Lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đối thoại với giáo viên cả nước về 3 nhóm vấn đề

12/08/2023 06:38
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối thoại trực tiếp với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành giáo dục của cả nước.

Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ gặp gỡ và đối thoại với các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo năm 2023.

Chương trình "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục - đào tạo năm 2023" được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu đặt tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và 63 tỉnh, thành.

Được biết, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối thoại trực tiếp với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành giáo dục của cả nước.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Bộ Giáo dục

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Bộ Giáo dục

Cuộc đối thoại thể hiện tính dân chủ trong ngành giáo dục

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, cuộc đối thoại do Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất. Cuộc gặp gỡ là một trong những hoạt động quan trọng hướng đến thực hành dân chủ trong ngành giáo dục.

“Trong xu thế hiện nay, việc thực hành dân chủ trong ngành giáo dục ngày càng được đề cao. Và Công đoàn Giáo dục Việt Nam có vai trò rất lớn trong việc thực hành dân chủ.

Cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với người lao động toàn ngành là một trong những nội dung quan trọng của việc thực hiện dân chủ”, ông Nguyễn Ngọc Ân nói.

Theo người đứng đầu Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn đứng về phía người lao động để tạo điều kiện cho người lao động gặp gỡ người đứng đầu ngành. Từ đó tạo diễn đàn để hai bên cùng chia sẻ, trao đổi về những vấn đề trong hoạt động của ngành.

“Thông tin tại cuộc đối thoại là những thông tin chính thức mang tính chỉ đạo chung giúp nhà giáo hiểu rõ những chủ trương của ngành”, ông Ân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cuộc đối thoại cũng là cơ hội để Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm bắt được thực trạng của việc chỉ đạo, vận hành giáo dục ở các địa phương thông qua những phản ánh trực tiếp của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ở cơ sở.

Trước thềm năm học mới, đặc biệt trong bối cảnh xã hội với các kênh thông tin đến với nhà giáo đa chiều như hiện nay, cuộc gặp gỡ đối thoại này có ý nghĩa rất quan trọng”, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam khẳng định.

Để chuẩn bị cho cuộc gặp này, ông Ân cho biết, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã khảo sát, lấy ý kiến trực tiếp giáo viên cả nước từ cấp bậc mầm non đến đại học bằng hình thức trực tuyến.

“Chúng tôi đã mở kênh lấy ý kiến trực tuyến nhằm giúp các nhà giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục có thể tự do trao đổi ý kiến, đề xuất, thậm chí đưa ra những phát hiện mà không phải thông qua nhà trường hay một bộ sàng lọc nào ở cơ sở. Các ý kiến đều được chuyển trực tiếp tới Công đoàn, vì vậy đảm bảo tính khách quan, trung thực và đáng tin cậy cho cuộc đối thoại”, ông Ân chia sẻ.

Lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam khẳng định, những ý kiến chia sẻ, thông tin cá nhân người gửi các ý kiến đến cuộc đối thoại chỉ có Công đoàn và Bộ trưởng nắm được.

6.200 ý kiến giáo viên gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Sau 1 tháng lấy ý kiến người lao động toàn ngành, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã nhận được 6.200 ý kiến gửi về. Theo ông Ân, các ý kiến đều bày tỏ sự hoan nghênh việc Công đoàn đã tạo ra diễn đàn đối thoại trực tiếp để người lao động được thể hiện ý chí và đặt các câu hỏi, ý kiến băn khoăn, trăn trở đến Tư lệnh ngành. Đây được xem là kênh đối thoại chính thống tự do đầu tiên mà người lao động được tiếp cận.

Nội dung các ý kiến chia sẻ tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính:

Nhóm ý kiến thứ nhất nêu thực trạng công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Bộ ở cấp cơ sở.

Nhóm ý kiến thứ hai chia sẻ các khó khăn, bất cập về chế độ chính sách, đời sống, việc làm, cũng như những bất cập, mối quan tâm của giáo viên với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở bậc phổ thông, tự chủ đại học. Cùng với đó, nhiều ý kiến đưa ra đề xuất, giải pháp.

Nhóm ý kiến thứ ba là các câu hỏi tới Bộ trưởng nhằm giải đáp vấn đề mà giáo viên đang băn khoăn giữa những luồng thông tin dư luận đa chiều, xin ý kiến giải pháp tháo gỡ những khó khăn phát sinh ở cơ sở,...

Theo chương trình đối thoại, sáng ngày 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ đối thoại với giáo viên bậc mầm non, phổ thông. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng gặp gỡ giảng viên đại học. Cuộc gặp sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu đặt tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và 63 tỉnh, thành phố.

Theo ông Ân, các ý kiến ở bậc giáo dục phổ thông chủ yếu liên quan tới liên quan đến triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các chế độ chính sách nhà giáo. Trong khi đó, các ý kiến thuộc bậc giáo dục đại học tập trung vào các chính sách và việc thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các nhà trường, vấn đề chuyển đổi số, quy hoạch mạng lưới…

“Cuộc đối thoại thực sự là một diễn đàn dân chủ thực sự trong ngành giáo dục. Hiện các sở giáo dục và đào tạo, các đơn vị trường học đều đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đối thoại với tất cả trách nhiệm và sự mong chờ”, ông Ân thông tin thêm.

Doãn Nhàn