Mong ước của thầy Bùi Nam về một năm học mới

25/08/2018 06:53
BÙI NAM
(GDVN) - Tôi rất mong chờ sự chuyển mình của chính những giáo viên, sự chỉ đạo điều hành kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ để có nền giáo dục "sạch".

LTS: Nhân dịp năm học mới, thầy giáo Bùi Nam chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của mình để hướng đến một nền giáo dục trong sạch và tốt đẹp hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hầu hết ở các địa phương đã chính thức bước vào giảng dạy chính thức từ giữa tháng 8 và chuẩn bị tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5/9 tới.

Năm học vừa qua là một năm học dù cũng có vài thành tích trong các kỳ thi quốc tế, nhưng sự thật lại có quá nhiều thị phi như vụ phụ Huynh ép cô giáo quỳ gối, nhiều vụ giáo viên bạo hành học sinh, giáo viên gạ tình, đổi điểm,… hay gần nhất là vụ giảng viên trường Luật bị tố cáo vi phạm giờ dạy, nhắn tin thiếu đứng đắn,…

Bên cạnh đó, việc chạy theo thành tích, chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước diễn ra công khai, lộ liễu và là căn bệnh trầm kha chưa có điểm dừng dẫn đến chất lượng thật của học sinh trên báo cáo thì rất cao, nhưng chất lượng thật thì rất khiêm tốn, nhiều học sinh ngồi nhầm lớp, khá nhiều học sinh thi vào lớp 10, hay kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia bị điểm liệt.

Năm học mới mong rằng mọi giáo viên đều sẽ làm những điều tốt nhất có thể cho học sinh. Ảnh minh họa: TTXVN
Năm học mới mong rằng mọi giáo viên đều sẽ làm những điều tốt nhất có thể cho học sinh. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc chạy theo thành tích, hám danh, hám lợi còn dẫn đến việc gian lận nghiêm trọng trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia, và cũng chưa biết khi nào kỳ thi mới trung thực, trong sạch.

Việc vi phạm dạy thêm, học thêm ngày càng nghiêm trọng hơn, trắng trợn hơn, thách thức các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục.

Bước vào năm học mới nhưng thật sự chưa thấy có sự đổi mới hay giải pháp quyết liệt để giải quyết các vấn đề trên.

Hay nói cách khác với những gì diễn ra, nhân dân và cả lực lượng giáo viên chưa thấy an tâm, chưa dám hy vọng về một nền giáo dục thay đổi theo hướng “sạch” hơn trong năm học mới này.

Giáo viên tâm huyết, thương yêu học sinh còn thiếu

Để có được nền giáo dục “sạch” thì trước hết phải từ lực lượng giáo viên.

Chính giáo viên đứng lớp là nhân tố quyết định thành, bại của giáo dục vào đổi mới phương pháp, giáo dục kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm, nhận thức,…

Nhưng phải nói thật rằng còn khá nhiều giáo viên không có tâm huyết, yêu nghề, hết lòng vì học sinh.

Nếu nói học sinh có cá biệt thì cũng có khá nhiều giáo viên “cá biệt”.

Mong ước của thầy Bùi Nam về một năm học mới ảnh 2

Trăm nỗi tơ vò đầu năm học mới của trẻ em nghèo phố biển

Nói không ngoa khi cho rằng có nhiều giáo viên “cá biệt” đó chính là những giáo viên luôn tìm mọi “thủ đoạn” từ xúc phạm thân thể, điểm số để o ép học sinh học thêm thu tiền làm giàu cho bản thân nhưng để lại hệ lụy vô cùng nguy hiểm cho nền giáo dục.

Nhiều giáo viên khác thì đến trường dạy kiểu “sống chết mặc bay”, dạy kiểu tới giờ thì đến lớp hết giờ ra lớp, học sinh biết, hiểu hay không mặc kệ, cuối năm bằng cách này hay cách khác cũng đạt mọi chỉ tiêu đề ra (đó chính là việc nâng điểm, cho điểm khống,…).

Những giáo viên trên làm việc theo kiểu “tàn tàn” không vi phạm nên hiệu trưởng không thể xử lý được.

Nhiều giáo viên khác thì luôn kêu ca, ca thán, than phiền về các chính sách giáo dục, hay sẵn sàng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với học sinh thậm chí với cả đồng nghiệp.

Một số giáo viên thì nguy hiểm hơn vi phạm pháp luật buôn ma túy, cờ bạc,…có giáo viên nữ còn bị bắt quả tang ở trong nhà nghỉ với trưởng phòng giáo dục ở Cà Mau, hay ở chung nhà nghỉ với cảnh sát giao thông ở Thanh Hóa,…

Một số giáo viên thì không chịu thay đổi, đổi mới phương pháp, cách thức tiếp cận công nghệ thông tin,…cho thấy dù cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở rất gần nhưng dạy học vẫn theo lối truyền thống 0.4.

Khi nào mới có giáo viên giỏi

Hiện nay cũng còn có rất nhiều giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề mang lại những thành tích cho ngành, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Nhưng quan trọng nhất là kỳ vọng vào tương lai sẽ có nhiều giáo viên giỏi hơn, tâm huyết hơn, thương yêu học sinh hơn có khả quan không?

Mong ước của thầy Bùi Nam về một năm học mới ảnh 3

Năm học mới đến rồi, các nhà quản lý, thầy cô, phụ huynh có ý kiến gì không?

Xin thưa là rất khó, vì ngoài việc vẫn còn đó một số giáo viên “cá biệt” thì tương lai của ngành sư phạm các năm nay khá đìu hiu, ảm đạm, năm vừa qua thì có nơi 9 điểm/ 3 môn đỗ sư phạm.

Năm nay có nâng điểm lên thì lại có rất nhiều trường sư phạm sạch bóng thí sinh, nhiều học sinh giỏi không chịu vào trường sư phạm.

Chúng ta đều biết sinh viên giỏi chưa chắc là thầy giỏi nhưng nếu sinh viên không giỏi thì dứt khoát không bao giờ có giáo viên giỏi, nên sau này rất khó tìm giáo viên giỏi nếu chúng ta không thay đổi để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.

Tôi thiết nghĩ không phải vì lý do bỏ miễn giảm học phí hay việc đề xuất tăng lương giáo viên sẽ khuyến khích học sinh vào trường sư phạm mà chính là môi trường sư phạm còn quá nhiều nỗi lo, thiếu sự an tâm, hay như việc còn hàng ngàn cử nhân sư phạm thất nghiệp, chế độ đãi ngộ giáo viên,…

Vài mong ước…

Năm học mới này, bản thân là giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy kiến thức và nhân cách cho học sinh, tôi rất mong chờ sự chuyển mình của chính những giáo viên trực tiếp đứng lớp, sự chỉ đạo điều hành kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ để có nền giáo dục “sạch” bắt kịp nền giáo dục tiên tiến của thế giới.

Tôi xin được phép nêu lên quan điểm cá nhân của mình về một số giải pháp để góp phần xây dựng nền giáo dục “sạch”, mọi giáo viên đều chăm lo và mong muốn làm mọi điều tốt nhất có thể cho học sinh.

Thứ nhất, tăng lương, tăng thời gian làm việc giáo viên 

Đây là vấn đề cốt lõi, mấu chốt của việc đổi mới không thể một giáo viên mới ra trường thu nhập 2,5 triệu đồng mà toàn tâm toàn ý lo cho giáo dục.

Khi đã tăng lương thì phải gắn với trách nhiệm, xử lý nghiêm sai phạm.

Mong ước của thầy Bùi Nam về một năm học mới ảnh 4

Nhà trường và những nỗi lo trước thềm năm học mới

Nhưng khi mà bộ máy còn cồng kềnh, thiếu hiệu quả không thể đòi hỏi tăng lương, muốn vậy chúng ta có thể tăng thời gian làm việc, tinh giản biên chế, giảm cấp trung gian để tăng lương giáo viên, nhất là lực lượng giáo viên mới ra trường, chỉ có tăng lương thì giáo viên mới toàn tâm toàn ý, chăm lo cho giáo dục và mang lại điều tốt đẹp nhất cho học sinh

Thứ hai, chấm dứt việc dạy thêm thu tiền

Khi nào mà nền giáo dục mà còn dạy thêm thu tiền học sinh thì nền giáo dục nó như thị trường mua – bán thì nền giáo dục không bao giờ tiến bộ, không bao giờ có sự công bằng trong học tập và nền giáo dục sẽ mãi mãi dậm chân tại chỗ.

Khi còn dạy thêm thu tiền thì khó mong giáo viên giữ được nhân cách, khi còn dạy thêm thu tiền thì không bao giờ có sự tôn trọng nghề, tôn trọng giáo viên của cha, mẹ học sinh và từ chính học sinh.

Tôi tin rằng khi chấm dứt việc dạy thêm thu tiền ngoài nhà trường thì nền giáo dục sẽ chuyển biến một cách tích cực, sẽ hạn chế rất nhiều giáo viên “cá biệt”, mọi giáo viên sẽ đều dồn tâm huyết cho việc dạy thật, học thật trên lớp.

Thứ ba, giữ nguyên hoặc giảm tuổi nghỉ hưu giáo viên

Trong giai đoạn đang đề xuất tăng tuổi hưu thì rất mong Quốc hội đưa quy định giáo viên là đối tượng đặc biệt có thể giữ nguyên tuổi hưu, có thể giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, trong thời đại công nghệ 4.0, giáo dục luôn luôn cần sự đổi mới, tươi tắn, không tăng tuổi hưu giáo viên chính là biện pháp làm cho nền giáo dục hiện đại, vận động và phát triển.

Mong ước của thầy Bùi Nam về một năm học mới ảnh 5

Không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới

Nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ kéo theo sự trì trệ, ì ạch,  việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện hiện đại đáp ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ khó thành hiện thực.

Thứ năm, phải xử lý mạnh tay giáo viên vi phạm

Giáo viên ở các nước trên thế giới được lựa chon rất khắt khe còn ở ta thì chưa được như thế, nhưng chúng ta có thể phải mạnh tay trong việc xử lý nghiêm vi phạm của giáo viên nhất là vi phạm dạy thêm học thêm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Chúng ta chỉ hô hào khẩu hiệu suông, hay kêu gọi thì mãi mãi giáo viên sẽ vi phạm, thậm chí tinh vi hơn.

Chỉ có xử lý nghiêm minh, cho ra khỏi ngành hay thậm chí khởi tố giáo viên nếu vi phạm nghiêm trọng là một trong những cách để trả lại nền giáo dục trong sạch.

Chúng tôi đang chờ đợi từng ngày sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để nền giáo dục không còn những sự việc nghiêm trọng, đáng tiếc trong thời gian qua để mang những điều tốt đẹp nhất đến cho học sinh, trẻ em cả nước và môi trường sư phạm là một trong những môi trường mà học sinh muốn vào học nhất, trường sư phạm phải có điểm chuẩn nằm trong tốp 5 hay ít nhất là tốp 10 trong các trường đại học.

BÙI NAM