Nhân sự và nhân quả

11/05/2020 06:00
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - “Gieo nhân nào gặt quả nấy”, nếu “nhân kỷ luật” nhẹ hều như hạt lép, hạt nổi chắc chắn sẽ cho “quả cán bộ” nhờn kỷ luật.

“Nhân sự” là hoạt động gắn liền với việc tuyển chọn, đề bạt, kỷ luật, sa thải nhân viên, cán bộ của cơ quan, tổ chức, nói gọn lại là hoạt động quản lý con người.

“Nhân quả” thì không cần giải thích vì ai cũng biết và xin tạm không bàn đến công tác nhân sự tại các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh.

Công tác nhân sự ảnh hưởng quyết định đến sự tồn tại, phát triển của thể chế chính trị từ cấp thấp nhất là chính quyền thôn, xã đến quốc gia, dân tộc.

Đặc biệt khi nhân sự được lựa chọn thuộc về đảng phái hay lực lượng chính trị nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Dù là đa nguyên hay toàn trị thì có một thực tế không thể phủ nhận là quyền quyết định nhân sự ở cấp cao nhất lại không hoàn toàn thuộc về số đông - tức là dân chúng.

Tại Mỹ, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, số phiếu bầu phổ thông (của dân chúng) cho bà  Hillary Clinton là 60.278.606, còn ông Donald Trump là 59.907.356 phiếu, tuy nhiên Donald Trump lại đắc cử tổng thống vì nhiều phiếu đại cử tri hơn.

Tại Việt Nam, tuy nhân sự cấp cao là do Quốc hội quyết định song vì gần 96% Đại biểu Quốc hội là đảng viên và đảng viên phải tuân theo Điều lệ Đảng nên hoạt động nhân sự tại Quốc hội thực chất vẫn là công việc của một số cơ quan Đảng như Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức,…

Với những gì đã được công bố, có thể thấy Ban chấp hành trung ương Đảng nhiệm kỳ 12 đã bao quát toàn bộ hoạt động nhân sự cho nhiệm kỳ 13, không chỉ trong nội bộ đảng mà là toàn hệ thống chính trị.

Chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội 13 của Đảng, “dưới có vững thì trên mới bền chắc được”.

Vậy trong một thời gian ngắn - thời gian chuẩn bị đại hội các cấp - làm thế nào để “dưới vững” khi mà tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên có chính sách, dưới có đối sách” vẫn còn là một thực tế?

Đặt vấn đề “trong một thời gian ngắn” bởi lẽ gần 10 năm trước, văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng đã đưa ra kết luận:

“Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”.

Nhận định nêu trên đã hoàn toàn sáng tỏ vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ 12, đã có gần 100 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.

Công tác nhân sự là vô cùng quan trọng. (Ảnh minh họa trên Tapchisinhvien.vn)
Công tác nhân sự là vô cùng quan trọng. (Ảnh minh họa trên Tapchisinhvien.vn)

Một bài viết trên Tạp chí Tuyên Giáo đăng ngày 15/03/2019 nêu nhận định:

“Tham nhũng đang là vấn nạn, có xu hướng gia tăng và gây thiệt hại nặng nề về nhiều mặt, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên đảm nhiệm các vị trí "có quyền" ”. [1]

Thế có nghĩa là gần 10 năm đấu tranh phòng chống tham nhũng - tính đến năm 2019 - tình trạng nêu trong văn kiện đại hội 11 chưa có chuyển biến đáng kể, thậm chí vấn nạn này còn “có xu hướng gia tăng”.

Phải chăng vì thế gần đây, dù nhấn mạnh vị thế quan trọng của “dưới” nhưng hoạt động của “trên” tức là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Bộ Công an,… dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đó?

Vậy chiến dịch “đốt lò” mà ông Nguyễn Phú Trọng phát động có làm chuyển biến nhận thức của “dưới”, có làm những kẻ “tay đã nhúng chàm” lo sợ? 

Ngay khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, ngay tại thủ đô Hà Nội, một nhóm quan chức và cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố này cấu kết với doanh nghiệp đã nâng giá mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR gấp 3 lần lấy tiền chia nhau và vụ việc lại do Bộ Công an phát hiện chứ không phải chính quyền thành phố Hà Nội.

Tại Thanh Hóa, huyện Yên Định đang mang khoản nợ 50 tỷ đồng vì đã vay sử dụng cho các hoạt động: “Sửa sang công sở Huyện ủy, UBND huyện, tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo, tiền sửa xe khi hư hỏng, tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm, tiền chè nước, giấy mực in, tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách của lãnh đạo huyện ở các nhà hàng, khách sạn…” nhưng lãnh đạo huyện này vẫn xin kinh phí 20 tỷ xây dựng tượng đài?”. [2]

Vì sao có rất nhiều vụ kỷ luật trong đảng, nhiều án hình sự với không ít cán bộ - trong đó có một số cán bộ cấp cao - không làm bọn tham nhũng sợ hãi?

Cán bộ và Cái gốc
Cán bộ và Cái gốc

Có phải vì tại Hà Nội đã từng có tiền lệ một cựu lãnh đạo cấp thành phố bị công an xác định “có dấu hiệu phạm tội” song do “phạm tội lần đầu, nhân thân tốt” nên người này được miễn truy cứu hình sự?

Có phải vì quá nhiều vụ kỷ luật với hình thức “rút kinh nghiệm sâu sắc” hoặc “nghiêm túc rút kinh nghiệm” đã được công bố và kết quả là đương sự vẫn “đương” với mọi “sự” mặc dù trong bốn hình thức kỷ luật đảng viên chính thức (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ) không có hình thức “rút kinh nghiệm”?

Và như vậy có phải không ít trường hợp, pháp luật bị vô hiệu hóa bởi tấm áo choàng quyền lực hoặc bởi sức mạnh ngầm nào đó?

Nhận thấy rất rõ vấn đề nhức nhối này, trong buổi họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sáng 26/07/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng:

“Chúng ta đã có luật và làm theo luật, nhưng khi cần thiết và đòi hỏi của thực tế thì sửa luật, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết; đồng thời cũng phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng,...”. [3]

Ngày 13/06/2019, Nguyễn Thị Kim Anh, Phó phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng, trưởng đoàn thanh tra tại Vĩnh Phúc; Đặng Hải Anh, chuyên viên Phòng thanh tra xây dựng 2, thành viên đoàn đã bị bắt quả tang nhận hối lộ bằng tiền mặt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nêu ý kiến: “Hiện nay cả nước có hơn 90 triệu dân, trong đó có khoảng 5 triệu đảng viên, đảng viên đông nhưng không mạnh chính là vì chất lượng đảng viên,…”. [4]

Người xưa cho rằng “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, vậy nên muốn “hạ” không loạn thì “thượng” phải chính.

Không khó để nhận thấy chiến dịch chống tham nhũng kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ 12 (năm 2016) đến nay được thực hiện theo phương châm “Đánh chuột giữ bình”, với quyết tâm chính trị cao nhưng các bước thực hiện được tính toán kỹ lưỡng nhằm vừa xử lý tham nhũng, vừa bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội.

Việc gần 100 cán bộ diện trung ương quản lý bị kỷ luật cho thấy “thượng” đang “chính” hoặc ít nhất cũng là bắt đầu “chính”.

Vấn đề còn lại là phải ngay lập tức làm sao cho “hạ” hết “loạn”.

Bàn thêm về “người có tài năng”
Bàn thêm về “người có tài năng”

Làm sao mà tại tỉnh Thái Bình, suốt nhiều năm một băng nhóm giang hồ hoạt động ngang nhiên, đánh người gây thương tích ngay trong trụ sở công an lại không bị xử lý?

Làm sao ngay tại Bắc Giang, ngay vào năm 2020 này một doanh nghiệp nước ngoài - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxshase - ICT do ông Liang Jianzhou, Quốc tịch Trung Quốc làm Tổng Giám đốc đưa “chui” gần 700 người nước ngoài vào sinh sống, làm việc tại công ty, có hàng loạt hành vi phạm pháp luật Việt Nam, chống đối yêu cầu của chính quyền sở tại tỉnh Bắc Giang nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, trong khi các bộ phận thuộc chính quyền sở tại thì quanh co đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. [5]

Làm sao mà cuối năm 2019, khi không ít “củi khô, củi tươi, củi vừa vừa” đang bị đốt cháy phừng phừng thì “gần 400 đối tượng người Trung Quốc ngang nhiên biến khu đô thị Our City, quận Dương Kinh (Hải Phòng) thành “thánh địa” riêng để tổ chức đường dây đánh bạc trong thời gian dài đã dấy lên sự lo ngại về công tác quản lý của chính quyền thành phố Hải Phòng”. [6]

Sau những gì truyền thông đăng tải, liệu rồi đây những người “cầm cân nảy mực” tại các địa phương liên quan đến các vụ việc “đã bị lộ” hoặc “sẽ bị lộ” có bị xử lý hay chỉ vài cán bộ cấp “tham nhũng vặt” được yêu cầu “nghiêm túc rút kinh nghiệm”?

Cách duy nhất để “dưới” trở nên mạnh không phải là quyết tâm chính trị mà là hành động cụ thể của “trên”.

Việc quy hoạch nhân sự khóa 13 cho các chức danh chính quyền trung ương từ cấp Thứ trưởng trở lên, Bí thư và Chủ tịch cấp tỉnh cho thấy hoạt động của Đảng đã bao hàm ý nghĩa hành pháp.

Vậy nên việc tách bạch kỷ luật đảng với xử lý theo luật có làm chậm trễ quá trình phòng chống tham nhũng?

“Gieo nhân nào gặt quả nấy”, nếu “nhân kỷ luật” nhẹ hều như hạt lép, hạt nổi chắc chắn sẽ cho “quả cán bộ” nhờn kỷ luật. 

Và cuộc chiến chống giặc nội xâm (tham nhũng) kéo dài hàng thập kỷ chưa đến hồi kết có phải có một phần nguyên nhân từ chính các vụ kỷ luật cán bộ?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/de-dau-tranh-phong-va-chong-tham-nhung-hieu-qua-119734

[2] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/huyen-no-50-ty-xin-xay-tuong-dai-20-ty-chu-tich-thanh-hoa-len-tieng-639413.html

[3] https://nhandan.com.vn/chinhtri/item/40999902-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-hop-phien-thu-16.html

[4] https://moha.gov.vn/nghi-quyet-tw4/tin-noi-bat-nqtw4/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-dang-vien-it-ma-tot-con-hon-dong-khong-manh-40170.html

[5] https://dantri.com.vn/ban-doc/gan-700-nguoi-nuoc-ngoai-chui-tai-doanh-nghiep-trung-quoc-xu-ly-ra-sao-20200507072247798.htm

[6] https://vietnamfinance.vn/nhieu-dau-hoi-lon-quanh-vu-danh-bac-nghin-ty-o-hai-phong-20180504224226965.htm

Xuân Dương