Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, năm học 2022 – 2023, thành phố chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục, nhất là với các trường thuộc địa bàn miền núi.
Trong đó, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường học tập tốt nhất cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngành giáo dục đã triển khai thực hiện chủ trương dồn ghép điểm trường vùng cao gắn với việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Đồng thời, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với học sinh khi thực hiện dồn ghép điểm trường.
Ngành giáo dục cũng tham mưu với Uỷ ban nhân dân thành phố Hạ Long trong việc thực hiện cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện đi lại thuận cho học sinh và phụ huynh học sinh, tổ chức tốt công tác bán trú cho học sinh tại trường.
Kết quả, năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục đã thực hiện dồn ghép xong điểm trường Thác Cát - Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hòa Bình về điểm trường trung tâm.
Trước thềm năm học 2022 – 2023, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vũ Oai cũng thực hiện xong việc dồn ghép điểm trường Đồng Chùa.
Để tạo điều kiện đi lại cho học sinh, ngành giáo dục đã bố trí xe ô tô đưa đón học sinh hằng ngày từ các điểm trường Thác Cát, Đồng Chùa về điểm trường trung tâm. Tổ chức cho học sinh ăn, nghỉ bán trú trong ngày tại trường.
Tại các trường có điểm dồn ghép, ngành giáo dục chỉ đạo việc thực hiện công tác huy động xã hội hóa để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập, sinh hoạt tại trường sau khi thực hiện dồn ghép.
Khu nhà 4 tầng được đầu tư xây mới để triển khai dồn ghép tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vũ Oai (Ảnh: Phạm Linh) |
Ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vũ Oai (xã Vũ Oai, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) - một trong những trường hoàn thành việc dồn ghép “thần tốc” trong 1 tháng: trước đó, nhà trường nhận được chủ trương về việc thực hiện dồn ghép điểm trường, đưa học sinh tại điểm trường Đồng Chùa về học tại trường trung tâm nhằm giúp cho các em được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, được ăn nghỉ bán trú và học 2 buổi/ngày.
Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường, góp phần thực hiện chương trình nông thôn mới tại địa phương.
Thực trạng nhà trường trước khi dồn ghép có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn nhiều. Điểm trường Đồng Chùa chỉ có 3 phòng học nên học sinh cấp 1, cấp 2 phải chia làm hai ca học sáng chiều.
Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lớp 1, 2 phải học 2 buổi/ngày nên nhà trường phải tận dụng phòng hội đồng trở thành phòng học tạm.
Xã Vũ Oai có 85,5 % dân số là người dân tộc thiểu số (Ảnh: Phạm Linh) |
Ngoài ra, đặc trưng ở xã Vũ Oai có đến 85% dân số là người dân tộc thiểu số. Thu nhập của người dân chủ yếu đến từ việc làm nương, làm keo nên việc trang trải cuộc sống khá khó khăn.
Người dân nơi đây hoàn toàn gửi gắm việc học tập của con cái cho nhà trường và giáo viên.
Theo đó, khi triển khai việc dồn ghép điểm Đồng Chùa về điểm trường trung tâm, nhà trường đứng trước nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ và đặc biệt là công tác công tác tuyên truyền tới phụ huynh.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vũ Oai cho biết, để chuẩn bị cho việc thực hiện dồn ghép điểm trường, về cơ sở vật chất, năm học 2022 – 2023, nhà trường được xây mới khu nhà 4 tầng khang trang tại điểm trường trung tâm.
Trong đó, có đầy đủ các phòng học chức năng, bộ môn được trang bị hiện đại, một sân chơi rộng với hai hàng cây xanh, một sân bóng đá nhân tạo với diện tích 1047m2, một hệ thống cấp nước được xây dựng kiên cố, khu bếp ăn và chế biến thực phẩm được sửa sang đáp ứng tốt cho việc tổ chức bán trú tại trường.
Quá trình triển khai dồn ghép, nhà trường gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất và công tác tuyên truyền tới phụ huynh (Ảnh: Phạm Linh) |
“Tuy nhiên, lúc bắt đầu thực hiện, nhà trường cũng vấp phải không ít khó khăn như: thời gian triển khai dồn ghép rất ngắn, ngay trước thềm năm học mới bắt đầu. Việc dồn ghép phải thực hiện trong gói gọn vòng 1 tháng.
Trong khi công tác xây dựng hoàn thiện khu nhà 4 tầng đang ở giai đoạn nước rút để thu dọn, lao động, tổng vệ sinh, ổn định cơ sở vật chất đón học sinh quay trở lại trường.
Nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động bán trú hoàn toàn không có.
Vì thế, thời gian đầu triển khai tổ chức bán trú, nhà trường nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các trường trên địa bàn thành phố để có điều kiện đầy đủ về chăn, ga, gối,...cho các con ở lại buổi trưa” cô Hải Yến cho biết.
Về công tác tuyên truyền, ban giám hiệu nhà trường đã có văn bản đề nghị chính quyền địa phương phối hợp và chủ động tới từng hộ dân vận động.
Cô Hải Yến chia sẻ: “Tôi cùng các thầy cô của nhà trường đã đến tận nhà dân ở hai thôn Đồng Chùa, Đồng Cháy để làm quen và thăm hỏi, động viên cũng như phổ biến cho phụ huynh hiểu những thuận lợi khi đưa con về học tập tại điểm trường trung tâm.
Đến ngày 5/8/2022, nhà trường đã tổ chức cuộc họp triển khai kế hoạch dồn ghép với đại diện chính quyền, trưởng thôn Đồng Chùa, Đồng Cháy cùng toàn bộ phụ huynh có con đang học tại trường.
Tại cuộc họp, nhà trường đã báo cáo tình hình đội ngũ, cơ sở vật chất, các điều kiện thuận lợi, khó khăn; kế hoạch dồn ghép điểm trường.
Đặc biệt, nhấn mạnh sự quan tâm của thành phố Hạ Long khi hỗ trợ cho xe đưa đón và các con lần đầu tiên được tổ chức ăn bán trú.
Sau cuộc họp, địa phương, đại diện các thôn và phụ huynh bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương dồn ghép điểm trường.
Tiếp đó, nhà trường đã tổ chức cuộc họp với ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường về dự kiến các phương án tổ chức bán trú và thông tin tới phụ huynh để nắm bắt nhu cầu và tháo gỡ vướng mắc nếu có.
Tổ chức cho đại diện giáo viên và phụ huynh đến thăm cơ sở chế biến thức ăn nhằm tạo tâm lý yên tâm khi gửi gắm con ở trường cả ngày”.
Sau 1 tháng dồn ghép "thần tốc", học sinh ở điểm Đồng Chùa của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vũ Oai nay được chuyển về điểm trung tâm, học trong ngôi trường khang trang, trang thiết bị hiện đại và được tổ chức ăn bán trú lần đầu tiên kể từ khi trường thành lập đến nay (Ảnh: Phạm Linh) |
Hoàn thành bước khó khăn nhất là tạo sự đồng thuận của phụ huynh, nhà trường đã lập kế hoạch lao động, chuyển cơ sở vật chất từ điểm Đồng Chùa về trung tâm vào ngày 15/8.
Nhà trường tận dụng bàn ghế huy động từ phòng hội đồng, phòng làm việc để bố trí đủ trong các phòng học và sắp xếp các phòng ban.
Hoàn thành chiến dịch dồn ghép “thần tốc”, ngày 29/8, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vũ Oai thuận lợi đón học sinh tựu trường.
Đến nay, sau dồn ghép và năm học 2022-2023 đã diễn ra được 1 tháng, học sinh từ điểm ghép về học tại trường chính đã quen dần nền nếp học tập, bán trú, thuận lợi học tập.