽ".

Giáo sư Phạm Thế Long chia sẻ: “Ấn tượng lớn nhất của tôi về Giáo sư Lăng là sự dễ gần, không cao ngạo và đặc biệt rất hài hước, thân thiện và bao dung. Đám trẻ bọn tôi đôi khi có cãi anh ra trò nhưng anh không hề để bụng. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tới nhà anh, khi đó anh đã là Phó Hiệu trưởng của một trường đại học lớn, nơi đã đào tạo hàng chục ngàn kỹ sư Mỏ - Địa chất, trong số đó rất nhiều người thành đạt, có vị trí xã hội mà anh là thầy dạy trực tiếp.

Lần đầu tôi đến nhà Giáo sư là một gian 2 tầng trong khu tập thể khiêm nhường của Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Hướng dẫn đường đi cho tôi Giáo sư Lăng bảo: “Cậu cứ đi xuôi đường Láng về phía Cầu Giấy, khi nào thấy cái biển có tên tớ to đùng thì rẽ vào ngõ là tới. Cả nước này mỗi mình hai vợ chồng tớ được Sở Giao thông dựng biển hướng dẫn đường vào nhà đấy.

Hóa ra, khu nhà Giáo sư Lăng ở gần khu tập thể của 1 đơn vị khác và đầu ngõ đúng là có biển có tên anh và tên chị Lý – vợ anh với tiêu đề là “Khu tập thể Ban Quản Lý Lăng”. Suốt dọc ngõ vào nhà là các chuồng nuôi gà, các vật dụng bếp núc mà các căn hộ hai bên ngõ bày ra tận dụng không gian chung.

Trước cửa nhà anh cũng có 1 bếp than tổ ong nghi ngút khói và Giáo sư thuộc hàng Trưởng lão ngành Toán đang quần đùi áo may ô quạt bếp than giúp vợ nấu ăn. Mang tiếng là căn hộ 2 tầng nhưng chỉ vài chục mét vuông, tầng 1 vừa là bếp, vừa là phòng khách, vừa là phòng ăn. Ấn tượng nhất là khi anh dẫn tôi lên phòng làm việc. Có lẽ không tới chục mét vuông và ngổn ngang sách vở.

Những năm sau này, không có dịp cùng nhau tổ chức các hoạt động chung của Hội Toán, tôi ít có dịp được gặp Anh, nhất là từ khi Anh chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh ở cùng con. Năm 2019, tôi có dịp ghé thăm Anh khi có chuyến đi vào trong đó. Anh yếu hơn xưa, nhưng vẫn đầy năng lượng sống. Vẫn nghĩ sẽ còn có dịp lại vào thăm Anh! Không ngờ…"

Giáo sư Phạm Thế Long chia sẻ: “Với tôi, Giáo sư Lê Ngọc Lăng luôn là một nhân cách để tôi luôn trân trọng và quý mến.”

Phó Giáo sư Nguyễn Minh Mẫn, nguyên Trưởng bộ môn Toán cũng có những chia sẻ về người đồng nghiệp của mình rằng thầy Lăng sống chí tình, chỉn chu và hay giúp đỡ mọi người. Chuyên ngành của giáo sư là Toán nhưng thầy am hiểu nhiều lĩnh vực trong xã hội. Giáo sư Lê Ngọc Lăng là người con có hiếu, cha mất khi thầy chưa học đại học, thầy chăm sóc mẹ tận tình khi cụ về già.

Giáo sư Lê Ngọc Lăng (áo xanh) nhận hoa do Phó Giáo sư Nguyễn Minh Mẫn tặng trong dịp sinh nhật lần thứ 64. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giáo sư Lê Ngọc Lăng (áo xanh) nhận hoa do Phó Giáo sư Nguyễn Minh Mẫn tặng trong dịp sinh nhật lần thứ 64. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với Nhà giáo ưu tú, Giáo sư Bùi Xuân Nam, Hiệu phó Trường Đại học Mỏ - Địa chất, giáo sư Lê Ngọc Lăng vừa là người thầy và như người bác trong gia đình mà thầy rất quý mến.

Từ khi học phổ thông, thầy Nam có cơ hội được Giáo sư Lê Ngọc Lăng dạy môn Toán. Thầy Nam cho biết Giáo sư Lê Ngọc Lăng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất, nguyên Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam là một người trí tuệ, thông minh, một người lãnh đạo tâm huyết và tài năng.

Những bài giảng của thầy có tính mô phạm, với bài toán khó thầy bóc tách nó ra thành vấn đề cực kỳ đơn giản. Dù đã trở thành giáo sư, nhà giáo ưu tú nhưng thầy Bùi Xuân Nam luôn học tập theo tấm gương là Giáo sư Lê Ngọc Lăng tức là để giảng cho học trò cần biến những vấn đề phức tạp trở nên đơn giản. Đó chính là trình độ, năng lực cần có của người giảng viên. Điều tuyệt vời nhất của một nhà giáo là tạo cho người học một niềm yêu học tập, từ việc sợ hãi môn Toán đến ham mê học hỏi.

Dù đã về hưu, nhưng thầy Lăng luôn quan tâm đến các hoạt động dạy và học của trường. Ngay cả khi đã thầy đã chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh đoàn tụ với con cháu, khi có dịp Giáo sư Lăng vẫn về thăm Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

Khi Giáo sư Lăng mất, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cán bộ, sinh viên, học trò cũ không thể tề tựu đông đủ để dự đám tang của thầy, lãnh đạo trường đã cử cựu sinh viên ở Đồng Nai đến gửi lời thăm hỏi gia đình.

Nhật Tân