Nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở VN: Lý luận - thực tiễn

28/12/2023 16:09
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các nhà khoa học đã thảo luận về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay.

Chiều 27/12, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: “Nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam: Lý luận - Thực tiễn”.

Đoàn chủ trì hội thảo gồm: GS.TS Lê Văn Lợi - Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS Trần Thanh Giang - Phó giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS Nguyễn Đức Toàn - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Quang cảnh hội thảo khoa học (Ảnh: QM)

Quang cảnh hội thảo khoa học (Ảnh: QM)

Tham dự Hội thảo có các đại biểu, nhà khoa học các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các trường đại học trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Hiện nay, Đảng ta hết sức coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, coi đây là nhiệm vụ then chốt. Trong đó, nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị đóng vai trò hết sức quan trọng, được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm thanh lọc, loại bỏ những thành phần tha hóa, biến chất, suy thoái ra khỏi hàng ngũ của Đảng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa khỏi những âm mưu, thủ đoạn phá hoại từ bên trong của các thế lực thù địch, phản động”.

GS.TS Lê Văn Lợi - Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: QM)

GS.TS Lê Văn Lợi - Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: QM)

Theo GS.TS Lê Văn Lợi, việc nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay cần thiết phải thường xuyên nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tìm ra những biện pháp đồng bộ, hiệu quả, lâu dài nhằm thực hiện có hiệu quả.

Đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, việc xử lý các đối tượng cơ hội chính trị, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính quyền được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, thực hiện nghiêm minh, nề nếp, bài bản, đạt nhiều kết quả toàn diện, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; được cán bộ, đảng viên, nhân dân ngày càng tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, công tác nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ Đảng còn những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, còn để bị động, bất ngờ; chưa có các biện pháp, chế tài mang tính răn đe, nghiêm trị thích đáng đối với các đối tượng cơ hội chính trị, mà hầu như mới chỉ dừng lại ở việc giáo dục, vận động, cảm hóa.

PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền báo cáo đề dẫn hội thảo (Ảnh: QM)

PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền báo cáo đề dẫn hội thảo (Ảnh: QM)

PGS.TS Phạm Minh Sơn đã gợi mở một số vấn đề Hội thảo cần tập trung trao đổi, thảo luận như sau:

Một là, phân tích làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam.

Hai là, làm rõ cách thức nhận diện, các biểu hiện của cơ hội chính trị ở Việt Nam để có cơ sở đấu tranh phòng, chống, nhất là các biểu hiện mới xuất hiện gần đây.

Ba là, phân tích thực trạng đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay, đánh giá các thành tựu, hạn chế, làm rõ nguyên nhân của thành tựu, hạn chế và rút ra các bài học kinh nghiệm.

Bốn là, nêu rõ cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với công tác đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước thời gian tới.

Năm là, phân tích đưa ra các định hướng, đề xuất các giải pháp và khuyến nghị nhằm tăng cường nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị có hiệu quả ở Việt Nam trong thời gian tới.

Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài tham luận, nghe 7 tham luận trực tiếp cùng nhiều ý kiến thảo luận của các đồng chí lãnh đạo và các nhà khoa học. Các bài viết và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay.

PGS.TS Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tổng kết Hội thảo (Ảnh: QM)

PGS.TS Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tổng kết Hội thảo (Ảnh: QM)

Theo các đại biểu, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, Nhà nước đã xây dựng các chính sách, pháp luật nhằm kiểm soát quyền lực, phòng, chống hiện tượng cơ hội chính trị, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bộ máy Đảng và chính quyền.

Các tổ chức Đảng đã thực hiện tốt phương pháp “phòng” đi đôi với “chống”, chủ động, tích cực làm tốt công tác tư tưởng, bảo vệ tốt chính trị nội bộ, thường xuyên tiến hành phê bình và tự phê bình.

Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số mặt hạn chế trong nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị, đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất các định hướng, giải pháp hữu hiệu như: tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên định lập trường, lý tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh;

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống lý luận về đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị, nhất là những biểu hiện mới của cơ hội chính trị, địa bàn hoạt động, các biện pháp, cách thức tổ chức hoạt động của các đối tượng cơ hội chính trị; phát huy sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chuyên ngành…

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: QM)

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: QM)

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Mai Đức Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: “Những ý kiến tham luận, các bài viết của các nhà khoa học đã cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề nóng đang đặt ra đối với việc nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay.

Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc, các đề xuất, giải pháp có giá trị cao đưa ra trong Hội thảo sẽ là cơ sở để Học viện Báo chí và Tuyên truyền xây dựng kiến nghị với Đảng và Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan quản lý trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam trong thời gian tới”.

LÃ TIẾN