Nhiều SV không chọn học ngành mầm non ở trường CĐSP vì ra trường lương thấp

10/04/2023 06:43
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với NĐ 116, nhiều ý kiến đề xuất cần các cơ chế cần rõ ràng để thực hiện việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ hiệu quả và sát thực tế hơn.

Sắp hết năm thứ 2, có nơi sinh viên cao đẳng sư phạm vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ

Thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, đối với Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, việc chi trả chi phí hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên được thực hiện khá nhanh chóng và kịp thời.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Ngọc Hiển - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tại tỉnh Nam Định, việc thực hiện chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm mầm non của trường đến nay đã qua 2 khóa. Các sinh viên đăng kí nhận hỗ trợ theo Nghị định 116 đều đã, đang và sẽ nhận được hỗ trợ theo đúng quy định. Tính đến nay, mọi thủ tục chi trả theo nhà trường ghi nhận đều được thực hiện rất nhanh chóng và kịp thời”.

Theo thầy Hiển, căn cứ vào số lượng tuyển sinh được hàng năm, nhà trường sẽ đề nghị tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ tương ứng và được tỉnh đưa vào kế hoạch giao ngân sách rất kịp thời. Năm 2021, trường tuyển sinh được 63 sinh viên, năm 2022 là 48 sinh viên. Trong đó, hầu hết tất cả các sinh viên đều đăng kí nhận hỗ trợ theo Nghị định 116, chỉ một vài em không đăng kí.

Ngược lại, tại Tây Ninh, mặc dù đã triển khai thực hiện Nghị định 116 (áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021-2022), tuy nhiên đến nay các sinh viên đăng kí hưởng trợ cấp theo diện này tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh - Thầy Lê Quang Phú cho biết, thời gian qua, phía tỉnh đang trong quá trình cân đối ngân sách thực hiện Nghị định 116 nên quá trình giải ngân có phần chậm trễ.

“Sắp tới đây nhà trường sẽ có cuộc làm việc với các sở, ban, ngành liên quan trong tỉnh để hoàn tất việc thanh toán tiền hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên. Trong năm nay chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành mọi thủ tục để chi trả kịp thời cho các sinh viên”, thầy Phú thông tin về tiến độ thực hiện.

Góp ý về việc thực hiện Nghị định 116, thầy Lê Quang Phú nhấn mạnh tới việc làm rõ những nội dung liên quan đến tuyển dụng và bồi hoàn kinh phí. Trong đó, chính sách đặt hàng đào tạo cần đồng bộ với các quy định về tuyển dụng và sử dụng, phân công công tác cho người học sư phạm sau khi tốt nghiệp.

Với quy định bồi hoàn kinh phí, đây là giải pháp giúp tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước bỏ ra khi đầu tư đào tạo nhân lực ngành sư phạm, tuy nhiên cần nghiên cứu lại các cơ chế thực hiện việc đền bù, bồi hoàn kinh phí.

“Học sư phạm từ trước đến nay đều có những chính sách riêng về học phí, như trước đây, người học không phải đóng học phí, đến hiện tại thì nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí... Với quy định của Nghị định 116, chúng ta cần nghiên cứu thêm các cơ chế để thực hiện việc xử lý bồi hoàn hiệu quả và sát thực tế hơn”, thầy Phú nêu đề xuất.

Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần có nghiên cứu, phối hợp tháo gỡ những khó khăn để đảm bảo việc thực hiện chi trả hỗ trợ cho sinh viên kịp thời, giúp người học yên tâm trau dồi chuyên môn.

Có chính sách hỗ trợ sinh viên, các trường cao đẳng sư phạm vẫn đau đầu bài toán tuyển sinh

Có các chính sách hỗ trợ và chi trả của tỉnh dành cho sinh viên sư phạm mầm non, tuy nhiên tình trạng tuyển sinh chật vật vẫn là bài toán nan giải của nhiều trường cao đẳng sư phạm hiện nay.

Quy mô đào tạo bị thu hẹp, tuyển sinh khó khăn khiến không ít trường cao đẳng sư phạm rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng. Một số đơn vị phải biệt phái giảng viên đến các trường trung học phổ thông do tình trạng dôi dư.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Ảnh: Fanpage nhà trường

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Ảnh: Fanpage nhà trường

Thầy Trần Ngọc Hiển - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định cho biết, hiện toàn trường chỉ đào tạo khoảng gần 200 sinh viên chính quy và vừa học vừa làm. Ngoài ra, trường cũng đang thực hiện việc liên kết đào tạo đạt chuẩn cho khoảng hơn 1000 giáo viên. Tuy nhiên, với số lượng giảng viên của đơn vị hiện nay đang là 90 người, nhà trường đang phải thực hiện biệt phái 15 giảng viên về dạy tại các trường trung học phổ thông để tránh tình trạng dôi dư, đảm bảo tất cả đội ngũ giảng viên đều có việc làm.

“Tuyển sinh đào tạo giáo viên mầm non ở Nam Định, nơi vẫn được gọi là "đất học" hiện giờ rất khó khăn khi các em học sinh phổ thông đều mong muốn học lên cao hơn, ít nhất là có trình độ đại học. Do vậy, hoạt động của nhà trường cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Giáo viên không có việc làm, phải kết hợp làm thêm ngoài để đảm bảo mức sống. Điều này cũng một phần dẫn tới tâm lý giáo viên không ổn định, động lực phấn đấu làm việc cũng bị giảm sút...", Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định trải lòng.

Với nguồn lực về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên hiện tại, thầy Hiển chia sẻ đơn vị rất mong muốn được tham gia vào công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên, góp sức vào công cuộc phát triển giáo dục chung của toàn ngành.

“Chúng tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm giao nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cho các trường cao đẳng sư phạm. Việc kết hợp nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng là giải pháp giúp đảm bảo duy trì ổn định hoạt động của các trường cao đẳng sư phạm trong bối cảnh hiện nay”, thầy Hiển nêu đề xuất.

Tương tự, ở Tây Ninh, nhu cầu giáo viên mầm non rất lớn, tuy nhiên hàng năm Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Theo thầy Phú, một trong những nguyên nhân chính của việc “tuyển sinh ế” này chính là chế độ lương và tính chất công việc giáo viên mầm non chưa tương xứng.

“Công việc giáo viên mầm non thật sự rất vất vả, giờ giấc làm việc cũng dài hơn so với giáo viên các cấp bậc khác. Do vậy, không có nhiều học sinh muốn theo học ngành sư phạm mầm non”, vị Hiệu trưởng chia sẻ.

So với thời điểm trước đây, quy mô hoạt động của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh đã bị thu hẹp nên đơn vị này cũng không tuyển bổ sung thêm giảng viên.

Công tác cán bộ được sắp xếp tinh giản dần theo hướng chỉ bổ sung những giảng viên ở các môn học cần thiết, ngược lại, đối với những giảng viên môn học cũ như Toán, Lý, Hóa,... khi đến thời hạn nghỉ hưu sẽ không tiến hành tuyển mới thêm nữa; Những giảng viên thiếu giờ giảng để hưởng lương theo quy định sẽ được nhà trường bố trí thêm công tác hành chính.

“Hiện nay lực lượng giảng viên tại trường không dôi dư quá nhiều, nhiều giảng viên đã nghỉ hưu, trường không tuyển mới thêm nữa. Chúng tôi chỉ tuyển bổ sung những giảng viên liên quan tới ngành mầm non là chủ yếu, ngoài ra không dám tuyển nhiều; trong quá trình đào tạo, khi cần thiết trường sẽ mời giảng viên thỉnh giảng để đảm bảo chương trình đào tạo”, thầy Phú cho biết.

Bắc Sơn