Nhiều hiệu trưởng lên tiếng về việc bỏ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên

06/03/2021 06:43
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chế độ phụ cấp thâm niên của giáo viên luôn là vấn đề được đông đảo thầy cô quan tâm. Nhiều ý kiến tâm tư về việc bãi bỏ phụ cấp này theo Luật Giáo dục 2019.

Thông tư 01, 02, 03 và 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bổ nhiệm, xếp lương cho giáo viên các cấp có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 đã khiến nhiều giáo viên có ý kiến tâm tư, bởi họ có thể bước vào cuộc “chạy đua” chứng chỉ nghề nghiệp để được thăng hạng.

Nếu không đạt được chứng chỉ nghề nghiệp,họ có phải gặp phải cảnh “giữ hạng hay tụt hạng” và có thể ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên hay không?

Đặc biệt, theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, sẽ không còn “phụ cấp thâm niên” đối với giáo viên từ ngày 01/7/2020, thay vào đó là chế độ tiền lương mới khi thực hiện cải cách tiền lương.

Do ảnh hưởng của Covid-19, việc thực hiện cải cách tiền lương đối với công chức, viên chức dự kiến được lùi lại đến 01/7/2022.

Tuy nhiên việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên như thế nào vẫn là điều các thầy cô giáo trăn trở.

Bày tỏ quan điểm về việc phụ cấp thâm niên cho giáo viên sắp tới sẽ cắt, thầy giáo Nguyễn Văn Thuận – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo (Lũng Táo, Đồng Văn, Hà Giang) cho rằng:

“Thực tế những giáo viên công tác lâu năm được hưởng phụ cấp lâu năm theo tôi là hoàn toàn xứng đáng.

Bởi đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn từ nhiều năm trước, khi kinh tế ở các địa phương còn nghèo mà các nhà giáo vẫn bán trụ cho đến hôm nay có thể nói đây là những hi sinh, cống hiến không hề nhỏ cho giáo dục nước nhà.

Hiện nay kinh tế xã hội đã phát triển, vậy có một chút đãi ngộ cho thầy cô giáo công tác lâu năm hoàn toàn hợp lý.

Cũng có ý kiến giáo viên già, có thái độ công thần, làm ăn hời hợt thì tôi nghĩ đây chỉ là những con số rất nhỏ của đội ngũ giáo viên, trong đó không chỉ là những giáo viên già. Mà cơ quan nào cũng có người này người khác vì cha mẹ sinh con trời sinh tính...

Việc bỏ phụ cấp có lẽ cần xem xét nhiều trường hợp cụ thể và đặc thù từng vùng miền, thời gian cống hiến… sẽ tốt hơn nếu cắt ngay lập tức”.

Nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng cao còn nhiều tâm tư về việc bỏ phụ cấp thâm niên. Ảnh minh họa: LC

Nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng cao còn nhiều tâm tư về việc bỏ phụ cấp thâm niên. Ảnh minh họa: LC

Thầy giáo Lò Văn Thại - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Tổng (Mường Tè, Lai Châu) cho rằng:

"Việc bỏ phụ cấp thâm niên nên có thời gian, lộ trình cụ thể và quy định từng đối tượng khác nhau.

Đối với các giáo viên công tác tại vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn thì việc bỏ phụ cấp thâm niên không chỉ gây thiệt thòi đối với giáo viên công tác lâu năm mà còn cả với cả những giáo viên trẻ.

Bởi, sự gắn bó với các giáo viên này ở các vùng khó khăn luôn không dễ dàng, bên cạnh đó, việc công tác tại vùng khó khăn, điều kiện cập nhật trình độ để nâng hạng... cũng sẽ là một vấn đề với giáo viên.

Cũng mong rằng các cấp, các ngành có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị triển khai, giải thích rõ cho giáo viên để giáo viên yên tâm công tác".

Cô giáo Lê Thị Hà - Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Thường (Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng:

“Hiện nay, đội ngũ giáo viên đại đa số rất trách nhiệm với nghề. Số người thiếu trách không nhiều. Đặc biệt, nhiều giáo viên cao tuổi trách nhiệm càng cao.

Với đơn vị tôi, người cao tuổi rất gương mẫu, nhiều kinh nghiệm và giúp đỡ giáo viên trẻ nhiều. Nên nếu có thâm niên nhà giáo thì đó là sự quan tâm của Chính phủ cho Ngành.

Mà thâm niên tính theo năm công tác thì rất công bằng. Còn vấn đề gì cũng có hai mặt. Nếu có thâm niên thì giáo viên vui và vui thì sẽ cố gắng. Quản lý sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm để quản lý các đối tượng, không lãng phí nguồn kinh phí của nhà nước”.

Cô giáo Nguyễn Thị Xuyến – Giáo viên trường Trung học cơ sở Ngư Lộc (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho rằng: “Việc bỏ phụ cấp thâm niên có lẽ các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét theo từng vùng miền cụ thể. Với nhiều giáo viên công tác lâu năm, khi áp dụng bỏ phụ cấp thâm niên ngay, áp dụng theo cách tính mới có thể khiến họ mất đi thu nhập hàng tháng. Do vậy có thể có nhiều tâm tư.

Với nhiều giáo viên lâu năm, nếu không hoàn thiện chứng chỉ để nâng hạng, có thể sẽ trở lại như giáo viên mới ra trường, điều này rất vô lý. Tạo ra những áp lực không nhỏ đối với họ”.

Một hiệu trưởng trẻ tại vùng khó khăn của tỉnh Bắc Giang chia sẻ:

“Theo ý kiến chủ quan của tôi, thứ nhất với vai trò quản lý đặc biệt đối với khu vực nhà trường là khu vực đặc biệt khó khăn, cá nhân tôi, rất mong muốn đời sống của anh em được tốt hơn để thầy cô có thể yên tâm công tác, gắn bó với sự nghiệp giáo dục nơi nhiều khó khăn.

Do vậy, việc tính toán phụ cấp thâm niên cho các giáo viên vùng khó cần có sự tính toán sao cho linh hoạt, hợp lý để giáo viên yên tâm công tác những vùng khó.

Mọi chủ trương của nhà nước đều có được bàn bạc thống nhất dựa trên tổng quan cả nước chứ không dựa trên một khu vực nào cả.

Với vai trò quản lý cũng như tất cả các cán bộ giáo viên, nhân viên chúng tôi đều tuân thủ các chủ trương, chính sách của nhà nước, tuy nhiên, cần sự tuyên truyền, chia sẻ hướng dẫn cụ thể của các Bộ ngành, các cấp để đơn vị áp dụng sao cho đúng, tránh sự thiệt thòi cho giáo viên có nhiều năm cống hiến”.

Trần Phương