Các trường học từ bậc mầm non đến đại học đã tích cực chỉ đạo hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, chú trọng giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống cho học sinh.
Giáo dục trẻ từ những câu chuyện và trải nghiệm thực tế
Tại các trường tiểu học ở Đà Nẵng hiện nay đều triển khai các mô hình, chương trình giáo dục học sinh tham gia “bảo vệ môi trường xanh” hay “vì mái trường xanh”.
Chuyến tham quan thực tế tại các di tích lịch sử của học sinh Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: NH |
Thông qua những câu chuyện về thu gom, tận dụng rác thải, những cuộc thi vẽ tranh… các thầy cô muốn gửi gắm vào trong đó những thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường sống trên hành tinh đến với mỗi học sinh.
Là ngôi trường đầu tiên của Đà Nẵng được trao chứng nhận “Trường học xanh”, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) chia sẻ, bên cạnh cung cấp cho các em những kiến thức về khoa học, địa lý, lịch sử… thì việc giáo dục đạo đức, lối sống, cách hành xử của các em với môi trường xung quanh cũng được nhà trường chú trọng.
Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất là ý thức vệ sinh lớp học, sân trường để tạo ra bầu không khí thoải mái, xanh – sạch – đẹp.
“Ngay từ cổng trường, nơi đón các em mỗi ngày được các thầy cô chăm chút, trồng nhiều cây xanh, bồn hoa... Trước mỗi lớp học, giáo viên cũng khuyến khích học sinh tham gia chăm sóc các chậu cây để tạo ra không khí xanh cũng như thức bảo vệ cây, không xả rác ra môi trường.
Vào mỗi dịp lễ, tết, nhà trường cũng phát động các chương trình trồng – bảo vệ cây xanh do chính các em học sinh thực hiện. Dù chỉ với mỗi hành động nhỏ nhưng cũng đã làm thay đổi ý thức của các em.
Nếu như trước đây, nhiều cây xanh bị bẻ cành, ngắt hoa… thì nay không có hiện tượng đó nữa”, cô Nguyệt cho biết.
Cũng theo cô Nguyệt, thì trong chương trình học của nhà trường luôn có những chuyến tham quan, học tập các địa điểm di tích, văn hóa lịch sử trên địa bàn thành phố.
Thông qua những chuyến đi đó, các em sẽ được giáo dục về những nét văn hóa truyền thống lâu đời của cha ông cũng như cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ từ ngàn đời nay của người Việt.
“Nhà trường vừa tổ chức một chuyến đi cho khối lớp 3 đến di tích Lịch sử văn hoá Quốc gia Nghĩa Trủng Khuê Trung, nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, nhà trưng bày Hoàng Sa…
Chương trình thu gom rác thải, giấy loại của Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Đà Nẵng). Ảnh: NHN |
Đây là chương trình học kết hợp lý thuyết và trải nghiệm nhằm tạo ra hứng thú cho các em khi tìm hiểu về các sự kiện lịch sử quan trọng của thành phố và đất nước. Không còn những giờ học khô cứng, những chuyến tham quan này sẽ giúp các em nắm vững kiến thức một cách chủ động hơn.
Và tình yêu quê hương đất nước được truyền đạt qua những câu chuyện như vậy chứ không chỉ có những dòng chữ trên sách giáo khoa”, cô Nguyệt cho hay.
Từ đầu tháng tư đến nay, Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã triển khai chương trình thu gom rác thải nhựa, giấy vụn, vỏ lon… đổi lấy quà tặng thu hút sự tham gia của nhiều học sinh, phụ huynh.
“Món quà nhỏ tặng các bạn cũng chỉ là những bịch khẩu trang hay những cục tẩy, hình dán ngộ nghĩnh… nhưng lại thu hút, động viên các em cùng hưởng ứng, tham gia.
Thông qua đó, nhà trường muốn truyền tải một thông điệp về ý thức phân loại rác thải, tạo thói quen chung tay bảo vệ môi trường”, thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Truyền cảm hứng sống, hy sinh vì cộng đồng
Trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, khi chứng kiến hàng ngàn người dân từ các tỉnh phía Nam chạy xe máy về quê “lánh dịch” trong đêm, Đoàn trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã phát động lời kêu gọi cùng chung tay hỗ trợ đồng bào trên chặng hành trình hồi hương nhọc nhằn.
Sinh viên Đại học Đông Á tham gia hỗ trợ người dân trên chặng hành trình về quê trong đại dịch. Ảnh: AN |
Anh Lê Đình Lượng - Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Đông Á chia sẻ, khi nhìn thấy cảnh đồng bào bất chấp gian khổ, nguy hiểm để trở về quê khiến ai cũng xúc động, thương cảm. Biết bao nguy hiểm rình rập trên con đường thiên lý ấy.
“Trong thời điểm ấy, bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất, nhà trường cũng muốn cho các bạn sinh viên thấy được trách nhiệm của mình trước khó khăn của xã hội.
Chỉ một vài giờ sau khi lời kêu gọi được phát đi, chúng tôi đã nhận được hàng trăm lá đơn tình nguyện tham gia đội cứu hộ xuyên đêm”, anh Lượng cho biết.
Giữa những cơn mưa rét trên đỉnh Hải Vân Quan, đội SOS sinh viên Trường Đại học Đông Á trong bộ bảo hộ kín mít đã lập trạm sửa chửa xe máy lưu động ngay giữa đỉnh đèo.
Những chiếc xe máy sau khi đã chạy gần 1.000 cây số được đưa vào bảo dưỡng, thay thế phụ tùng. Chỉ trong một đêm, đội SOS đã cứu hộ cho gần 400 xe máy.
Đứng bên cạnh các bạn sinh viên tình nguyện là những thầy cô của Trường Đại học Đông Á tham gia hỗ trợ với 1.000 suất cơm, 1.200 chai nước uống loại lớn, 500 áo mưa, 20 thùng mì tôm… gửi đến bà con, "tiếp sức" trên hành trình về quê tránh dịch kéo dài cả ngàn km của người dân.
Theo anh Lượng, trong những giai đoạn dịch bệnh phức tạp, Đoàn trường đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ sinh viên và người dân gặp khó khăn như: dự án “Xe nước mía yêu thương gửi tuyến đầu chống dịch” với hơn 500 ly nước mía gửi đến các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch. Gửi sinh viên đến tham gia chống dịch tại các bệnh viện, khu cách ly…
“Thông qua những hoạt động tình nguyện ấy, nhà trường muốn gửi gắm một thông điệp mạnh mẽ đến các bạn sinh viên là hãy sống cống hiến vì cộng đồng”, anh Lượng cho hay.
Trong báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Theo đó, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ triển khai thực hiện các nhiệm vụ như tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”;
Phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 05/3/2022 phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030”;
Ban hành Kế hoạch số 585/QĐ-BGDĐT ngày 28/02/2022 về việc triển khai Quyết định số 1895 trong ngành Giáo dục; Kế hoạch số 227/KH-BGDĐT ngày 07/3/2022 về việc tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 1895.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai quy định về công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong Luật Giáo dục 2019, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.