Xuất phát từ thực tế nhà trường có căng tin nhưng nhỏ hẹp, sản phẩm không đa dạng, trong khi đó, các quán ăn bên ngoài nhà trường khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành lại cao nên nhóm 5 em học sinh Trường Trung học phổ thông Công Nghiệp (Hòa Bình) đã đưa ra ý tưởng về dự án Cửa hàng tiện ích học đường.
Vượt qua hàng trăm dự án khởi nghiệp của học sinh sinh viên trên cả nước, dự án Cửa hàng tiện ích học đường của nhóm 5 em học sinh lớp 10C1 Trường Trung học phổ thông Công Nghiệp (Hòa Bình) đã lọt vào vòng chung kết toàn quốc cuộc thi “Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Nhóm 5 em học sinh Trường Trung học phổ thông Công Nghiệp cùng cô giáo chủ nhiệm đồng thời cũng là người hướng dẫn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, em Văn Lệ Hằng, lớp 10C1 - một thành viên trong nhóm khởi nghiệp cho biết, dự án này không chỉ giúp giáo dục tinh thần khởi nghiệp cho học sinh mà lợi nhuận thu về còn để đóng góp vào quỹ khuyến học của nhà trường.
“Xuất phát từ thực tế nhà trường có căng tin nhưng nhỏ hẹp, sản phẩm dịch vụ không đa dạng nên chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh và giáo viên.
Từ việc các sản phẩm ăn, uống ngoài khuôn viên trường khó đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành lại cao, chưa có không gian thu hút học sinh trải nghiệm, phát huy ý tưởng sáng tạo.
Sau khi thảo luận với giáo viên chủ nhiệm, chúng em đã thống nhất chọn dự án Cửa hàng tiện ích học đường để dự thi.
Cửa hàng tiện ích học đường là ý tưởng kinh doanh có lợi nhuận, từ lợi nhuận đó tái đầu tư vào các lợi ích cộng đồng mang tính xã hội cao.
Cửa hàng sẽ cung cấp các sản phẩm dịch vụ ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Các nhu yếu phẩm thiết yếu, sản phầm thủ công mỹ nghệ cho hơn 1000 học sinh và giáo viên trong Trường Trung học phổ thông Công Nghiệp.
Mô hình cửa hàng sẽ trở thành nơi kết nối, giao lưu giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên và giữa giáo viên với phụ huynh trong toàn trường.
Dự án có tính đột phá, hoàn toàn khác với mô hình căng tin truyền thống. Cụ thể, nhóm 5 em học sinh là người quản lý, vận hành cửa hàng cùng các tình nguyện viên là cựu học sinh, học sinh và giáo viên trong trường. Sản phẩm bày bán độc đáo, do chính tay học sinh và phụ huynh tự làm”.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện dự án cả nhóm gặp không ít khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề kinh phí.
“Ban đầu chúng em chưa nhận được sự đồng tình của bố mẹ, bố mẹ đều nghĩ chúng em không thể thực hiện được vì không biết lấy nguồn kinh phí từ đâu, nhà trường có đồng ý dự án này hay không? Chúng em đều đã quen được bao bọc, chưa quen với vất vả và đặc biệt là kinh doanh.
Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm và nỗ lực chúng em đã thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho thực hiện dự án này.
Chúng em trực tiếp tham gia trải nghiệm bán hàng tại một số cơ sở trong địa bàn thành phố, trực tiếp xây dựng bộ câu hỏi thăm dò ý kiến của giáo viên, học sinh trong trường và đã nhận được phản hồi tích cực về dự án”.
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Minh Huệ vừa là giáo viên chủ nhiệm vừa là người hướng dẫn, hỗ trợ cho các em trong thời gian thực hiện dự án cho biết:
“Xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng của học sinh khi đề xuất ý tưởng, tôi thấy ý tưởng này rất hay. Bản thân tôi cũng rất tâm huyết, đặc biệt lại là nhóm học sinh do lớp tôi chủ nhiệm.
Khi cùng đồng hành với các em tôi thấy quả thực lứa tuổi của các em khác xa so với chúng tôi ngày trước.
Các em bây giờ năng động, sáng tạo, có những ý tưởng độc đáo, dám nghĩ dám làm,...
Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận được sự hậu thuẫn rất tích cực từ phía đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường và phụ huynh.
Các bác quan tâm sát sao với các con và cùng đóng góp ý tưởng. Các bác sẵn sàng chung tay để là những tình nguyện viên đồng hành với các con”.
Học sinh đi trải nghiệm thực tế cách quản lý và điều hành Cửa hàng tiện ích học đường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Hiện tại, dự án này đã lọt vào vòng chung kết toàn quốc, dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào các ngày 21–22/12/2020.
Nói về ý nghĩa của dự án, cô Phạm Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Công Nghiệp (Hòa Bình) tràn đầy hi vọng:
“Với vai trò là hiệu trưởng, tôi luôn hưởng ứng và đề cao ý tưởng sáng tạo của các em. Với 27 dự án dự thi cấp trường, chúng tôi thấy dự án nào cũng có những ý tưởng hay, nhưng với ý tưởng khởi nghiệp Cửa hàng tiện ích học đường của cô và trò lớp 10 C1 tôi thấy rất tâm đắc vì có tính khả thi cao.
Thực ra ban đầu tôi cũng như các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh lo lắng về quỹ thời gian, vốn đầu tư, cũng như nguồn nhân lực thực hiện ý tưởng. Nhưng trước sự tâm huyết và cách thuyết phục của các em khi đưa ra chiến lược, mục tiêu cụ thể thì tôi nghĩ ý tưởng này có thể thực hiện tốt.
Mô hình cửa hàng từ dự án này mang lại cho học sinh trải nghiệm công nghệ bán hàng tự động, tự chủ, sáng tạo… từ đó góp phần định hướng nghề nghiệp cho các em trong tương lai”.
Với mong muốn dự án này không chỉ dừng lại ở ý tưởng mà sẽ trở thành hiện thực, cô Phạm Ngọc Hà kêu gọi các nhà tài trợ cùng chung tay góp sức để thực hiện hóa ý tưởng của dự án tại Trường Trung học phổ thông Công Nghiệp và lan toản mô hình này tới các trường bạn.
Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 viết tắt là SV_STARUP_2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động tại Quyết định số 1715/QĐ-BGDĐT.
Giải thưởng là tiền và bằng khen của Bộ cùng các gói hỗ trợ đào tạo, triển khai dự án lên đến hơn 500 triệu đồng.
Trong đó, tiền thưởng với khối sinh viên là 60 triệu đồng cùng gói hỗ trợ đào tạo, triển khai dự án trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận về số tiền 40.000 USD.
Các dự án khởi nghiệp của khối học sinh có cơ cấu giải nhất với tiền thưởng là 30 triệu đồng.