Hiện nay, các cấp học phổ thông hiện nay được chia làm 3 cấp học, cụ thể: cấp Tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5; cấp Trung học cơ sở từ lớp 6 đến lớp 9; cấp Trung học phổ thông từ lớp 10 đến lớp 12.
Đối với 3 cấp học, giáo viên dạy cấp học nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Nếu như thuận lợi ở Tiểu học là học sinh còn nhỏ tuổi, các em dễ vâng lời thì khó khăn là giáo viên phải uốn nắn, giáo dục cho các em từng nét chữ, con số, dạy các em từ những hành động nhỏ nhất trong lớp học.
Sang cấp Trung học cơ sở, giáo viên đỡ phải vất vả hơn khi không phải cầm tay chỉ bảo từng nét chữ nhưng cấp học này, học sinh đang có sự chuyển biến về tâm sinh lí nên nhiều em rất ngang ngạnh, ương bướng.
Cấp Trung học phổ thông đã qua sàng lọc của kỳ thi tuyển sinh 10, các em đang ổn định về mọi mặt nên những nhận thức, cách ứng xử trong học tập với thầy cô giáo sẽ nhẹ nhàng hơn nhưng đây lại là lứa tuổi nhạy cảm, nhiều mộng mơ, nhất là các em đối mặt với kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học nên giáo viên luôn phải lo lắng để cùng các em vượt qua những khó khăn trong kỳ thi cuối cấp.
Nhìn chung, khó khăn sẽ đan xen với thuận lợi nhưng có lẽ giáo viên Tiểu học có phần vất vả và cực nhọc hơn giáo viên ở 2 cấp học còn lại. Chính vì thế, phụ cấp đứng lớp của cấp học này đã và đang cao hơn 2 cấp học còn lại- đây cũng là điều phù hợp.
Ảnh minh họa: Phạm Linh |
Cấp học nào sẽ học nhiều tiết nhất/tuần
Năm học 2022-2023 này, ngành Giáo dục đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 ở các lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.
Nếu so sánh với chương trình 2006 thì chương trình 2018 được giảm tải về số môn học, số giờ học nhằm tạo điều kiện học sinh lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường hoạt động thực hành, hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò.
Và, chương trình giáo dục phổ thông mới chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Đối với cấp Tiểu học, không tính môn tự chọn thì học sinh lớp 1, lớp 2 mỗi tuần các em học 25 tiết, cả năm sẽ có 875 tiết học; học sinh lớp 2 mỗi tuần có 28 tiết học, cả năm sẽ có 980 tiết. Học sinh lớp 4 và lớp 5 mỗi tuần học 30 tiết, cả năm sẽ học 1050 tiết. Mỗi tiết học ở cấp Tiểu học hiện nay có 35 phút.
Học sinh cấp Trung học cơ sở, không tính môn tự chọn, mỗi tuần học sinh lớp 6 và lớp 7 học 29 tiết, cả năm sẽ học 1015; học sinh lớp 8, lớp 9 sẽ học mỗi tuần 29,5 tiết, cả năm sẽ có 1032 tiết.
Sang cấp Trung học phổ thông, không tính các môn học tự chọn, mỗi tuần học sinh học 28,5 tiết, cả năm sẽ học 997 tiết. Các tiết học ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đều có 45 phút.
Như vậy, theo biên chế số tiết của chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh các lớp 1, 2, 3 và học sinh Trung học phổ thông đang có số tiết ít hơn (từ 25-28,5 tiết/ tuần).
Học sinh các lớp 4,5,6,7,8,9 có số tiết học trong tuần và trong năm nhiều hơn (từ 29-30 tiết/ tuần).
Việc học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 mới bước vào làm quen với những năm học đầu đời, hơn nữa, các em còn bỡ ngỡ, còn nhỏ tuổi thì việc học ít tiết hơn cũng là điều phù hợp nhưng việc để học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 mỗi tuần có từ 29- 30 tiết học (tương đương mỗi buổi 5 tiết) cũng đang gây ra những quá tải cho học trò.
Giáo viên các cấp học phổ thông đang dạy bao nhiêu tiết/ tuần?
Đối với từng lớp học, cấp học thì học sinh phổ thông đang có giờ học khác nhau nhưng giáo viên từng cấp học sẽ có định mức tiết dạy như nhau (không tính trường đặc thù hoặc kiêm nhiệm các chức vụ).
Theo hướng dẫn của các văn bản hiện nay, định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau: “Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết;
Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp Trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp Trung học phổ thông; Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp Trung học cơ sở;
Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp Tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp Trung học cơ sở.
Nếu giáo viên kiêm nhiệm thêm chức vụ chính quyền, đoàn thể thì được giảm trừ một số tiết theo quy định hiện hành.
Như vậy, nếu giáo viên dạy ở một trường bình thường, không phải là những trường đặc thù, không kiêm nhiệm chức vụ sẽ có số tiết, số thời gian cụ thể như sau: giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/ tuần, thời gian mỗi tiết học ở cấp tiểu học hiện nay là 35 phút/ tiết. Tổng số thời gian giảng dạy trên lớp của giáo viên tiểu học sẽ bằng: 23 (tiết)* 35 (phút)= 805 phút.
Giáo viên trung học cơ sở dạy theo định mức là 19 tiết/ tuần, mỗi tiết có thời gian là 45 phút nên thời gian giảng dạy hàng tuần là: 19 (tiết)* 45 (phút)= 855 phút. Giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/ tuần, thời gian mỗi tiết cũng 45 phút nên tổng thời gian giảng dạy mỗi tuần là: 17 (tiết)* 45 (phút)= 765 phút.
Như vậy, thời gian tương ứng với số tiết dạy mỗi tuần của giáo viên ở các cấp học phổ thông đang được thực hiện như sau: giáo viên tiểu học 805 phút; giáo viên trung học cơ sở 855 phút và giáo viên trung học phổ thông là 765 phút.
Điều này cho thấy, thời gian định mức giảng dạy của giáo viên Trung học cơ sở hiện nay đang nhiều nhất, hơn cấp Trung học phổ thông 90 phút- tương đương với 2 tiết dạy.
Giáo viên Tiểu học có số tiết nhiều hơn 2 cấp còn lại nhưng tổng thời gian vẫn ít hơn giáo viên Trung học cơ sở vì ở cấp Tiểu học mỗi tiết có 35 phút.
Hiện nay, chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo hiện đang được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật như Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với nhà giáo; Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg…
Theo đó, phụ cấp ưu đãi dành cho giáo viên Tiểu học là 35 %; giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đều đang hưởng 30%.
Chính vì thế, nếu so với 2 cấp học phổ thông khác, cấp Trung học cơ sở đang phải làm việc với thời gian nhiều hơn, thời khóa biểu giảng dạy phức tạp hơn vì cấp học này hiện chỉ có môn Toán, Ngoại ngữ và Thể dục là không có tác động nhiều bởi vẫn được dạy 1 môn học ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các môn học còn lại: Lí, Hóa, Sinh, Sử, Địa đã chuyển sang 2 môn tích hợp; các môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật phải dạy thêm Nội dung giáo dục địa phương nên tính phức tạp nhiều hơn. Giáo viên phải chuẩn bị nhiều giáo án, và nhiều tuần bị đẩy dồn tiết dạy dẫn đến việc nhiều giáo viên rất mệt mỏi.
Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Vì thế, giáo viên chúng tôi mong muốn Bộ nhìn thấy bất cập này để điều chỉnh số tiết, phụ cấp ưu đãi của giáo viên tương xứng giữa các cấp học với nhau.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.