Theo TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), chỉ một tháng rưỡi sau ngày tuyên ngôn độc lập, ngày 17/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “viết thư cho chính quyền từ làng đến tỉnh”.
Thư chỉ rõ 6 căn bệnh trong bộ máy chính quyền là “tư túi, bè phái, hủ hóa, xa xỉ, chia rẽ, kiêu ngạo”; đến tháng 10 năm 1947 Người lại viết "Sửa đổi lối làm việc" và chỉ ra 8 căn bệnh trong bộ máy nhà nước. [1]
Tranh minh họa của LEO. |
Với tầm nhìn đi trước thời đại, thấy trước nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, Bác đã yêu cầu cán bộ, đảng viên: “Học để làm người, rồi mới làm cán bộ”. [1]
Không chỉ là lời nói, Bác còn xử lý hết sức nghiêm khắc những cán bộ tham ô, hủ hoá, biến chất, điển hình là trường hợp Trần Dụ Châu - cựu đại tá, cục trưởng Cục Quân nhu, bị kết án tử hình năm 1950.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, nhận rõ bất cập trong việc tìm căn nguyên tham nhũng, ngày 4/1/2016, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị 51-CT/TW (Chỉ thị 51) về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Chỉ thị nhấn mạnh: “Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng".
Đối thoại đầu năm giữa Tham nhũng và Niềm tin(GDVN) - Nếu không chống được tham nhũng, à quên, không chống được sự suy thoái đạo đức cán bộ thì “nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ” là đúng còn gì? |
Chỉ thị 51 đã đưa ra một định hướng quan trọng là: “Không đưa vào danh sách ứng cử (Quốc hội) người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng".
Đã có quá nhiều người lên án tham nhũng, đã có quá nhiều lời quy tội cho tham nhũng như: “Tham nhũng đã trở thành giặc nội xâm”; “tham nhũng làm suy giảm lòng tin của dân với Đảng, với chế độ”; “Tham nhũng trở thành nguy cơ chính đe dọa sự tồn vong chế độ”;…
Tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt ai cũng nhìn thấy, ai cũng gặp trong cuộc sống nhất là khi tiếp xúc cơ quan công quyền.
Tham nhũng lớn trong hoạch định chính sách, trong các hoạt động kinh tế, đầu tư, văn hóa, giáo dục thì không phải người dân nào cũng biết.
Điều đáng nói là ai cũng muốn tiêu diệt tham nhũng (ít nhất là trong phát ngôn) vậy sao tham nhũng thời gian qua vẫn “ổn định”, vẫn không bị đẩy lùi?
Câu trả lời nằm ở chỗ, chúng ta chủ yếu đang quy tội cho tham nhũng mà lại chưa chú trọng đến câu hỏi “Tham nhũng sinh ra từ đâu; ai và cái gì tạo nên tham nhũng”?
Liệu có đúng không khi chúng ta đang biến hiện tượng (tham nhũng) thành bản chất, đang tập trung sức lực, trí tuệ vào chống hiện tượng chứ chưa chỉ rõ bản chất, đang tìm cách cắt ngọn chứ chưa muốn đào tận gốc?
Có một đặc điểm dễ nhận thấy kiểu “mèo bé bắt chuột con”, ấy là lãnh đạo cấp nào thì “quán xuyến” công tác cán bộ cấp đó, chẳng hạn “một xã có 12 người họ hàng làm quan” [2]; “Cả họ làm quan ở (huyện) Mỹ Đức - Hà Nội”; [3] “Con trai, con rể Bí thư Tỉnh uỷ … băng băng trên đường quan lộ”; [4]…
Đánh giá việc bổ nhiệm cán bộ của cấp dưới, xin trích một số ý kiến:
“Ông Nguyễn Công Kích, Trưởng ban tổ chức Huyện ủy Quỳ Hợp khẳng định công tác tổ chức cán bộ ở xã Hạ Sơn đúng quy trình và không sai sót”. [1].
“Qua quá trình kiểm tra quy trình bổ nhiệm cán bộ, tiêu chuẩn cán bộ báo chí nêu 9 trường hợp, Đoàn kiểm tra Thành ủy (Hà Nội) đã kiểm tra hồ sơ thấy rằng, cả 9 trường hợp quy trình bổ nhiệm cán bộ (ở huyện Mỹ Đức) đều đảm bảo. Quy trình này được thực hiện theo quyết định 283, 284 của Thành ủy Hà Nội”. [5]
“Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Quảng Nam bổ nhiệm đúng quy trình”. [6]
Vậy là khi người dân, thông qua truyền thông có ý kiến thì khá nhiều trường hợp, cấp trên luôn khẳng định cấp dưới “đúng quy trình”, huyện nói xã “đúng quy trình”, tỉnh nói huyện “đúng quy trình”, bộ nói tỉnh “đúng quy trình”…?
Vì sao chống tham nhũng lại khó khăn đến vậy?(GDVN) - Tại sao một đất nước đã trải qua biết bao thăng trầm, không thể bị đánh bại bởi một thế lực hùng mạnh nào nhưng lại lúng túng trước tham nhũng? |
Vậy còn cấp quyền lực cao nhất - như khẳng định trong điều 2 Hiến pháp: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân" - Nhân dân đánh giá thế nào về “đúng quy trình” của các cấp dưới của mình?
Một khi các cấp từ xã đến bộ đều đúng quy trình thì vì sao vẫn tồn tại “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên” thoái hóa, biến chất?
Những chiếc xe biển xanh hay quảng trường hoành tráng không tạo ra tham nhũng.
Tạo ra tham nhũng là con người với chức quyền cụ thể, đó là người có quyền ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, đề bạt cán bộ, chuẩn bị danh sách kế cận…
Đó là những người có quyền coi xe biển xanh là của riêng, có quyền duyệt chi kinh phí đầu tư công trong đó có việc mua xe hay xây quảng trường, tượng đài.
Về công tác cán bộ, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát biểu:
“Đúng là Nhà nước chưa thực sự coi trọng trí thức, chưa có chính sách sử dụng và đãi ngộ thích hợp. Do đó chưa thu hút được người tài, người có trình độ chuyên môn giỏi vào bộ máy Nhà nước.
Cũng đúng là việc tuyển dụng và đề bạt trong các cơ quan nhà nước hiện nay có nhiều điểm chưa hợp lý, đấy là chưa nói đã xảy ra không ít hiện tượng tiêu cực trong công tác tổ chức - cán bộ”. [7]
Truy cho đến cùng, cái gốc của tham nhũng chính là đặc quyền đặt ai đó vào vị trí nào đó, và quyền gạt ai đó khỏi vị trí đang có.
Chính những chữ ký trong quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ và sa thải người lao động một cách không minh bạch núp dưới bóng “quy trình” mới là điều cần diệt bỏ tận gốc.
Cần thẳng thắn thừa nhận, tham nhũng là biểu hiện, là chỉ dấu cho thấy sự bất cập của công tác cán bộ, nói cách khác, tham nhũng chỉ là hệ quả tất yếu mà nguồn gốc đã được nguyên Phó Chủ tịch nước nhận định: “Đã xảy ra không ít hiện tượng tiêu cực trong công tác tổ chức - cán bộ”.
Mười ba năm trước, ngày 11/11/2003 trang tin Vietbao.vn – cơ quan trực thuộc Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông Quốc tế (CPI) - Bộ thông tin và truyền thông đã dẫn lại tờ Tuổi trẻ khẳng định một cách chắc nịch: “Chắc chắn là có chuyện chạy chức chạy quyền". [8]
Trong nền kinh tế thị trường có định hướng, những gì có thể mua đều có thể bán.
Một khi chức quyền có thể chạy (mua) bằng tiền hoặc những thứ có thể quy thành tiền thì đương nhiên nó sẽ được rao bán.
Phương châm “buôn có bạn, bán có phường” sẽ tạo ra các “phường lợi ích” và những “phường” này sẽ quay lại chi phối công tác cán bộ.
Chuyện “chạy chức chạy quyền” cũng phát triển theo đường xoắn ốc như sự phát triển của xã hội loài người, sau mỗi chu kỳ nó sẽ trở về góc xuất phát ban đầu nhưng ở mức cao hơn.
Chu trình tham nhũng diễn ra hết sức đơn giản: bỏ tiền mua chức, bán chức lấy tiền, bỏ tiền mua chức cao hơn, bán chức (cao hơn) để lấy tiền.
Căn bệnh của đất nước ta hôm nay không nằm ngoài căn bệnh chung của nhân loại, người ta dễ dàng quy lỗi cho hạn hán, sâu bệnh, mưa bão… làm thiệt hại mùa màng nhưng chỉ đến hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc COP21 ở Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, lãnh đạo các quốc gia tham dự mới thừa nhận biến đổi khi hậu là do con người gây ra và đó là nguyên nhân chính của hiện tượng El Nino, La Nina đang đe dọa môi trường sống của nhân loại.
Mâu thuẫn nào là động lực phát triển xã hội?(GDVN) - Phải chăng vấn đề con người, vấn đề nhân sự cấp bách đến mức cần phải đặt ra một cách quyết liệt vượt trên vấn nạn tham nhũng hiện nay? |
Vậy nên quan điểm chống tham nhũng là tập trung vào điều tra, khởi tố, xử án những tập thể, cá nhân tham nhũng chưa phải là lựa chọn logic.
Chống tham nhũng trước hết phải tập trung vào công tác cán bộ - như Chỉ thị 51 đã nhấn mạnh - cần đặc biệt coi trọng vai trò người đứng đầu.
Với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với 22 bộ và cơ quan ngang bộ, nếu có 170 người đứng đầu (Bí thư - Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng – Bí thư Ban cán sự Đảng) thực sự liêm khiết, thực sự tài năng thì tham nhũng không phải là không thể đẩy lùi.
Vì sao dân tộc ta luôn chiến thắng trong các cuộc chiến chống ngoại xâm?
Vì đó là cuộc chiến của toàn dân, trong ba cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và Trung Quốc xâm lược cuối thế kỷ 20, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh.
Những người ngã xuống là chiến sĩ, dân quân, du kích, người dân yêu nước, phần lớn chưa phải là cán bộ, đảng viên. Họ nghe và tin vào lời kêu gọi của Đảng.
Phần lớn mất mát, nỗi đau chiến tranh đều do Nhân Dân gánh chịu, sức mạnh đoàn kết của dân tộc đủ sức chiến thắng mọi kẻ thù bất kể chúng hùng mạnh như thế nào.
Vì sao cuộc chiến chống tham nhũng không đạt được như mong muốn?
Vì đây là cuộc chiến chống nội xâm, cuộc chiến “ta chống lại mình”, nó ngược với cuộc chiến chống ngoại bang xâm lược.
“Những buổi ngày xưa vọng nói về”(GDVN) - Lòng dân hy vọng Đại hội sáng suốt bầu đúng người, phân công đúng việc, làm tốt công việc được giao và biết sử dụng người tài để dân được lợi, nước được vinh. |
Một khi kinh nghiệm phong phú trong chống ngoại xâm lại được vận dụng vào cuộc chiến chống nội xâm, khi “đối tượng tác chiến” đã hoàn toàn thay đổi mà tư duy chiến tranh vẫn như cũ thì khó giành thắng lợi là điều có thể tiên liệu và thực tế đã cho thấy điều đó.
Đường lối chỉ đạo, phương pháp thực hiện và lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống nội xâm cần phải ngược với chống ngoại xâm.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng lãnh đạo, Đảng kêu gọi, Nhân Dân sẵn sàng hy sinh tính mạng của cải để đi theo Đảng.
Cuộc chiến chống nội xâm ngày nay, Nhân Dân – chủ thể của quyền lực quốc gia - cần cán bộ, đảng viên dựa vào dân, tin vào dân cũng như trước đây Dân đã tin Đảng, bây giờ là lúc cán bộ, đảng viên phải hy sinh phải nhiều hơn Nhân Dân giống như ngày xưa Nhân Dân đã hy sinh vì lý tưởng của Đảng.
Có phải vì Nhân Dân không biết lãnh đạo, Nhân Dân ngại tham gia chống tham nhũng hay vì Nhân Dân chưa cùng đứng trong chiến hào chống tham nhũng với cán bộ, đảng viên như ngày xưa đánh giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc?
Số đông chưa chắc đã đúng nhưng Nhân Dân tuyệt đối không bao giờ sai bởi Nhân Dân không phải là số đông, Nhân Dân là tất cả.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://tamnhin.net/can-bo-la-cai-goc-cua-moi-cong-viec-32.html
[2] http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160105/mot-xa-co-12-nguoi-ho-hang-lam-quan/1033126.html
[3] http://vtc.vn/ca-ho-lam-quan-o-my-duc-ha-noi-dieu-can-bo-ve-lam-pho-bi-thu-huyen.2.573288.htm
[5] http://vov.vn/nhan-su/ha-noi-noi-gi-ve-vu-ca-ho-lam-quan-o-huyen-my-duc-436247.vov
[6] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/265855/thu-truong-bo-noi-vu-quang-nam-bo-nhiem-dung-quy-trinh.html
[7] http://dantri.com.vn/blog/noi-that-vong-qua-loi-cua-nguyen-pho-chu-tich-nuoc-20160107052739201.htm
[8] http://vietbao.vn/Xa-hoi/Chac-chan-la-co-chuyen-chay-chuc-chay-quyen/10840125/157/