Nhiều giáo viên mong đề Ngữ văn chính thức có độ phân hóa cao hơn đề tham khảo

03/04/2021 06:01
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề tham khảo môn Ngữ văn không có được sự mới mẻ, bất ngờ, điều vốn luôn là những thách thức thú vị cần có của mỗi kì thi.

Ngày 31/03/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Đối với đề Ngữ Văn, cô Nguyễn Thị Lĩnh, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Bình cho biết cấu trúc không có gì thay đổi so với các năm trước.

“Phần Đọc hiểu 3 điểm, phần Làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm”.

Về phần đọc hiểu:

2 câu đầu chỉ dừng lại ở nhận biết: “Câu 1 yêu cầu nhận biết về một yếu tố hình thức của ngữ liệu. Câu 2 yêu cầu nhận biết về một yếu tố nội dung của ngữ liệu. Với 2 câu này, học sinh dễ dàng đạt điểm tối đa”.

Câu 3, học sinh phải sử dụng các kiến thức về tu từ nghệ thuật và những kiến thức về địa lý, văn hóa, bản sắc,… để phân tích mối liên quan giữa hình dáng địa lý miền Trung với tình cảm người dân ngọt ngào, sâu nặng,…

Câu 4, là câu hỏi thể hiện kiến thức tổng hợp của học sinh. Học sinh áp dụng những kiến thức tổng hợp đó để phân tích tình cảm của tác giả với mảnh đất miền Trung tươi đẹp nhưng cũng đầy khó nhọc.

Phần làm văn: vẫn như vậy, vẫn 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của vấn đề trước, đó là: “Trình bày suy nghĩ của anh, chị về sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách”.

Phần nghị luận văn học: Sự phân hóa rõ nhất thường nằm ở câu nghị luận văn học, nhưng câu nghị luận văn học của đề năm nay, vấn đề đặt ra cũng không quá phức tạp, vẫn là phân tích đối tượng trong văn bản văn học lớp 12, sau đó làm rõ vấn đề nào đó trong văn bản đó”, cô Lĩnh phân tích.

Theo cô Lĩnh, nếu đề minh họa giống với đề thi chính thức thì độ phân hóa không quá nhiều, thiếu sự bất ngờ, mới mẻ.

Đồng tình với cô Lĩnh, một thầy giáo tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm cho rằng: “Nếu đề thi chính thức cũng giống như đề minh họa này thì tôi dự đoán sự chênh lệch chỉ khoảng 1, 2 điểm thôi.

Tuy nhiên, tôi mong đề chính thức sẽ có sự phân hóa rõ ràng hơn so với đề minh họa này, điều đó sẽ góp phần giúp cho các trường đại học có được công cụ để tuyển sinh được những học sinh chất lượng”.

Thầy giáo này cũng cho biết thêm, căn cứ vào đề minh họa này, trong thời gian 3 tháng còn lại, học sinh cần phải nắm thật chắc các kiến thức cơ bản:

“Thứ nhất, với văn bản đọc hiểu: phải nắm vững được kiến thức về tiếng Việt. Ví dụ những câu hỏi cơ bản về phương thức biểu đạt, phương thức lập luận, phong cách ngôn ngữ,… đó là những kiến thức bắt buộc phải nắm chắc.

Thứ 2, nắm chắc được kỹ năng phân tích các biện pháp tu từ, các kỹ năng đọc hiểu văn bản, nắm bắt thông tin cũng như sử dụng thông tin trong văn bản đó”.

Đình Hùng