Điểm nghẽn của NĐ 116 là chưa đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp của SV sư phạm

01/04/2023 06:49
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực hiện Nghị định 116, nhiều địa phương vẫn lúng túng, chưa triển khai và điều đó đã làm chậm tiến trình hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng và nhà nước.

Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đã khẳng định: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế”; “Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm”; “Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm”; “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác”; “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.”

Có thể nói, Nghị quyết 29 đã chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, rất đúng và trúng đối với việc nâng cao chất lượng nhà giáo – lực lượng nòng cốt để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

Tháng 9/2020 sau 7 năm triển khai Nghị quyết 29, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (gọi tắt là Nghị định 116).

Có thể nói Nghị định 116 là một tín hiệu rất tích cực, góp phần thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như phát triển đất nước. Ngay sau khi ban hành, Nghị định đã được xã hội quan tâm và đánh giá rất cao; đồng thời số lượng và chất lượng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên đã có những cải tiến rất tích cực.

Để triển khai Nghị định 116, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng theo nhu cầu xã hội… song đến nay nhiều địa phương vẫn lúng túng, chưa triển khai và điều đó đã làm chậm tiến trình hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng và nhà nước.

Bất cập từ đâu?

Nghị định 116 quy định: “Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành”. Như vậy, ngân sách nhà nước là nguồn chi để hỗ trợ sinh viên sư phạm đã rõ.

Đối với danh mục ngành đào tạo giáo viên, năng lực của các cơ sở đào tạo sư phạm cũng đã được xác định, và dữ liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đầy đủ.

Vấn đề liên quan đến nhu cầu giáo viên đối với từng môn học, cấp học trong chu kì 4-5 năm của từng địa phương là hoàn toàn có thể đánh giá, dự báo được. Nghị định cũng hướng dẫn: “Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31 tháng 01 hằng năm và công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định và thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện tuyển sinh”.

Mục tiêu của Nghị định 116 là nhằm khớp nối cung - cầu trong đào tạo giáo viên và thu hút người giỏi vào phục vụ cho ngành giáo dục. Đó là chủ trương đúng và phù hợp với thực tế.

Nghị định ghi rõ "trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Thực hiện hoặc phân cấp thực hiện việc tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo trong các cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng viên chức”.

Việc hằng năm, căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên, xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm phù hợp nhu cầu sử dụng; Thực hiện công khai nhu cầu đào tạo giáo viên, kết quả giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với các cơ sở đào tạo giáo viên, kế hoạch tuyển dụng và bố trí vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục; Chi trả kinh phí thực hiện quyết định giao nhiệm vụ, hợp đồng đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo giáo viên theo đúng định mức…" là có thể thực hiện được.

Một vấn đề quan trọng cần quan tâm, đó là lâu nay, người học chưa mặn mà chọn sư phạm để học không phải là không còn người yêu nghề giáo nữa; cũng không phải do khó khăn về kinh tế để theo học sư phạm, mà cốt yếu vẫn là các em quan tâm đến việc làm sau khi ra trường. Học 4 năm ra trường có được tuyển dụng đi làm đúng với nghề mà mình được đào tạo hay không? Có Nghị định 116 mở ra cơ hội, nên sinh viên sư phạm đăng kí nhận tiền hỗ trợ là để một phần chia sẻ về tài chính, nhưng cái chính là đảm bảo niềm tin chắc chắn có việc làm đúng nghề sau khi ra trường, tức là được tiếp nhận và phân công nhiệm sở theo đúng ngành học.

Thế nhưng trong thực tế, vướng mắc cho địa phương cũng chính ở chỗ Nghị định 116 khẳng định với người học theo diện quy định, bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo trong các cơ sở giáo dục “theo quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng viên chức”.

Rõ ràng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên đã được các cơ sở đào tạo thiết kế, qua quá trình đào tạo và đánh giá. Sinh viên sư phạm tốt nghiệp tức là đã đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp để đi làm giáo viên. Địa phương có nhu cầu sử dụng nguồn lực mà mình đã “đầu tư” bằng ngân sách để đặt hàng, nay phải tổ chức tuyển dụng theo Luật Viên chức là chưa hợp lí và phát sinh thêm các vấn đề liên quan đến việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.

Vì là viên chức giáo viên nên nhà giáo phải chịu ràng buộc bởi 2 ngành Giáo dục - Đào tạo và Nội vụ. Trong thực tế, không phải nơi nào cũng có sự phối hợp tốt, đồng bộ của 2 ngành này cũng như thấu hiểu lĩnh vực nghề nghiệp của giáo viên, do đó, việc tham mưu của 2 ngành có thể không nhất quán và gây khó cho cấp có thẩm quyền quyết định cũng như đội ngũ nhà giáo.

Nên tách viên chức giáo viên để riêng ngành giáo dục quản lí

Chính vì vậy, để tháo gỡ vấn đề này cần đẩy nhanh việc ban hành Luật Nhà giáo, đồng thời nghiên cứu quy định lại việc quản lí nhà giáo; tách hẳn đội ngũ nhà giáo thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo quản lí; Cục Nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục là đầu mối duy nhất tham mưu về chế độ chính sách, quản lí chuẩn nghề nghiệp… Tất cả dữ liệu giáo viên, dự báo nhu cầu của các địa phương được tập hợp vào một đầu mối. Như vậy sẽ thuận lợi hơn trong quản lí cũng như tham mưu các chính sách “tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo…”

Tóm lại, quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”. Nghị định 116 ra đời là chủ trương rất đúng, cần nhất quán trong triển khai thực hiện từ trung ương đến địa phương.

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là trước mắt cải tiến công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giáo dục; tiếp đến là khẩn trương xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo, trình các cấp thẩm quyền để luật sớm được thông qua, nhằm thống nhất quản lí nhà nước đối với lực lượng quan trọng của quốc gia và đẩy nhanh hơn việc triển khai các chính sách lớn, có tính “ưu tiên đi trước” đã được khẳng định trong Nghị quyết 29-NQ/TW.

Hướng Sáng