Trong quá trình triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, bên cạnh nhiều thuận lợi và kết quả đáng ghi nhận, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học nhận thấy còn tồn tại một số bất cập.
Trong đó, có vấn đề liên quan đến phương thức đặt hàng từ địa phương, ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh, đào tạo của các trường, đặc biệt là với ngành sư phạm nghệ thuật, giáo dục thể chất.
Dừng tuyển sinh một số ngành vì không có đặt hàng từ địa phương
Đánh giá về Nghị định 116, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Quốc Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra những quy định phù hợp trong Nghị định 116 đó là: Cơ chế đặt hàng đào tạo theo nhu cầu thực tế của từng địa phương giúp tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu giáo viên cục bộ; Chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên sư phạm giúp thu hút học sinh giỏi vào ngành; Cam kết làm việc sau tốt nghiệp đảm bảo sinh viên sau khi ra trường phục vụ ngành giáo dục; Địa phương chủ động đặt hàng với các trường sư phạm giúp đào tạo sát với thực tiễn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chia sẻ cụ thể về vấn đề đặt hàng đào tạo giáo viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin, Nghị định 116 quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc xác định nhu cầu giáo viên và đặt hàng đào tạo với đơn vị đào tạo.
Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Giáo dục và Đào tạo với cơ sở đào tạo để đảm bảo nguồn nhân lực ngành giáo dục đáp ứng nhu cầu thực tế.
Năm 2023 và 2024, Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi công văn tới các địa phương (từ Đà Nẵng tới Cà Mau), chủ động liên hệ để có đặt hàng đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất. Tuy nhiên, đơn vị không nhận được thông tin đặt hàng sớm, ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh và đào tạo.
Một số địa phương chưa dự báo chính xác nhu cầu giáo viên giảng dạy Giáo dục thể chất trong tương lai, dẫn đến tình trạng đặt hàng không sát thực tế. Có địa phương đặt hàng với số lượng lớn nhưng chưa đảm bảo việc làm khi sinh viên tốt nghiệp, gây áp lực hoàn trả kinh phí cho sinh viên. Trường hợp sinh viên sư phạm không muốn trở về địa phương công tác như cam kết ban đầu là trở ngại trong quản lý và thực hiện chính sách.
Ngoài ra, công tác theo dõi, đánh giá việc thực hiện hợp đồng đặt hàng chưa được thực hiện đồng bộ giữa nhà trường và địa phương.
Cùng chung vướng mắc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: "Để thực hiện Nghị định 116, nhà trường đã chủ động liên lạc, gửi văn bản, thông báo về chương trình đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật và kế hoạch tuyển sinh đến các địa phương (trên cả nước) hàng năm nhưng chưa nhận được bất cứ đơn đặt hàng nào.
Trong khi nhu cầu của người học ngành Sư phạm Mỹ thuật tại trường cao (chỉ tiêu 25 sinh viên nhưng số thí sinh đăng ký dự thi gấp 5 - 6 lần).
Đây là thực tế, không chỉ riêng Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh mà còn đối với các trường đào tạo nghệ thuật nói chung, vì ngoài kỹ năng sư phạm, sinh viên còn có thể sáng tác và nghiên cứu nghệ thuật.
Do vậy, nên có quy định riêng đối với ngành sư phạm nghệ thuật và thể dục thể thao để thuận lợi hơn cho nhà trường và người học (người học tự chi trả học phí)".
Được biết, năm 2024, Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phải dừng tuyển sinh ngành Sư phạm Mỹ thuật do không có đặt hàng từ các địa phương.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa chia sẻ: "Trường Đại học Văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa là trường đại học công lập đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Nhà trường được Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cấp, ban ngành của địa phương đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 của Chính phủ.
Hàng năm, nhà trường đề xuất chỉ tiêu, sau đó Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh rà soát, xác định lại số lượng (thừa - thiếu) từng ngành và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về chỉ tiêu từng ngành học dự kiến giao cho nhà trường tuyển sinh, đào tạo.
Tuy nhiên, chỉ tiêu được giao so với nhu cầu xã hội tương đối ít. Năm 2024, có 2 ngành nhà trường không được giao chỉ tiêu là Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật.
Do ngân sách chi cho đào tạo sư phạm lớn, nhà trường rất chia sẻ với những khó khăn trong việc phân bổ ngân sách, phải phù hợp với thực tế thừa, thiếu giáo viên của địa phương. Tuy nhiên, Trường Đại học Văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa đang trong quá trình tự chủ đại học (hiện đã tự chủ về tài chính gần 60%), việc chỉ tiêu được giao ít cũng ảnh hưởng nhất định đến nguồn chi cho các hoạt động của nhà trường".

Tăng cường phối hợp giữa địa phương và đơn vị đào tạo
Theo Tiến sĩ Võ Quốc Thắng, mặc dù Nghị định 116 mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên vẫn cần một số điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế. Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần:
Linh hoạt hơn trong việc cam kết công tác sau tốt nghiệp: Cho phép sinh viên được đăng ký nguyện vọng làm việc ở nhiều địa phương khác nhau thay vì chỉ giới hạn theo địa phương cử đi học. Cân nhắc gia hạn thời gian tìm việc làm trước khi yêu cầu hoàn trả kinh phí hỗ trợ.
Cải thiện cơ chế xác định nhu cầu giáo viên: Tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương và đơn vị đào tạo để dự báo nhu cầu giáo viên chính xác hơn, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ. Có chính sách điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo linh hoạt theo nhu cầu thực tế.
Đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ: Đẩy nhanh quá trình xét duyệt hồ sơ và giải ngân kinh phí hỗ trợ cho sinh viên. Ứng dụng công nghệ để tạo hệ thống quản lý, theo dõi việc thực hiện chính sách minh bạch và hiệu quả hơn.
Tăng cường chính sách thu hút sinh viên sư phạm: Xây dựng các chương trình hỗ trợ việc làm sau tốt nghiệp để sinh viên yên tâm theo học. Mở rộng thêm các hình thức học bổng, hỗ trợ tài chính khác để tăng sức hút của ngành sư phạm.
Với vấn đề đặt hàng đào tạo giáo viên, Tiến sĩ Võ Quốc Thắng cho rằng, cần giải pháp để cải thiện sự phối hợp giữa địa phương và đơn vị đào tạo.
Đẩy nhanh quá trình ký kết hợp đồng đặt hàng bằng cách tăng cường trao đổi, làm việc sớm giữa các Sở Giáo dục và Đào tạo với đơn vị đào tạo để hoàn tất quy trình đặt hàng đúng thời hạn.
Cải thiện chính sách bố trí việc làm sau tốt nghiệp, địa phương cần có cơ chế linh hoạt để bố trí việc làm phù hợp với sinh viên sư phạm, tránh tình trạng không đủ vị trí tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.
Nhà trường và địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc theo dõi sinh viên sau tốt nghiệp để đảm bảo thực hiện đúng cam kết. Cần có chính sách hỗ trợ thêm cho sinh viên trong quá trình tìm việc làm để giảm tỷ lệ hoàn trả kinh phí do không tìm được việc làm phù hợp.
"Nếu những giải pháp này được triển khai hiệu quả, Nghị định 116 sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong việc đào tạo và phân bổ nguồn nhân lực giáo viên một cách bền vững" - thầy Thắng khẳng định.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí theo Nghị định 116, để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và thu hút sinh viên theo học ngành sư phạm, theo Tiến sĩ Võ Quốc Thắng, ngoài giải pháp cụ thể từ đơn vị đào tạo, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước, cụ thể:
Chính sách thu hút sinh viên: Ngoài miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí, có thể bổ sung chính sách học bổng cho sinh viên. Xây dựng chế độ đãi ngộ tốt hơn sau khi tốt nghiệp như hỗ trợ tiền thuê nhà, ưu tiên xét tuyển viên chức giáo dục đối với sinh viên sư phạm.
Cải thiện cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ giáo viên: Đơn giản hóa quy trình tuyển dụng giáo viên để sinh viên sư phạm có thể dễ dàng tiếp cận cơ hội việc làm. Có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với giáo viên công tác tại vùng khó khăn. Tạo lộ trình thăng tiến rõ ràng cho giáo viên, có cơ chế bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn thường xuyên.
Tăng cường đầu tư cho đơn vị đào tạo: Hỗ trợ kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư vào công nghệ giáo dục. Tạo điều kiện để các trường sư phạm hợp tác với các trường phổ thông trong đào tạo và nghiên cứu.
Thầy Thắng nói: "Bên cạnh chính sách hỗ trợ tài chính, việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, cải thiện môi trường học tập và có chính sách thu hút, đãi ngộ hợp lý sẽ góp phần thu hút thí sinh giỏi vào ngành sư phạm.
Nhà trường mong muốn các cấp, các bên liên quan có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên giảng dạy Giáo dục thể chất nói riêng trong tương lai".

Tiến sĩ Võ Quốc Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.
Đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 116, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục bày tỏ: “Cần có nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Nghị định 116 sau một thời gian triển khai, giúp các trường, nhất là các trường đại học đặt tại địa phương có cơ sở pháp lý thuận lợi hơn để triển khai thực hiện. Mục tiêu là hướng đến người học, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng cơ chế kiểm soát đầu ra. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 6, Nghị định 116, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng sẽ không phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.
Bài toán thu hồi kinh phí đào tạo và sinh hoạt phí nếu sinh viên không làm trong ngành giáo dục như thế nào, ai kiểm soát, cơ chế nào kiểm soát ra sao, nếu bồi hoàn thì đơn vị nào đảm nhận thu hồi kinh phí còn khó khăn, lúng túng".