Những bộ óc kiệt xuất nào sẽ quy tụ tại Tuần lễ KHCN VinFuture 2023?

11/12/2023 13:25
Thuỷ Uyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đáng chú ý trong số những nhà khoa học nổi tiếng sẽ tới Việt Nam là Giáo sư Susan Solomon -  nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực hóa học khí quyển.

Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2023 (diễn ra từ ngày 18 - 21/12/2023 tại Hà Nội) được dự báo sẽ là tâm điểm của giới nghiên cứu thế giới khi quy tụ những bộ óc kiệt xuất bậc nhất đương thời ở nhiều lĩnh vực.

Giáo sư Teck-Seng Low: “Hiệp sĩ” dẫn dắt ngành công nghiệp bán dẫn

Giáo sư Teck-Seng Low - Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là một trong những nhà khoa học nổi tiếng bậc nhất thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.

Ông đóng vai trò là người quản lý, thúc đẩy và đưa ra tiếng nói quyết định trong việc vạch ra lộ trình nghiên cứu phát triển công nghiệp bán dẫn tại đảo quốc sư tử.

Giáo sư Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) sẽ có mặt tại Việt Nam vào tháng 12 với tư cách là diễn giả của tọa đàm “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại” (Ảnh: NUS)

Giáo sư Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) sẽ có mặt tại Việt Nam vào tháng 12 với tư cách là diễn giả của tọa đàm “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại” (Ảnh: NUS)

Năm 2007, ông được Tổng thống Singapore trao tặng Huân chương Vàng với những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của giáo dục kĩ thuật và quản lí khoa học, công nghệ quốc gia. Năm 2016, Giáo sư Low được Chính phủ Pháp phong tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh với cấp bậc Hiệp sĩ (Chevalier).

Không chỉ nổi tiếng ở khu vực châu Á, Giáo sư Teck-Seng Low cũng là nhà khoa học uy tín trên thế giới trong ngành công nghiệp được đánh giá là động lực của nền kinh thế giới. Giáo sư Low sẽ có những kiến giải tại phiên 1: “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại” ngày 18/12, nằm trong chuỗi tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”.

Người đặt nền móng giúp tối ưu hệ thống vi mạch thế giới

Cũng góp mặt trong phiên tọa đàm về công nghệ bán dẫn ngày 18/12 cùng Giáo sư Low là Tiến sĩ Sadasivan (Sadas) Shankar – một tên tuổi nổi tiếng đã đặt nền móng cho quá trình tối ưu thiết kế chất bán dẫn thế giới.

Tiến sĩ Sadasivan Shankar, Quản lý Nghiên cứu - Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford (Mỹ) sẽ góp mặt tại tọa đàm “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại” (Ảnh: Đại học Stanford)

Tiến sĩ Sadasivan Shankar, Quản lý Nghiên cứu - Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford (Mỹ) sẽ góp mặt tại tọa đàm “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại” (Ảnh: Đại học Stanford)

Ông hiện là Quản lý Nghiên cứu - Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford, Mỹ. Đặc biệt, vị tiến sỹ nổi tiếng là người đã khởi xướng và lãnh đạo chương trình Thiết kế vật liệu tại Intel từ năm 2006. Đây là nền móng giúp tối ưu hóa quá trình xử lí chất bán dẫn và hiệu suất năng lượng, từ đó làm nên hệ thống vi mạch có kích thước nhỏ, tiết kiệm năng lượng như hiện tại.

Tiến sĩ Shankar hiện đang giảng dạy tại nhiều trường đại học hàng đầu thế giới: Đại học Stanford, Đại học Harvard, Đại học Cambridge, Đại học California tại Los Angeles, Viện Công nghệ Massachusetts, Viện Công nghệ California…

Vị giáo sư phát hiện ra tế bào T điều hòa

Góp mặt trong phiên 2: “Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn” của chuỗi tọa đàm khoa học là cái tên nổi tiếng trong giới y học toàn cầu - Giáo sư Shimon Sakaguchi.

Ông là người đã phát hiện ra các tế bào T điều hòa (Tregs) và cách sử dụng để kích hoạt và tăng cường khả năng miễn dịch giúp điều trị các khối u, các bệnh tự miễn. Đây là phát hiện mang tới nhiều đột phá trong y khoa bởi những tế bào Tregs thực hiện chức năng quan trọng trong cơ thể người giúp hệ miễn dịch tránh được việc mất kiểm soát và tấn công tế bào bình thường.

Shimon Sakaguchi hiện là Giáo sư xuất sắc tại Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong (IFReC), Đại học Osaka (Nhật Bản). Với những đóng góp to lớn, ông được giới truyền thông và học giả đánh giá là ứng viên tiềm năng cho những giải thưởng cao quý nhất thế giới trong lĩnh vực Sinh lý học hoặc Y học.

Giáo sư Soumitra Dutta – Người sáng lập Chỉ số đổi mới toàn cầu

Phiên 3: “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” của chuỗi tọa đàm khoa học sẽ được dẫn dắt bởi Giáo sư Soumitra Dutta ở vai trò chủ tọa. Vị giáo sư sinh ra ở Ấn Độ sẽ cùng các diễn giả cùng bàn luận về các giải pháp khoa học công nghệ cũng như chính sách giúp thúc đẩy tương lai xanh trên thế giới.

Giáo sư Soumitra Dutta hiện là Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd, Đại học Oxford (Vương quốc Anh). Ông nguyên là Hiệu trưởng sáng lập Trường Kinh doanh Cornell SC Johnson thuộc Đại học Cornell (Hoa Kỳ). Đặc biệt, ông cũng là thành viên mới của Hội đồng Giải thưởng VinFuture 2023.

Ông nổi tiếng toàn cầu khi đã sáng lập và đồng biên tập 16 báo cáo thường niên của Chỉ số Đổi mới toàn cầu (Global Innovation Index).

Trên thế giới, Giáo sư Soumitra Dutta được đánh giá là người có ảnh hưởng sâu sắc khi đã đặt nền tảng cho việc tích hợp thành công công nghệ mới vào môi trường kinh doanh. Ông cũng nổi tiếng là một diễn giả truyền cảm hứng với những góc nhìn độc đáo từ đổi mới toàn cầu. Phiên họp về giao thông xanh bởi thế được các nhà nghiên cứu mong chờ để lắng nghe những ý kiến mới mẻ từ bộ óc kiệt xuất này.

Người phụ nữ “cứu” thế giới khỏi lỗ thủng tầng ozon

Tại Tuần lễ khoa học công nghệ, diễn ra song song cùng tọa đàm khoa học là chuỗi đối thoại “Khám phá tương lai - VinFuture Discovery Talk”. Đây là sự kiện lần đầu được tổ chức nhằm kết nối những trí tuệ hàng đầu thế giới với cộng đồng khoa học trong nước để giao lưu và chia sẻ tri thức.

Đáng chú ý trong số những nhà khoa học nổi tiếng sẽ tới Việt Nam và có bài trình bày là Giáo sư Susan Solomon.

Giáo sư Susan Solomon là nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực hóa học khí quyển. Bà là người có đóng góp đột phá giúp mở rộng hiểu biết của nhân loại về hiện tượng suy giảm tầng ozon với nguyên nhân từ chất chlorofluorocarbons (CFC).

Giáo sư Susan Solomon sở hữu nghiên cứu mang tính nền tảng cho Nghị định thư Montreal của Liên hợp quốc vào năm 1987. (Ảnh: Viện Công nghệ Massachusetts)

Giáo sư Susan Solomon sở hữu nghiên cứu mang tính nền tảng cho Nghị định thư Montreal của Liên hợp quốc vào năm 1987. (Ảnh: Viện Công nghệ Massachusetts)

Kết quả nghiên cứu của bà và đồng nghiệp là nền tảng cho sự ra đời Nghị định thư Montreal của Liên hiệp quốc vào năm 1987, nhằm ngăn chặn việc sử dụng các hợp chất CFC trên toàn thế giới. Đây là một trong những hiệp định quốc tế thành công nhất trong việc giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu tính tới hiện tại.

Với sự nghiệp xuất sắc, bà đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Huân chương Khoa học Quốc gia 1999, Giải Nobel Hòa bình 2007 với tư cách là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), và Giải thưởng Môi trường Volvo 2009.

Ngoài những nhà khoa học nổi tiếng trên, Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2023 còn được mong chờ với sự xuất hiện của rất nhiều những tên tuổi lớn ở nhiều lĩnh vực như: Giáo sư Kostya S. Novoselov, chủ nhận Giải Nobel Vật lý năm 2010, Giáo sư Pascale Cossart - Nguyên Trưởng khoa Tế bào tại Viện Pasteur (Paris, Pháp), Giáo sư Stanley Whittingham, Giáo sư Hóa học Xuất sắc, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Năng lượng Hóa học NorthEast (NECCES) tại Đại học Binghamton thuộc Đại học Bang New York (Hoa Kỳ)…

Chuỗi tọa đàm “Khoa học và Cuộc sống” là hoạt động định kỳ trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture thường niên, quy tụ những chuyên gia hàng đầu thế giới (Ảnh: Quỹ VinFuture).

Chuỗi tọa đàm “Khoa học và Cuộc sống” là hoạt động định kỳ trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture thường niên, quy tụ những chuyên gia hàng đầu thế giới (Ảnh: Quỹ VinFuture).

Với sự xuất hiện của những nhà khoa học hàng đầu thế giới, Giải thưởng VinFuture 2023 tiếp tục cho thấy là điểm đến kết nối trí tuệ toàn cầu, giúp thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như mang tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.

Chuỗi tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” nằm trong Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023 gồm 4 phiên:

Phiên 1: Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại (18/12/2023)

Phiên 2: Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn (18/12/2023)

Phiên 3: Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh (19/12/2023)

Phiên 4: Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức (19/12/2023)

Thuỷ Uyên