Nhiều tâm tư của thầy cô gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

14/08/2023 09:37
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ trưởng gặp gỡ giáo viên để nắm bắt những tâm tư, lắng nghe những chia sẻ khó khăn sẽ là nguồn động viên, khích lệ giáo viên rất nhiều. 

Ngày 15/8, sẽ diễn ra chương trình: "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục - đào tạo năm 2023".

Lần đầu tiên người đứng đầu ngành giáo dục có buổi gặp gỡ như vậy, bản thân tôi là nhà giáo hết sức phấn khởi bởi người đứng đầu ngành giáo dục cả nước thực tâm muốn lắng nghe, trao đổi, chia sẻ cùng thầy cô để cùng nhau làm tốt nhất nhiệm vụ giáo dục. Điều này cũng cho thấy, khoảng cách giữa cơ sở và người đứng đầu Bộ đang ngày càng xích lại gần nhau hơn.

Được biết, buổi gặp gỡ sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu đặt tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và 63 tỉnh, thành. Buổi sáng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ gặp gỡ các cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non và phổ thông. Buổi chiều, Bộ trưởng trao đổi với cán bộ, giảng viên đại học.

Không được tham dự, nhiều giáo viên tâm tư

Tại tỉnh Bình Thuận, để chuẩn bị cho buổi gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Giáo dục ngày 15/8, ngành giáo dục yêu cầu, mỗi trường học các cấp đều tổ chức một điểm cầu cho giáo viên, nhân viên nhà trường cùng tham dự.

Khác với tỉnh Bình Thuận, nhiều giáo viên tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắc Nông lại không có cơ hội được tham gia buổi đối thoại này.

Cô giáo Lê Thắng, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn cho biết: “Công văn của phòng giáo dục nêu rõ thành phần tham dự là: cán bộ quản lý, các tổ/khối trưởng, đại diện giáo viên, nhân viên các đơn vị trường học trên địa bàn. Thế nên trường tôi có 31 giáo viên thì chỉ được 7 người tham dự (gồm có 2 cán bộ quản lý, 5 tổ trưởng chuyên môn).

(Ảnh giáo viên cung cấp)

(Ảnh giáo viên cung cấp)

Nhiều tâm tư muốn gửi tới Bộ trưởng

Cô giáo Mai Lan, giáo viên một trường tiểu học ở Tây Nguyên cho biết: "Bao nhiêu năm giảng dạy trong ngành giáo dục, đây là lần đầu tiên được tham dự buổi gặp gỡ cùng Bộ trưởng. Dù chỉ gặp trên cầu truyền hình nhưng chúng tôi cũng háo hức lắm".

Nhiều thầy cô giáo cũng cho biết, có rất nhiều tâm tư muốn được chia sẻ cùng người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo.

Một là, giáo án mới yêu cầu soạn quá dài. Dù là soạn trên máy tính không in ra nhưng giáo viên cũng phải mất quá nhiều thời gian để soạn đủ các bước. Trong khi lên lớp giảng dạy, nhiều thầy cô không cần nhìn vào giáo án.

Hai là, vấn đề hạng chức danh nghề nghiệp nên bỏ. Giáo viên cùng trình độ chuyên môn, cùng đảm nhận một công việc, cùng chịu những trách nhiệm như nhau nhưng người ở hạng cao, người lại hạng thấp trong khi nhiều thầy cô hạng cao chưa hẳn hơn giáo viên hạng thấp về năng lực, kỹ năng sư phạm và sự nhiệt huyết với nghề.

Việc xếp hạng giáo viên hiện nay đang mang nhiều sự hên xui, may rủi (do có bằng đại học trước đôi khi chỉ ít ngày, do địa phương thực hiện chuyển xếp hạng thường xuyên…) mà chưa thể hiện được năng lực, phẩm chất của người dạy xứng đáng ở thứ hạng ấy.

Ba là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học. Hiện, cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đáp ứng được nhu cầu của chương trình mới, đặc biệt là diện tích phòng học quá nhỏ, trong khi học sinh hiện nay đã phát triển chiều cao và cân nặng hơn rất nhiều.

Bốn là, Bộ cần xây dựng quy chế luân chuyển giáo viên, khuyến khích nhà giáo giảng dạy vùng sâu vùng xa có cơ hội được chuyển về gần nhà. Có những thầy cô hơn 20 năm đi dạy xa nhà, mỗi ngày phải chạy quãng đường hơn 100 km/ ngày nhưng không thể xin chuyển về gần nhà.

Năm là, xem xét lại việc giảng dạy tích hợp tại các trường trung học cơ sở hiện nay. Trong thực tế, không có nhiều thầy cô đảm nhận tốt việc giảng dạy tích hợp dù đã được đi học tập huấn và có chứng chỉ.

Nếu không có giải pháp hữu hiện về việc giảng dạy môn tích hợp, giáo viên vẫn mong được phân công môn nào vẫn giảng dạy môn đó như trước kia. Bởi, muốn chất lượng giáo dục đảm bảo thì thầy phải biết mười dạy một. Tuy nhiên hiện nay, không ít giáo viên giảng dạy môn tích hợp thú nhận chỉ biết một dạy một.

Sáu là, điều chỉnh định mức quy định làm thêm giờ đối với giáo viên. Hiện nay, nhiều địa phương thiếu giáo viên nên nhà trường phải phân công các thầy cô dạy tăng tiết.

Tuy nhiên, Điều 107 Bộ Luật Lao động số: 45/2019/QH14 quy định về làm thêm giờ: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm. Do đó, những giáo viên dạy trên 200 tiết không được chi trả số tiết đã dạy tăng.

Bảy là, Bộ cần điều chỉnh Khoản 3, Điều 6 Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Hiện, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xây dựng dạy 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần) nhưng quy định về định mức số lượng người làm việc vẫn chưa thay đổi.

Cụ thể, định mức cũ quy định 1.2 giáo viên/lớp đối với trường dạy 1 buổi/ngày, 1.5 giáo viên/lớp đối với trường dạy 2 buổi/ngày (nên nhiều trường dạy 2 buổi/ngày phải huy động phụ huynh đóng góp).

Chương trình mới bắt buộc học sinh học 2 buổi/ngày nên không thể thu tiền phụ huynh. Tuy thế, ngân sách nhà nước cũng không thể chi trả do khung định mức số lượng người làm việc vẫn không thay đổi (định mức giáo viên phải là 1.78/lớp mới đủ). Điều này, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục khi phân công chuyên môn và quyền lợi của giáo viên, học sinh bị đều bị thiệt thòi.

Tám là, ngành giáo dục cần bỏ các chỉ tiêu thi đua như hiện nay. Vì chỉ tiêu học sinh lên lớp, chỉ tiêu phổ cập mà một số học sinh yếu kém không có cơ hội được ở lại lớp. Điều này dẫn đến có những em phải nghỉ học giữa chừng vì không thể theo nổi việc học.

Chín là, nên tổ chức thi tuyển để chọn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có đủ năng lực quản lý và chỉ đạo chuyên môn. Điều này, sẽ khuyến khích nhiều thầy cô giáo nỗ lực bằng chính tài năng của mình.

Mười là, có chính sách thu hút, bố trí việc làm cho sinh viên sư phạm mới ra trường mà không phải vất vả xin việc như hiện nay. Có thế mới thu hút được học sinh giỏi vào ngành.

Hiện nhiều địa phương thiếu giáo viên. Tuy nhiên trong thực tế, để xin được một chân dạy hợp đồng lại không hề dễ dàng gì. Cùng với đó, đồng lương thấp nên nhiều học sinh giỏi không muốn vào sư phạm.

Trước thềm năm học mới, trước làn sóng nghỉ việc của nhiều thầy cô, việc Bộ trưởng gặp gỡ giáo viên để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, để lắng nghe những chia sẻ khó khăn mà nhiều nhà giáo đang gặp phải là nguồn động viên, khích lệ giáo viên rất nhiều. Mong rằng, sau buổi gặp gỡ Bộ trưởng, nhiều tâm tư của nhà giáo sẽ được tháo gỡ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết