Không đi vẫn phải trả tiền
Đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư theo hình thức Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao (BOT) giao thông là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu hiện nay vì ngân sách hạn chế, nợ công ở mức cao.
Hình thức BOT cần thiết, đúng đắn là vậy, nhưng thời gian qua gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng an ninh, trật tự xã hội.
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về tình hình xử lý bất cập tại các dự án BOT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký gửi Quốc hội cho hay, có 17 trạm phát sinh những bất cập về vị trí đặt trạm cần xử lý.
Trong đó, 3 trạm đặt ở ngoài phạm vi dự án; 6 trạm đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh; 6 trạm thu trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành; 2 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho Dự án hầm Đèo Cả.
Ngay lập tức một đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những giải pháp BOT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải báo cáo trước Quốc hội chỉ toát lên việc “dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, thì giảm”, không cho thấy Bộ trưởng vì lợi ích của người dân.
17 dự án đặt sai vị trí trong đó 3 dự án dân không đi phải trả tiền, 6 dự án làm trên đường cao tốc và làm đường chính thì đặt ở đường chính và thu cả cao tốc, tức là không đi cao tốc cũng phải trả tiền, 6 dự án không đi đường tránh phải trả tiền.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giao thông - Tiến sĩ Nguyễn xuân Thủy cho rằng: “Lãnh đạo ngành giao thông làm sao tính toán các phương án, các giải pháp để hình thức BOT phục vụ xã hội, phục vụ người dân tốt nhất.
Chứ như vừa qua, Bộ trưởng phụ thuộc quá nhiều vào nhà đầu tư BOT đã gây ra những phản ứng, bức xúc từ phía dư luận”.
Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ từng bị người dân phản đối vì chủ đầu tư chỉ "tráng men", cải tạo nhưng thu phí như làm đường mới. Ảnh: Vũ Phương |
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy chỉ ra: “17 trạm thu phí đặt sai vị trí, cái này đâu phải chỉ do lỗi của nhà đầu tư, mà có lỗi từ cán bộ tham mưu của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Rõ ràng việc đặt các trạm thu phí sai vị trí là có ý đồ của các bên liên quan nhằm thu được nhiều tiền từ túi tiền của người dân.
Chính điều này dẫn đến bức xúc, gây phản cảm như trạm BOT Cai Lậy. Đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết dứt điểm được bất cập của trạm BOT này.
Vấn đề BOT hiện nay vẫn rối như gà mắc tóc, nhưng vấn đề Bộ Giao thông Vận tải không thể mua lại hết các dự án BOT sai phạm được mà buộc phải im lặng để nghe người dân kêu, người dân phản ứng để thực hiện được ý đồ của mình là thu được thật nhiều tiền nhằm hòa vốn và có lãi.
17 dự án BOT sai vị trí, có vấn đề, nhưng giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra cũng chưa triệt để và không muốn nói là vòng vo, trả lời cho xong.
Một nguyên nhân mà nhiều trạm BOT sai vị trí, có vấn đề chưa giải quyết được có thể là anh đã đồng ý cho nhà đầu tư thu như thế, đặt tại vị trí đó rồi bây giờ không cho thì nhà đầu tư không chịu”.
Một trong những nguyên nhân gây bức xúc dư luận về vấn đề BOT đó là người dân không còn quyền lựa chọn đi đường trả phí hay đi đường miễn phí.
Về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh: “Tôi đã góp ý, nêu vấn đề ai cho phép làm BOT những con đường độc đạo. Làm BOT đường độc đạo thì người dân đi lối nào.
Như tuyến Quốc lộ 1 chẳng hạn, cho làm dự án này theo hình thức BOT, tôi đã phản ứng gay gắt. Họ còn lý giải làm BOT tuyến này tiết kiệm cho ngân sách 80 ngàn tỷ đồng. Nhưng vấn đề ở đây là đường độc đạo thì không được làm BOT.
Sau này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng thống nhất 2 tuyến trở lên mới làm BOT chứ không làm đường độc đạo. Đường là phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân nên không thể làm BOT ở những con đường độc đạo”
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, đường độc đạo mà cho làm BOT khác nào ép người dân đi đường trả phí. Ảnh: giaoduc.net.vn |
Nhiều dự án BOT chỉ “tráng nhựa” thu phí như đầu tư một con đường mới hoàn toàn hay làm đường một đằng đặt trạm BOT một nẻo người dân đều biết hết, còn chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Bộ Giao thông Vận tải và chủ đầu tư đừng có xem thường sự giám sát của người dân. Bởi các anh làm gì, làm như thế nào người dân đều biết hết.
Đến khi xảy ra vấn đề như ở BOT Cai Lậy, Phú Thọ, Thái Nguyên… người ta mới bừng tỉnh là không thể xem thường sự giám sát, hiểu biết của người dân.
Vấn đề người dân không phải lúc nào cũng phản ứng như trả tiền lẻ, đòi tiền thừa 100 đồng… mà anh làm quá đáng đến mức gây phẫn nộ người dân mới hành động, phản ứng như vậy.
Như vừa rồi lại đổi trạm thu phí thành trạm thu giá cũng gây dư luận không tốt về hình thức BOT. Có lái xe khi đi qua trạm BOT đã mang giá đỗ để trả.
Bởi vậy, vấn đề muốn nói ở đây là BOT đang nóng, gây bức xúc dư luận thì anh đưa ra ý tưởng, sáng kiến gì cũng nên vì người dân, còn vì chủ đầu tư, doanh nghiệp thì người dân càng bức xúc, bức tranh về BOT lại càng tối”.
Công khai dự án BOT tránh lợi ích nhóm
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh: “Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư vừa qua đang qua mặt người dân để tận thu của người dân.
Qua mặt người dân ở đây là đặt không đúng vị trí, phí quá cao. Trong đó nhiều khoản người dân không biết, do muốn thu hồi nhanh đã để giá cao và tăng thời gian thu lên.
Bởi vậy, công khai, minh bạch dự án BOT là hết sức cần thiết để tránh tiêu tực, lợi ích nhóm. Anh cũng không thể lý giải với người dân là có điều khoản bảo mật trong hợp đồng BOT, có gì mà phải bảo mật.
Phải chăng anh cứ quan trọng vấn đề nhằm lấp liếm, chuyện anh đầu tư anh có lãi là việc hết sức bình thường. Nhưng phải công khai để người dân biết, anh thu được bao nhiêu tiền, trong thời gian nào bao lâu”.
Bộ Giao thông Vận tải từng đề xuất bỏ quy định mật độ giữa các trạm BOT là 70km đã vấp phải phản ứng từ dư luận.
Về đề xuất này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy đặt vấn đề : “Tại sao Bộ Giao thông Vận tải lại đề nghị buồn cười như thế. Nếu bỏ quy định này thì điều này có nghĩa luật không có nữa, anh muốn đặt khoảng cách vị trí trạm BOT thế nào cũng được, tức người dân sẽ phải nộp tiền nhiều hơn.
Thực tế, hiện nay có quy định khoảng cách BOT họ còn vi phạm, còn bỏ quy định này thì không biết khoảng cách giữa các trạm BOT sẽ như thế nào”.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh: “Một lần nữa tôi nhắc lại chủ trương BOT là đúng khi huy động nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng, nhưng cần phải có luật riêng mà phải thông qua Quốc hội duyệt.
Quốc hội phải có ý kiến, đường nào làm BOT, mức thu, thời gian thu. Chứ không thể thương mại hóa tất cả mạng lưới giao thông.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng hứa 2 đường trở lên mới làm BOT, tính giá công khai minh bạch, giám sát, các trạm hợp lý, thu 100% tự động hóa. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải hứa như vậy, còn thực hiện như thế nào phải chờ.
Trong khi đó, thực tế nhiều tháng qua nhiều chủ đầu tư đang kéo dài việc thu phí tự động. Mục đích của việc kéo dài này rõ rằng nhằm nhập nhèm việc thu phí BOT. Thu chậm ngày nào sẽ thất thoát ngày đó.
Nhưng không để chủ đầu tư chậm triển khai thu phí tự động tại các BOT như thời gian qua, chậm nhất hết năm nay, sang năm 2019 phải thu phí BOT hoàn toàn tự động. Nhưng cũng phải kiểm tra việc thu tự động thường xuyên, bởi máy móc cũng có thể bị can thiệp”.