LTS: Trước những câu chuyện về thưởng Tết của giáo viên, tác giả Trần Vũ cho rằng có nhiều nguồn để thưởng Tết cho giáo viên.
Điều quan trọng là phụ thuộc vào cái tài của người Hiệu trưởng. Theo tác giả, mức thưởng Tết là căn cứ đánh giá tài lãnh đạo của Hiệu trưởng nhà trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Trên báo Dân Việt ngày 13/1/2017 trong bài viết: “Tranh cãi: Giáo viên có cần có thưởng Tết?”, có đoạn:
“Có sản xuất, kinh doanh, có sản phẩm, quy ra tiền mới có thưởng; nghề giáo là một nghề đặc thù, sản phẩm là kiến thức cho học sinh - thứ không thể đo đếm được;
hơn nữa, giáo viên đã có 3 tháng nghỉ hè được hưởng lương; mỗi năm cũng có chút chế độ riêng của ngày 20.11, khai giảng năm học mới; các ngành khác làm gì có những điều này; thầy cô hãy coi đó là thưởng Tết, không nên than vãn".
Còn trên báo Giáo dục Việt Nam ngày 14/1/2017 trong bài: “33 năm đứng lớp chưa biết thưởng Tết là gì?”, có viết:
“Cuối năm, nếu quỹ Công đoàn còn dư thì nhà trường mua tặng mỗi giáo viên gói mì chính hay chai nước mắm gọi là gói quà động viên thầy cô dịp Tết đến Xuân về ”.
Vậy, chuyện thưởng Tết hằng năm ở các cơ sở trường học (từ mầm non đến trung học phổ thông), có đúng thực trạng như các Báo đã nêu không?
Thưởng Tết cho giáo viên phụ thuộc nhiều vào tài lãnh đạo của Hiệu trưởng nhà trường. (Ảnh minh họa trên vov.vn) |
Chưa tính, khoản trợ cấp Tết của UBND cấp Tỉnh, Thành phố; ở bất kỳ trường học nào từ vùng sâu, miền núi, hải đảo đến thành phố, thị xã đều có nguồn kinh phí được để lại cho hoạt động Công đoàn từ:
2% quỹ tiền lương của đơn vị và 1% đoàn phí của công đoàn viên và trong mục chi hoạt động phong trào có khoản chi động viên, khen thưởng
(Theo Quyết định số: 272/QĐ-TLĐ ngày 07/ 03/ 2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quy định về thu, chi, quản lý tài chính Công đoàn cơ sở).
Vì vậy, Công đoàn các trường học không thể không có quà Tết cho giáo viên.
Trừ các đơn vị trường học ở vùng sâu, miền núi, hải đảo, trường Mầm non và Tiểu học… các trường còn lại đều có nguồn thu dịch vụ: căn-tin và giữ xe học sinh.
Nguồn thu này khá lớn nhất là các trường ở thành thị, được nhà trường đưa Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Có trường quy định 50% trong tổng số thu để chi cho con người, trong đó có chi trợ cấp Tết cho giáo viên ít nhất 100.000 đồng/ người.
Thế nên, không thể có chuyện giáo viên trắng tay đón Tết, như ở trường Tiểu học Nguyễn Thi, quận 11, TP. Hồ Chí Minh (Báo Dân trí ngày 13/1/2017).
Tương tự như thế, bất kỳ trường học dù ở vùng, miền nào, thì hằng năm đều được ngân sách Nhà nước cấp theo dự toán và thu học phí theo quy định của UBND Tỉnh, Thành phố (trừ bậc Tiểu học).
Thế nên, các đơn vị trường học đều có nguồn kinh phí không phải nhỏ để chi thường xuyên và được đưa vào Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị
(theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp và Thông tư số 71/2006/TT- BTC ngày 09/8/2006 của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập có thu).
Trong Quy chế chi tiêu nội bộ, có nhà trường quy định mục chi: Ngày lễ, Tết, thăm hỏi, hiếu hỉ, trợ cấp khó khăn cho giáo viên; có trường quy định phân bổ 75% kinh phí tiết kiệm từ các khoản chi thường xuyên làm quỹ tăng thu nhập
để chia đều hoặc chia theo danh hiệu thi đua cho cán bộ, giáo viên và nhân viên vào dịp Tết Nguyên đán; có trường giáo viên được chia từ 5 – 10 triệu đồng/ người.
Khoản tăng thu nhập này, giáo viên được chia nhiều hay ít, tuỳ thuộc vào năng lực quản lý nhà trường của Hiệu trưởng, trong việc tiết kiệm các khoản chi thường xuyên như:
Điện, nước, điện thoại, vật tư văn phòng, hội nghị, tiếp khách; chống lãng phí trong mua sắm tài sản cố định, sửa chữa máy móc, thiết bị ; xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất…
Từ khi có Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, các cơ sở trường học tổ chức dạy tăng tiết (dạy 2 buổi/ ngày) trong nhà trường có thu học phí của học sinh.
Nguồn thu này cũng khá lớn ở những trường hạng 1; được đưa vào Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị; có trường quy định giáo viên trực tiếp dạy được hưởng 80% trên tổng số thu;
Có trường sử dụng 15% số thu còn lại chi cho sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất, chi hỗ trợ ngân sách nhà nước và sử dụng 5% để chi cho những người trực tiếp làm công tác quản lý thu, bao gồm: Hiệu trưởng, Hiệu phó, Giám thị.
Bảo vệ, Kế toán và Thủ quỹ, tất nhiên Hiệu trưởng được chi nhiều nhất; trong khi ở nhiều trường phần lớn khoản thu này do giáo viên chủ nhiệm trực tiếp thu qua lớp trưởng, đương nhiên khi mất mát giáo viên chủ nhiệm phải bồi thường, nhưng lại không được hưởng.
Thiết nghĩ Hiệu trưởng nhà trường cần dành một khoản trong 5% nguồn thu này để chi trợ cấp Tết cho giáo viên chủ nhiệm là hợp lý.
Ngoài ra, tất cả các đơn vị trường học, trường nào cũng có các khoản hoa hồng, bao gồm:
Mua sắm trang thiết bị, máy móc; mua văn phòng phẩm; thu hộ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể học sinh (giáo viên chủ nhiệm thu); mua học bạ, phù hiệu, đồng phục, quần áo thể dục cho học sinh; từ xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất…
Có trường các khoản hoa hồng này Hiệu trưởng, Kế toán và Thủ quỹ chia nhau hưởng;
Thiết nghĩ, Hiệu trưởng nhà trường phải đưa các khoản này vào Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị (Theo Nghị định số 68/2006/NĐ-CP ngày 18/7 /2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí); quy định trích % trên tổng số thu để thưởng Tết cho giáo viên.
Từ thực trạng trên đây, có thể khẳng định trong trường học dù ở địa bàn nào, ở bậc học nào, không phải không có nguồn để thưởng Tết (trợ cấp Tết) cho giáo viên và mức thưởng Tết là căn cứ đánh giá tài lãnh đạo của Hiệu trưởng nhà trường.
Bởi lẽ thưởng Tết dù ít, dù nhiều cũng ấm lòng thầy cô giáo mỗi dịp Xuân về Tết đến. Đó còn là động lực để họ ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.