Các môn học tích hợp triển khai ở năm học tới sẽ có không ít khó khăn

30/07/2023 06:38
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2023-2024 tới đây, các môn học tích hợp ở cấp THCS chắc chắn có nhiều khó khăn hơn 2 năm học vừa qua vì có thêm lớp 8 dạy chương trình mới.

Năm học 2023-2024 tới đây là năm thứ 3 ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở. Điều này cũng đồng nghĩa những khó khăn ở cấp học này sẽ tiếp tục tăng thêm nhiều hơn khi bố trí nhân sự, sắp xếp thời khóa biểu giảng dạy hàng tuần.

Về cơ bản, nhân sự cho các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn là những con người cũ, họ đã dạy đơn môn suốt hàng chục năm qua. Đối với việc bố trí giáo viên đi bồi dưỡng chuyên môn theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT để về giảng dạy 2 môn học: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý ở nhiều địa phương vẫn đang được triển khai nhưng số lượng vẫn còn ít..

Trong khi đó, triển khai giảng dạy chương trình mới ở lớp 8 thì các môn học tích hợp hoặc có yếu tố tích hợp sẽ nhiều hơn 2 năm học vừa qua. Vì thế, nếu không có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời sẽ dẫn đến việc giáo viên ở các tổ chuyên môn liên quan đến các môn học tích hợp gặp nhiều khó khăn hơn ở các năm học trước đây.

Ảnh minh họa vtv.vn

Ảnh minh họa vtv.vn

Cấp trung học cơ sở đang có bao nhiêu môn học có yếu tố “tích hợp”?

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, số môn học cấp trung học cơ sở bị tác động, xáo trộn nhiều nhất trong 3 cấp học phổ thông. Hàng loạt các môn học độc lập được gộp lại thành những môn học mới một cách khiên cưỡng, khó hiểu.

Đó là: môn Lịch sử là một môn khoa học xã hội lại được ghép với môn Địa lý để thành môn Lịch sử và Địa lý. Thế nhưng, theo chương trình môn học, cả 4 năm học trung học cơ sở chỉ xây dựng được 4 chủ đề chung.

Điều tréo ngoe ở chỗ mang tiếng là 1 môn học nhưng sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở vẫn được bố trí riêng lẻ thành 2 phần khác nhau với 2 nhóm tác giả riêng biệt.

Môn Khoa học tự nhiên được gộp từ 3 môn học độc lập, đó là: Hóa học, Sinh học, Vật lý ở chương trình 2006 và được bố trí theo các mạch kiến thức mỗi phân môn khác nhau. Học sinh học hết chủ đề của phân môn này sẽ tiếp tục học chủ đề của phân môn khác với giáo viên khác. Sách giáo khoa có 3 phân môn nên phần lớn các trường trung học cơ sở vẫn đang bố trí 3 giáo viên giảng dạy ở những thời điểm khác nhau của từng học kỳ.

Môn học Mĩ thuật và Âm nhạc được các nhà xuất bản biên soạn, in ấn, phát hành thành 2 quyển sách giáo khoa riêng biệt. Nhà trường bố trí dạy riêng như các môn học độc lập khác và thực tế 2 môn học này chẳng thấy điểm nào chung cả.

Thế nhưng, khi kiểm tra định kỳ lại được hướng dẫn thực hiện kiểm tra chung, vào điểm chung, nhận xét chung với tên gọi là môn…Nghệ thuật.

Các phân môn trong Nội dung giáo dục địa phương trước đây được sắp xếp cùng với các môn học cùng tên nhưng chương trình 2018 tách riêng thành 6 phân môn, bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật và có tên Nội dung giáo dục địa phương.

Môn Nội dung giáo dục địa phương có 35 tiết/ năm/lớp nhưng được chia nhỏ ra: Ngữ văn 9 tiết, Âm nhạc 4 tiết, Mĩ thuật 4 tiết, các phân môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân mỗi phân môn 6 tiết khiến cho việc phân công, sắp xếp giáo viên giảng dạy, kiểm tra, vào điểm rất phức tạp.

Như vậy, chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở hiện nay đang có tới 4 môn học mới có tính chất “tích hợp” so với chương trình 2006, đó là: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Nghệ thuật; Nội dung giáo dục địa phương.

Những môn này, môn ít nhất có 2 phân môn, môn nhiều nhất có 6 phân môn khác nhau. Hai năm học vừa qua, triển khai giảng dạy chương trình mới ở lớp 6 và lớp 7 thì gần như các trường vẫn đang bố trí phân môn của ai, giáo viên tổ đó dạy, chưa thấy yếu tố “tích hợp” ở đâu.

Những khó khăn nảy sinh cho các nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên và học sinh là khá nhiều. Mỗi môn học, giáo viên được tập huấn online 1 ngày trước khi dạy, thậm chí, Nội dung giáo dục địa phương đã dạy 2 năm mà có những địa phương chưa hề tập huấn, bồi dưỡng gì cho giáo viên.

Những khó khăn đối với các nhà trường đã hiện hữu trước mắt

Năm học 2023-2024, các môn tích hợp chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn hơn 2 năm học vừa qua vì có thêm lớp 8 dạy chương trình mới nên số môn học tích hợp sẽ được triển khai nhiều hơn.

Trong khi, nhiều giáo viên đang dạy các môn học này cho rằng bóng dáng “tích hợp” của các môn học này về cơ bản rất mờ nhạt. Vì thế, gọi là môn học tích hợp nhưng chỉ thấy “tích hợp” từ 2-6 phân môn vào 1 sách giáo khoa; 2- 6 giáo viên dạy chung một môn học. Đến khi kiểm tra định kỳ làm chung đề; nhập điểm số, nhận xét chung cho 1 môn học mà thôi.

Vì thế, 2 năm qua, phần lớn các trường học đang phải sắp xếp, phân công, xếp thời khóa biểu giảng dạy cho giáo viên theo cách cũ, phân môn của ai, người đó dạy nhưng thực hiện luân phiên, xoay vòng với nhau.

Việc phân công, bố trí, sắp xếp giáo viên, thời khóa biểu giảng dạy các môn tích hợp ở các nhà trường đang gặp khó khăn. Trước đây, thời khóa biểu chỉ phải xếp lại khi đơn vị có giáo viên nghỉ hậu sản, nghỉ việc, còn bình thường mỗi học kỳ mới xếp lại 1 lần.

Bây giờ, mỗi tuần phải xếp lại 1 lần vì các môn học tích hợp thay đổi phân môn liên tục.

Những phức tạp không chỉ đến từ các môn học nhiều tiết như: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên mà môn Nội dung giáo dục địa phương đang có sự rối rắm nhiều nhất vì số tiết quá nhỏ mà có nhiều phân môn, liên quan đến nhiều tổ chuyên môn khác nhau.

Trong khi, cách sắp xếp các chủ đề của môn Nội dung giáo dục địa phương được sở giáo dục hướng dạy sau kiến thức nền của các môn học chính nên giáo viên phải dạy kiến thức nền xong mới đến lượt dạy phân môn trong Nội dung giáo dục địa phương.

Chẳng hạn, kiến thức sách giáo khoa Ngữ văn 7 có chủ đề ca dao, tục ngữ thì giáo viên phải dạy chủ đề này xong để có kiến thức cơ bản mới được dạy chủ đề ca dao, tục ngữ địa phương trong môn Nội dung giáo dục địa phương.

Vì thế, nhiều thời điểm nhà trường và giáo viên gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên giảng dạy, nhất là thời điểm cuối học kỳ, cuối năm học thì một số phân môn của Nội dung giáo dục địa phương mới được dạy.

Việc bị động về giáo viên chưa được bồi dưỡng, đào tạo các phân môn tích hợp; những ràng buộc về thời điểm giảng dạy của Nội dung giáo dục địa phương; việc dạy riêng, kiểm tra, vào điểm chung…đối với các môn tích hợp vẫn đang là bài toán khó cho nhiều trường trung học cơ sở 2 năm học vừa qua và tiếp tục gia tăng ở năm học tới đây khi áp dụng ở lớp 8.

Có lẽ để tháo gỡ những bất cập này, Vụ Giáo dục Trung học cần có những định hướng cụ thể, rõ ràng trong việc triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 tới đây. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nhanh chóng điều động giáo viên đi bồi dưỡng theo hướng dẫn của Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT mà Bộ ban hành ngày 21/7/2021 để về dạy cả môn Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên.

Nếu vẫn như 2 năm học vừa qua sẽ khiến cho việc thực hiện các môn học tích hợp manh mún, rời rạc, khó đạt được hiệu quả như mục tiêu ban đầu mà chương trình tổng thể, chương trình môn học đã đề ra.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG