LTS: Sau khi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới giải thích thêm về 2 môn “tích hợp” mới ở cấp trung học cơ sở mà tác giả Nhật Duy đặt ra, thầy Nhật Duy tiếp tục có bài trao đổi lại.
Trên tinh thần tôn trọng thảo luận khách quan, đa chiều, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu bài viết này và mong nhận được phản hồi từ Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết để đông đảo thầy cô, học sinh hiểu rõ hơn về 2 môn học mới.
Sau bài trao đổi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có đang tự mâu thuẫn về 2 môn học tích hợp?, chúng tôi rất mừng là thầy Thuyết đã có bài trả lời: Tổng Chủ biên nói về quan điểm dạy tích hợp.
Điều này đã thể hiện rất rõ tác phong khoa học và cầu thị, tâm huyết cũng như bản lĩnh của thầy với sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết không chỉ là một nhà ngôn ngữ học kì cựu, mà ông còn là chủ biên của sách giáo khoa tiếng Việt - ngữ Văn từ lớp 2 đến lớp 9 của chương trình hiện hành.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, ảnh: Xuân Trung. |
Từng giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chúng tôi thấy thầy là một vị Đại biểu Quốc hội nổi tiếng thẳng thắn, không ngại trả lời những vấn đề “nhạy cảm” của xã hội.
Trên nghị trường, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết luôn quyết liệt “truy tới cùng” vấn đề ông theo đuổi, và cũng là điều cử tri quan tâm.
Rõ ràng, đó là tố chất cần thiết của một nhà khoa học.
Vì thế chúng tôi trộm nghĩ, việc thầy Thuyết làm Tổng chủ biên chương trình, sách giáo khoa mới lần này đã phần nào tạo được sự yên tâm cho những ai đã và đang quan tâm đến sự phát triển của ngành giáo dục.
Bởi thực tế trong nền giáo dục Việt Nam lâu nay, sách giáo khoa vẫn đóng vai trò quan trọng cho việc đổi mới của ngành giáo dục.
Chính vì tầm quan trọng và ảnh hưởng của chương trình, sách giáo khoa đối với giáo dục Việt Nam cũng như trân trọng sự cầu thị, nghiêm túc của thầy Tổng chủ biên, chúng tôi xin có vài lời trao đổi tiếp, ngõ hầu làm sáng tỏ những băn khoăn bấy lâu trong giáo giới, cũng như ngoài xã hội.
Thứ nhất, về đào tạo “chuyên gia tích hợp”
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết:
“Tôi cũng nêu lên băn khoăn của mình về “điều kiện để thực hiện chương trình” là thiếu chuyên gia viết sách giáo khoa tích hợp, thiếu giáo viên dạy môn tích hợp và cơ sở vật chất yếu kém ở các trường.
Những điều tôi băn khoăn là những khó khăn có thực và cho đến nay vẫn là những thách thức cần vượt qua, nếu muốn chương trình mới thành công.
Nhưng nói ra những băn khoăn này, không có nghĩa là tôi không đồng tình xây dựng các môn học tích hợp. Bởi vì dạy học tích hợp là xu hướng của giáo dục thế giới, trước sau chúng ta cũng phải thực hiện”.
Tổng chủ biên cho biết thêm:
Tích hợp “1 sách 3 thày”, Ban soạn thảo càng ngày càng rối |
“Từ khi kiện toàn Ban soạn thảo chương trình, theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Thế giới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục mời một số chuyên gia nước ngoài sang giúp các chuyên gia Việt Nam xây dựng chương trình, trong đó có các chương trình Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở trung học cơ sở." [1]
Thế nhưng cũng chính thầy Nguyễn Minh Thuyết cho hay:
"Mãi đến ngày 8/12/2016 mới có thư của Ngân hàng Thế giới chấp thuận Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông;
Cuối tháng 12/2016 mới có quyết định bổ nhiệm (Giáo sư Thuyết làm Tổng chủ biên chương trình tổng thể).
Và cho đến ngày 14/3/2017 vừa rồi mới có thư của Ngân hàng Thế giới chấp thuận thành viên các Ban Phát triển Chương trình môn học." [2]
Thày Thuyết phụ trách chương trình tổng thể thì cuối tháng 12/2016 mới được bổ nhiệm, các thành viên Ban phát triển chương trình môn học thì tháng 3/2017 mới được Ngân hàng Thế giới chấp thuận.
Có lẽ nào chỉ trong vòng 7 tháng trời mà các chuyên gia nước ta đã kịp học "tích hợp" và các "chuyên gia nước ngoài" đã kịp "chuyển giao" chương trình “tích hợp” rồi hay sao?
“Tích hợp” 3 môn Lý - Hóa - Sinh thành 1 sách Khoa học Tự nhiên; 2 môn Sử - Địa thành 1 sách Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở là rất mới mà chính Tổng chủ biên cũng từng băn khoăn.
Cứ cho rằng 7 tháng là đủ thời gian để cho ra lò một lứa “chuyên gia tích hợp”;
Nhưng những gì các chuyên gia này học được / được “chuyên gia tích hợp quốc tế” chuyển giao đi nữa, thì 2 môn “tích hợp” mới này thực nghiệm vào lúc nào để tránh chủ quan, duy ý chí, dễ dẫn tới thất bại như Đề án Ngoại ngữ 2020, hay mô hình VNEN?
Vì thế, chúng tôi vẫn tha thiết được biết tên những "chuyên gia tích hợp" và ban soạn thảo sách giáo khoa mới đưa ra một số ví dụ "tích hợp" cụ thể.
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn tiếp tục giải đáp các thắc mắc về "1 sách 3 thầy" |
Giáo viên chúng tôi sao có thể không lo lắng, khi chủ biên chương trình môn học Khoa học Tự nhiên là Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn giờ này vẫn chưa thể đưa ra một vài ví dụ cụ thể về “tích hợp” Lý - Hóa - Sinh thành môn mới?
Thầy Tuấn là trưởng nhóm chương trình môn Khoa học Tự nhiên, có lẽ cũng là một "chuyên gia tích hợp" được "chuyên gia tích hợp quốc tế" chuyển giao kinh nghiệm trong 7 tháng qua.
Nhưng những gì thầy nói mới toàn là lý thuyết. Thực tế giảng dạy của giáo viên chúng tôi còn phức tạp hơn rất nhiều.
Bởi “tích hợp” không thể nào lại là cộng dồn cơ học rồi phần của ai người đấy dạy, 1 sách 3 thầy, đó là cách “vẽ rắn thêm chân” của các nhà dự án, chứ đâu phải cách làm khoa học và giáo dục?
Ngoài ví dụ về chủ đề “Biển đảo Việt Nam” như Giáo sư Thuyết đã nêu trước đây, thầy có thể nêu thêm một vài ví dụ về “chủ đề tích hợp” của môn Lịch sử và Địa lí nữa không?
Vì nếu chỉ “tích hợp mức thấp” như các thầy soạn chương trình nói, thì tại sao phải gộp 2 môn vào 1 khi một số chủ đề có thể soạn riêng và giao cho 1 giáo viên Sử / Địa dạy?
Và chúng tôi cũng muốn biết thêm “chuyên gia tích hợp quốc tế” được mời “chuyển giao” quy trình tích hợp Lý - Hóa - Sinh thành Khoa học Tự nhiên, Sử - Địa thành Lịch sử và Địa lý là chuyên gia nước nào? Mỹ? Trung Quốc? Phần Lan? hay Colombia?
Tổng chủ biên có chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại rằng: Việc 2 hoặc 3 thầy cô cùng dạy một môn tích hợp chỉ là giải pháp tình thế. Ngay ở Vương quốc Anh, người ta cũng tổ chức như vậy. [3]
Thầy Thuyết có thể giới thiệu một số cuốn sách giáo khoa “tích hợp” 3 môn Lý - Hóa - Sinh thành Khoa học Tự nhiên ở cấp trung học cơ sở của Anh quốc và các nước có "chuyên gia quốc tế tích hợp Lý - Hóa - Sinh" không?
Thứ hai, về việc viện dẫn Nghị quyết 88 của Quốc hội
Trong bài giải đáp các thắc mắc chúng tôi đặt ra về tích hợp, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có dẫn Nghị quyết 88 của Quốc hội, rằng:
"Hơn nữa, việc xây dựng các môn học tích hợp đã được quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội:
“Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học.”
Bộ Giáo dục và Đào tạo chắc chắn phải thực hiện quy định này."
Trong bài Bốn câu hỏi về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết viết và được đăng trên Báo điện tử VnExpress ngày 10/11/2014, thầy Thuyết nói:
Quan ngại kiểu "tích hợp" sách giáo khoa mới |
"Tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ xem xét và biểu quyết thông qua nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (đề án đổi mới).
Với số tiền dự chi từ ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng, đề án đổi mới không thuộc loại dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Có thể vì vậy mà lần này, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng chỉ được giao nhiệm vụ thẩm tra bản dự thảo Nghị quyết của Quốc hội - một văn bản theo lẽ thường, do chính Ủy ban này soạn thảo, chứ không phải thẩm tra đề án mà Chính phủ trình.
Và có lẽ cũng vì vậy mà lần đầu tiên, Quốc hội xem xét một chủ trương quan trọng, liên quan đến hàng chục triệu người (giáo viên, học sinh phổ thông và phụ huynh học sinh) mà không có báo cáo đánh giá tác động kèm theo.
Tôi không bình luận về thủ tục làm việc của Quốc hội nhưng cũng không tập trung vào phân tích câu chữ ở dự thảo Nghị quyết mà xin trao đổi về một số nội dung chính của đề án đổi mới." [4]
Như vậy có thể thấy, một là nếu hiểu theo logic Giáo sư Thuyết trình bày trong bài viết này của ông thì:
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo "phải thực hiện quy định về tích hợp" trong Nghị quyết 88 là do chính Bộ Giáo dục và Đào tạo tự đặt ra cho mình.
Quốc hội đâu có làm thay, đặt ra tiêu chuẩn chuyên môn và buộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện? Về mặt chuyên môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan cao nhất phải chịu trách nhiệm.
Quốc hội chỉ quan tâm đến chính sách và chiến lược, cũng như ngân sách chi cho giáo dục bao nhiêu, hiệu quả thế nào.
Chính Giáo sư Thuyết cũng từng nói: mỗi đề án đưa ra, Quốc hội chỉ quan tâm đến hai điều. Thứ nhất là tác động đến ngân sách Nhà nước như thế nào. Thứ hai là có làm phiền dân hay không? [5]
Vậy phải chăng việc thầy Thuyết mới viện dẫn Nghị quyết 88 của Quốc hội để giải thích cho việc ra đời 2 môn "tích hợp" mới, là một cách lấy "Nghị quyết làm lá chắn" để giải thích cho một vấn đề chuyên môn thuần túy không thuộc chức năng của Quốc hội?
Hai là, thầy Tổng chủ biên hiểu như thế nào về "những nội dung liên quan với nhau" như Lý - Hóa - Sinh, để có thể "tích hợp" chúng lại để "tránh chồng chéo nội dung giáo dục"?
Lý - Hóa - Sinh có những nội dung nào liên quan, chồng chéo nhau?
Thứ ba, về thi - kiểm tra các môn “tích hợp”
Khi trả lời câu hỏi: “Việc thi và kiểm tra các môn tích hợp sẽ như thế nào khi một sách vẫn 2, 3 thầy dạy? Giáo viên nào chấm các bài thi đó? Giáo viên nào vào sổ điểm cho môn học đó?" thầy Thuyết cho biết:
Những yêu cầu vô lý, bất khả thi cho người viết sách giáo khoa mới |
“Theo Chương trình tổng thể, có ba hình thức đánh giá kết quả giáo dục là đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức;
Đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức và đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức.
Đối với đánh giá thường xuyên, giáo viên dạy phần nào sẽ ra đề, chấm điểm phần đó. Đối với đánh giá định kỳ, nhà trường sẽ tổ chức ra các đề tổ hợp, tích hợp và chấm điểm”. [1]
Theo hướng dẫn hiện hành của Thông tư 58 về việc đánh giá, xếp loại học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì có 2 loại bài kiểm tra là:
Kiểm tra thường xuyên gồm: Kiểm tra miệng; kiểm tra viết dưới 1 tiết; kiểm tra thực hành dưới 1 tiết;
Kiểm tra định kỳ gồm: Kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên; kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên; kiểm tra học kỳ.
Như vậy, chương trình mới tới đây có thêm hình thức “đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương”.
Vậy ví dụ chương trình sách giáo khoa lớp 9 hiện hành, mỗi tuần có 5 tiết dành cho 3 môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và 3 tiết dành cho 2 môn Địa lí và Lịch sử.
Trong đó, ta thấy rõ ràng là các môn học có số tiết không giống nhau.
Nếu "tích hợp" 2, 3 môn này lại thì điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra điểm định kì, kiểm tra học kì sẽ phân chia tỉ lệ như thế nào?
Thầy Tổng chủ biên nói là giao quyền tự chủ, các kế hoạch giảng dạy, phân công, phân phối chương trình do nhà trường và giáo viên quyết định.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phân công trả lời thắc mắc về chương trình mới |
Nhưng chuyện đâu có thể đơn giản như các thày soạn chương trình nghĩ.
Bởi môn học mới này có tới 2-3 đơn môn cũ gộp thành mà một môn có tới 2-3 người dạy thì việc đánh giá cực kì rối rắm và nhiêu khê. Cụ thể xin nêu mấy ý:
Thầy Thuyết nói rằng: “Đối với đánh giá thường xuyên, giáo viên dạy phần nào sẽ ra đề, chấm điểm phần đó” thì đã là chuyện đương nhiên rồi, bởi giáo viên môn này làm sao hiểu đủ sâu kiến thức môn khác để ra đề và chấm điểm?
Nhưng “đối với đánh giá định kỳ, nhà trường sẽ tổ chức ra các đề tổ hợp, tích hợp và chấm điểm”. Vậy “nhà trường” ở đây là ai nếu không phải là giáo viên của các môn con trong môn “tích hợp”?
Như vậy “nhà trường” sẽ ra 3 đề, hay 1 đề có 3 phần nội dung môn học khác nhau?
Nếu mỗi người một đề thì cần gì phải “nhà trường” ra?
Mà nếu ra 1 đề “tích hợp” thì tỉ lệ nội dung của mỗi môn sẽ như thế nào, chấm ra sao, vào sổ sách thế nào?
Chẳng lẽ đợi người này chấm xong rồi đến người khác chấm? Trong khi thời gian báo cáo kết quả ở các trường hiện nay lên cấp trên bao giờ cũng được ấn định cụ thể.
Đối với hình thức “đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức”, thầy Thuyết cũng biết:
Hiện nay cả nước có hàng chục triệu học sinh mà đánh giá như vậy liệu làm có nổi không?
Tổ chức khảo thí cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lấy đâu ra người cáng đáng được 1 công việc nặng nề như thế, nhất là trong bối cảnh bộ máy hành chính ngày càng phình to, đe dọa đến an nguy tài khóa, trong đó có bộ máy quản lý ngành giáo dục?
Mỗi năm chỉ có lớp 12 (chưa đến 1 triệu học sinh) thi tốt nghiệp mà cả ngành giáo dục vào cuộc còn thấy căng thẳng và mệt mỏi. Đánh giá cả 12 lớp một lúc thì làm sao mà thực hiện nổi?
Có lẽ, chúng tôi còn nhiều điều muốn hỏi thêm thầy, nhưng do bài viết dài nên chúng tôi sẽ mong thầy trao đổi thêm ở các bài viết sau.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi thiết tha mong thầy trả lời 3 vấn đề thắc mắc trên. Chúc thầy nhiều sức khỏe và luôn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tong-Chu-bien-noi-ve-quan-diem-day-tich-hop-post180805.gd
[5]http://www.giaoduc.edu.vn/chuong-trinh-sach-giao-khoa-moi-cang-ban-cang-roi.htm