Nhiều cơ hội làm việc lâu dài, ngành điều dưỡng vẫn "khát" nhân lực

26/12/2022 06:38
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo đánh giá của các trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe, điều dưỡng là một trong những nghề “khát” nhân lực nhất hiện nay.

Sinh viên ngành điều dưỡng với cơ hội việc làm cao khi ra trường

Chia sẻ tại buổi hội nghị “Đào tạo điều dưỡng và kỹ thuật y học trong bối cảnh hội nhập và phát triển” diễn ra ngày 24/12, Tiến sĩ Vũ Văn Đẩu, Trưởng khoa Điều dưỡng - Hộ sinh, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định nhấn mạnh, ngành điều dưỡng là một nhánh quan trọng trong nhóm ngành Y tế - Sức khỏe nói chung, và là một thành phần xương sống trong hệ thống y tế cộng đồng.

Tiến sĩ Vũ Văn Đẩu, Trưởng khoa Điều dưỡng - Hộ sinh, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Doãn Nhàn

Tiến sĩ Vũ Văn Đẩu, Trưởng khoa Điều dưỡng - Hộ sinh, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Doãn Nhàn

Một điều dưỡng viên có thể làm việc ở nhiều vị trí công việc và đóng nhiều vai trò quan trọng, ở nhiều môi trường y tế và chăm sóc sức khỏe khác nhau như bệnh viện, nhà dưỡng lão, các cơ sở chăm sóc đặc biệt dành cho người già, người tàn tật, các trung tâm vật lý trị liệu,... hay các môi trường học thuật trong vai trò giảng dạy, nghiên cứu, làm chính sách...

Theo báo cáo của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, tỷ lệ sinh viên nữ ngành điều dưỡng chiếm 80%, gấp 4 lần nam sinh viên. Ở một góc độ nào đó thì điều dưỡng nữ phù hợp với nghề hơn so với điều dưỡng nam.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên điều dưỡng của khối đại học chính quy có việc làm trong vòng 6 tháng là 75%; trong vòng 12 tháng là 81% và sau hơn 12 tháng tốt nghiệp là 84%. Đây là tỷ lệ cao so với mặt bằng chung của cả nước, chứng tỏ nhu cầu của xã hội đối với sinh viên tốt nghiệp ngành điều dưỡng là khá cao.

Tuy nhiên, tỷ lệ làm việc tại các cơ sở y tế công lập của nhân lực ngành điều dưỡng đang có xu hướng giảm dần theo các năm. Trong khi đó, tỷ lệ làm ở các phòng khám tư nhân, liên doanh với nước ngoài tăng lên.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành điều dưỡng có cơ hội việc làm rộng mở như: làm việc tại các bệnh viện từ trung ương đến địa phương hoặc tại các trạm y tế, các bệnh viện phòng khám tư nhân; nhân viên tư vấn, chăm sóc sức khỏe; tham gia vào tổ phòng chống dịch bệnh tại các địa phương; làm việc có liên quan tới các lĩnh vực y tế; quản lý và chịu trách nhiệm trong việc bảo quản dược phẩm, các thiết bị phòng y tế; cán bộ điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe trong các viện dưỡng lão…

Những ưu thế nổi trội khi theo học ngành điều dưỡng

Cũng theo Tiến sĩ Vũ Văn Đẩu, khi theo học ngành điều dưỡng, người học sẽ nhận được nhiều quyền lợi.

Theo đó, khi theo học ngành điều dưỡng, người học sẽ được tiếp xúc với những kiến thức y học từ cơ bản đến nâng cao hằng ngày, cùng với thực hành những biện pháp chữa trị và chăm sóc sức khỏe.

Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Trà My

Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Trà My

Những kiến thức này không chỉ bổ trợ trực tiếp cho chuyên môn nghiệp vụ mà còn giúp người học có thêm hiểu biết và kỹ năng để chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.

Bên cạnh đó, so với các nhóm ngành khác như công nghệ hay truyền thông là luôn tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ để có thể “thay máu” các quy trình, đưa ra những sáng kiến mới mẻ giúp tăng năng suất và chất lượng công việc với tốc độ đào thải cao, tuổi thọ nghề thấp, dẫn đến tình trạng nhiều người thất nghiệp sau tuổi 30 do khả năng sáng tạo dần trở nên hạn chế thì điều dưỡng và nhóm ngành y tế sức khỏe nói chung khá ổn định và an toàn.

Bên cạnh đó, do đặc thù liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người nên những người theo học thường được đào tạo đặc thù hơn, cung không đủ cầu nên tính cạnh tranh và sự đào thải thấp hơn so với nhiều ngành khác.

Mặt khác, thầy Đẩu cũng cho biết, theo các báo cáo mới đây, thực trạng thiếu hụt điều dưỡng Việt Nam nói riêng và các nước phát triển như Anh, Nhật, Úc,..đang ở mức độ đáng báo động.

Qua đó, có thể thấy ngành nghề điều dưỡng đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng trên toàn cầu, mở ra cơ hội việc làm lớn cho các bạn sinh viên đang hoặc sắp theo học ngành này.

Cũng theo Trưởng Khoa Điều dưỡng - Hộ sinh Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, ngành điều dưỡng là ngành nghề mang lại mức lương vô cùng hấp dẫn cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, ngành điều dưỡng đã được tạp chí Entrepreneur (Mỹ) xếp vào Top 10 xu thế ngành nghề hot và quan trọng của thế giới.

Hướng tới xây dựng bệnh viện không tường

Cũng chia sẻ về những định hướng phát triển của khối ngành khoa học sức khỏe nhà trường tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Ngọc Hoạt, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Phenikaa cho biết, khối ngành khoa học sức khỏe của trường đã và đang được đầu tư thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh với vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng từ năm 2021.

Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Ngọc Hoạt, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Phenikaa chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Trà My

Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Ngọc Hoạt, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Phenikaa chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Trà My

Trải qua 12 năm hình thành và phát triển, bắt đầu từ một khoa điều dưỡng năm 2010, đến nay, khối ngành khoa học sức khỏe của trường đã có 5 mã ngành đào tạo gồm: Điều dưỡng, Dược, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật xét nghiệm Y khoa và Y khoa.

Trường cũng đang mở thêm mã ngành đào tạo răng hàm mặt và dự kiến sẽ mở thêm mã ngành y học cổ truyền.

Tại hội nghị, thầy Hoạt nhấn mạnh, Phenikaa là một trường đại học đa ngành, mặc dù còn non trẻ, nhưng có tốc độ phát triển rất nhanh với lộ trình rõ ràng. Do đó, trường đã đặt ra những mục tiêu để phát triển mạnh mẽ trong tương lai như:

Trường mong muốn lọt vào top 100 trường đại học hàng đầu châu Á vào năm 2035;

Các khoa của khối ngành Khoa học sức khỏe đang phấn đấu để có thể cung cấp nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu (điều dưỡng và kỹ thuật y học);

Trường sẽ đầu tư bệnh viện theo mô hình bệnh viện không tường với các cấu phần bệnh viện, phòng khám thông minh, chăm sóc sức khỏe tại nhà có kết nối y tế từ xa;

Đề xuất mô hình bệnh viện không tường của Trường Đại học Phenikaa

Đề xuất mô hình bệnh viện không tường của Trường Đại học Phenikaa

Trường cũng đang thành lập Trung tâm Đào tạo theo nhu cầu xã hội, trong đó có đào tạo điều dưỡng cho chăm sóc sức khỏe tại nhà, đào tạo cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Giáo sư Hoạt cũng chia sẻ về các định hướng trong đào tạo điều dưỡng, kỹ thuật y học của Phenikaa và các cơ hội hợp tác của trường.

Trà My