Nhiều ngành ĐH Giao thông vận tải không GS, công tác đào tạo ảnh hưởng ra sao?

05/09/2023 06:26
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2022-2023, giảng viên có chức danh giáo sư chiếm số lượng rất nhỏ (khoảng 0,44%) trong tổng giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải.

Theo lãnh đạo Trường Đại học Giao thông vận tải, từ khi thực hiện Nghị định số 50/2022/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, nhà trường ghi nhận có sự giảm về chức danh giáo sư.

Theo báo cáo ba công khai của Trường Đại học Giao thông vận tải những năm gần đây, về đội ngũ giảng viên, dựa vào bảng số liệu dưới đây cho thấy, từ năm học 2019-2020 đến năm học 2022-2023, tổng số giảng viên của Trường Đại học Giao thông vận tải tăng lên. Tuy nhiên, giảng viên chức danh giáo sư giảm.

Tổng số giảng viên của Trường Đại học Giao thông vận tải qua các năm học gần đây. (Bảng: Ngọc Mai).

Tổng số giảng viên của Trường Đại học Giao thông vận tải qua các năm học gần đây. (Bảng: Ngọc Mai).

Tính từ năm học 2019-2020 đến năm học 2022-2023, số lượng giảng viên tăng 301 giảng viên.

Đáng chú ý, giai đoạn từ năm học 2019-2020 đến năm học 2020-2021, Trường Đại học Giao thông vận tải có số lượng giảng viên tăng đột biến: 221 giảng viên (tăng 37,26%). Sau đó, tổng số giảng viên này duy trì ổn định đến hết năm học 2021-2022. Sang năm học 2022-2023, số giảng viên tăng thêm 80 (tăng 9,82%), nâng tổng số giảng viên toàn trường lên 894 giảng viên.

Theo bảng thống kê trên cho thấy, số lượng chức danh giáo sư có biến động tăng, giảm ở từng khối ngành qua các năm học; chức danh phó giáo sư, học hàm tiến sĩ có xu hướng tăng qua từng năm học.

Cụ thể, số lượng giảng viên có chức danh giáo sư chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng giảng viên toàn trường, giữ ổn định (7 giảng viên học hàm giáo sư) từ năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022 và giảm xuống trong năm học 2022-2023.

Riêng năm học 2022-2023, số lượng giảng viên chức danh giáo sư của trường có tỷ lệ khoảng 0,44% trong tổng số giảng viên toàn trường. Con số này ở năm học 2021-2022 cũng chỉ chiếm 0,85% tổng số giảng viên toàn trường. Tương tự, các năm học trước, giảng viên chức danh giáo sư cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số giảng viên của Trường Đại học Giao thông vận tải.

Trường Đại học Giao thông vận tải có địa chỉ tại số 3 phố Cầu Giấy, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Mai).

Trường Đại học Giao thông vận tải có địa chỉ tại số 3 phố Cầu Giấy, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Mai).

Năm 2022-2023, số lượng giảng viên chức danh phó giáo sư chiếm khoảng 10,51% tổng giảng viên toàn trường.

Số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chủ yếu ở khối ngành V và khối ngành VII, khối ngành III không có giáo sư nào. Giữa khối ngành V và VII, số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở khối ngành V nhiều hơn.

Cũng theo quan sát bảng số liệu trên, những năm qua, khối ngành III không có giảng viên chức danh giáo sư. Trường Đại học Giao thông vận tải cũng không đào tạo trình độ tiến sĩ đối với các ngành thuộc khối ngành III. Trường chỉ đào tạo trình độ tiến sĩ đối với khối ngành V và VII. Đơn cử, năm học 2022-2023, quy mô nghiên cứu sinh khối ngành III bằng 0, khối ngành V là 102, khối ngành VII là 18.

Xét ở từng ngành đào tạo, năm học 2022-2023, ngành có 4 giảng viên học hàm giáo sư như: Kinh tế vận tải, Kinh tế xây dựng, Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.

Các ngành đào tạo có số lượng giảng viên học hàm phó giáo sư nhiều nhất như: Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật vận tải,...

Các ngành đào tạo không có giảng viên học hàm giáo sư, phó giáo sư như: Kỹ thuật nhiệt, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng,…

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, trước đây, tuổi nghỉ hưu của giảng viên nam trình độ tiến sĩ là 65, chức danh phó giáo sư là 67 và chức danh giáo sư là 70.

Cụ thể, theo Điều 9 Nghị định 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học ban hành ngày 24/10/2013 nêu rõ: “Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là 10 năm.”.

Tuy nhiên, ngày 2/8/2022, Nghị định số 50/2022/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành. Theo đó, trước đây giáo sư 70 tuổi về hưu thì theo Nghị định 50, giáo sư về hưu ở tuổi 65.

Do vậy, theo thầy Chương, số lượng giáo sư của trường giảm vì họ đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, để có được 1 giáo sư là cả quá trình cống hiến, xét duyệt, công nhận rất dài.

Thầy Chương cũng cho biết, 5 năm học vừa qua, nhà trường ghi nhận có sự giảm về số lượng chức danh giáo sư.

Hiện tại, trường có 4 giáo sư. Hết năm nay, nhà trường chỉ còn 2 giáo sư và dự kiến có thêm 1 giáo sư mới. Với số lượng giáo sư như vậy có sự ảnh hưởng nhất định đến việc hỗ trợ đào tạo, đào tạo thế hệ trẻ, và một phần trong nghiên cứu khoa học.

“Với những giáo sư về hưu, nhà trường ký hợp đồng thỉnh giảng để họ tiếp tục cống hiến, giảng dạy cho trường”, thầy Chương chia sẻ.

Cũng theo thầy Chương, việc trường đại học ít giáo sư và có ngành học “trắng giáo sư” là bình thường. Thực tế, Trường Đại học Giao thông vận tải vẫn có số lượng phó giáo sư tăng và đây là lực lượng giảng viên cao cấp, tham gia vào công tác giảng dạy chính của trường.

Nhà trường mong muốn và đề nghị những phó giáo sư đủ điều kiện thì tham gia xét để bổ nhiệm chức danh giáo sư. Ngoài ra, trường cũng động viên những thạc sĩ đi làm nghiên cứu sinh, tiến sĩ chuẩn bị các tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh phó giáo sư và phó giáo sư phấn đấu bổ nhiệm chức danh giáo sư.

Hiện tại, cơ chế tuyển dụng giảng viên cũng gặp khó khăn. Chỉ có sinh viên nào đam mê giảng dạy thì có nguyện vọng ở lại trường chứ gần như sinh viên tốt nghiệp đi làm ở ngoài để có mức thu nhập cao hơn.

“Nhà trường chưa thực hiện tự chủ hoàn toàn nên đội ngũ giảng viên vẫn phụ thuộc chỉ tiêu biên chế được giao. Trước đây, trường có hơn 1.000 biên chế, nhưng khi thực hiện tinh giản, nay trường còn hơn 900 biên chế”, thầy Chương cho biết.

Cũng theo báo cáo ba công khai của Trường Đại học Giao thông vận tải, trường thông tin về tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi như sau:

Theo bảng số liệu trên cho thấy, tổng tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu quy đổi qua từng năm học có biến động, trong đó giữ tương đối ổn định vào 2 năm học 2022-2023 và năm học 2021-2022.

Năm học 2021-2022, 2020-2021 và 2019-2020, khối ngành III có tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu nhiều nhất. Đến năm học 2022-2023, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu khối ngành VII nhiều nhất (chiếm 39,6%).

Tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu khối ngành III có xu hướng giảm dần, từ năm học 2019-2020 đến năm học 2022-2023 còn 14,92 (giảm 5,14).

Khối ngành V có xu hướng giảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu từ năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022, trong đó giảm mạnh vào năm 2020-2021 là 5,4419. Đến năm 2022-2023, khối ngành V lại tăng tỷ lệ sinh viên/giảng viên lên 13,90 (tăng 7,29).

Khối ngành VII có sự tăng, giảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu không đồng đều. Theo đó, từ năm học 2019-2020 đến năm học 2020-2021, tỷ lệ sinh viên/giảng viên giảm khoảng 14,34. Con số này lại tăng lên khoảng 14,33 vào năm học 2021-2022. Và giảm 0,78 tỷ lệ sinh viên/giảng viên vào năm học 2022-2023, đạt tỷ lệ 18,92 sinh viên/giảng viên.

Chi tiết các khối ngành đào tạo của Trường Đại học Giao thông vận tải như sau:

Khối ngành III: Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán

Khối ngành V: Toán ứng dụng, Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật giao thông, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ thuật Cơ điện tử, Kỹ thuật nhiệt, Kỹ thuật Cơ khí động lực, Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử - viễn thông, Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Kỹ thuật Robot và Trí tuệ nhân tạo, Hệ thống Giao thông thông minh, Kỹ thuật Môi trường, Kiến trúc, Kỹ thuật Xây dựng, Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông, Kinh tế Xây dựng, Quản lý xây dựng.

Khối ngành VII: Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành, Khai thác vận tải, Kinh tế vận tải, Kinh tế.

Ngọc Mai