Những cách kiểm tra chính thức, có chấm điểm ở bậc học phổ thông Mỹ

16/05/2017 07:00
Bài và ảnh: Thu Hồng
(GDVN) - Tôi chỉ thấy may mà mình không phải học và ôn thi như các bạn học trò ở đây, cô ĐInh Thu Hồng nhận xét.

LTS: Nhân mùa thi đang đến, cô giáo Đinh Thu Hồng, một giáo viên tiểu học ở Hoa Kỳ tiếp tục gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết thứ hai về việc thi cử và kiểm tra ở bậc học phổ thông tại quốc gia này.

Theo đó, tác giả sẽ chia sẻ về những cách kiểm tra mang tính chính thức, tức là kiểm tra chấm điểm, đánh giá, phân loại, xếp hạng học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mục đích chính của những cách kiểm tra chính thức là: 

1. Đánh giá lượng kiến thức thu được trong 1 thời điểm, giai đoạn hay quá trình.

2. Phân loại học sinh để chia nhóm cho phù hợp. Thường có 3 loại chính - dưới trung bình/below level/intensive, trung bình /on level/strategic, và trên trung bình /above level/bench marked. 

3. Đánh giá thành tích chung cuối cùng sau 1 thời gian nhất định. 

Bài kiểm tra Toán chương.
Bài kiểm tra Toán chương.

Những cách kiểm tra kiểu chính thức (formal) như sau:

1. Quizzes/Common Assessments: dạng bài kiểm tra ngắn, thường sau một chủ đề (topic) nhất định. Ví dụ sau vài hôm các em được học về phép cộng có nhớ hay về hậu tố/suffixes thì sẽ có quiz.

2. Tests/Unit tests: sau khoảng 4-5 tuần thì sẽ có bài kiểm tra dài/ unit test.

Kiểm tra không lấy điểm ở bậc phổ thông của Mỹ

Ví dụ unit test trong Toán như Đo lường /Measurement, hay Cộng trừ trong phạm vi 100/Understanding Based-ten. Có khi thi trên giấy (pencil-paper), cũng có khi thi trên máy tính.

3. Benchmark tests/Summative Assessments: 

Những bài kiểm tra dạng này thường sau mỗi 3 tháng. Có lẽ như dạng kiểm tra học kỳ ở Việt Nam. 1 năm trung bình có 3-4 lần: đầu năm học, giữa, và cuối năm. Những dạng bài này có 2 dạng chính sau: 

+ Không tính giờ: thường là dạng bài viết hay đọc hiểu thuộc môn Văn/English Language Arts 
+ Tính giờ/timed test/fluency test: ví dụ với trình độ lớp 2, kiểm tra cuối năm, trong 1 phút phải đọc được 87 từ mới được coi là trên trung bình. 

Hay môn Toán, thi cuối năm, trong vòng 2 phút phải làm được 26 phép tính mới được coi là trên trung bình. Những bài thi phổ biến là DIBELS, DAZE.

Dạng bài kiểm tra "Benchmark tests" giống như kiểm tra học kỳ ở Việt Nam.
Dạng bài kiểm tra "Benchmark tests" giống như kiểm tra học kỳ ở Việt Nam.

4. Final project/exam/paper: đây là dạng bài thi mang tính tổng hợp nhiều kỹ năng, áp dụng cho các học sinh từ trung học cơ sở (middle school) trở lên. Dạng như bài luận, dự án, thuyết trình ...

5. Performance-based projects: dạng kiểm tra này đang ngày càng phổ biến vì mang tính tổng hợp hơn - đánh giá được học sinh ở nhiều kỹ năng khác nhau. 

Dạng dự án này được thiết kế dựa trên 1 mục tiêu gắn liền với đời sống và mang tính liên môn/ gồm nhiều những task khác nhau của nhiều môn học. 

Dạng kiểm tra này được khuyến khích vì mang tính kết nối tập thể, thực tiễn, và cuốn hút học sinh.

6. Standardized tests/high-stake testings: đây là dạng bài thi cuối năm mà bất cứ học sinh phổ thông nào, từ lớp 3 trở lên, đều phải thi. 

Có 2 môn chính là Toán và Văn. Mỗi tiểu bang có tên gọi và đề bài, dạng câu hỏi khác nhau. 

Ví dụ ở bang Georgia của Thu Hồng tên kỳ thi là Georgia Milestones, ở tiểu bang New Jersey thì tên là PArCC, tên kỳ thi cũ là NJ Asks.

Những kỳ thi quan trọng này do các công ty tư nhân đứng ra thiết kế, điều phối. Đã có rất nhiều luồng dư luận phản đối về kỳ thi dạng standardized tests /high stakes tests này. 

Nhất là sau bản báo cáo về Giáo dục quốc gia gây chấn động năm 1983 tên A Nation at Risk/Quốc gia đang lâm nguy.

Rồi sau này với những đạo luật như No Child Left Behind hay Race to the Top, ra quy định bắt buộc cho các kỳ thi, thì nước Mỹ hay cụ thể là nền Giáo dục Hoa Kỳ đứng trước vấn nạn thi cử điên cuồng. 

Rồi gần đây, từ 2001- 2014 và cho đến nay, là việc ra đời và áp dụng bộ tiêu chuẩn chung cho các bài giảng (Common Core State Standards), càng làm cho tình hình chung trở nên bức xúc với nhiều người.

Bài kiểm tra môn Văn ở Mỹ.
Bài kiểm tra môn Văn ở Mỹ.

Sau đây là những chỉ trích về những kỳ thi cuối năm hay high-stakes testing này:

- Thay vì dồn thời gian công sức dạy học sinh những kiến thức thực tế thì thày cô giáo phải lo luyện thi cho học sinh, hoặc chỉ dạy những gì sẽ được kiểm tra (teaching to the test).

- Việc các tập đoàn, công ty tư nhân được hưởng lợi lớn từ các kỳ thi này thì tránh được nhắc đến.

- Thay vì thay đổi phương pháp giảng dạy và chương trình học, chất lượng đào tạo giáo viên, phân bổ ngân sách đồng đều như dự định ban đầu, trên thực tế đạo luật No Child Left Behind làm những điều ngược lại.

- Những kỳ thi này làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các trường, các khối học sinh. 

Mặc dù các kỳ thi đặt mục tiêu tạo ra số liệu khách quan nhưng sự thực lại tăng sự bất công về nguồn tài liệu, cơ hội tiếp cận và các dịch vụ hỗ trợ kèm theo. 

Điểm thi tỷ lệ thuận với mức thu nhập, và màu da của tộc người đa số (Mỹ trắng) - theo nhiều nghiên cứu khoa học. 

Những kỳ thi này không phản ánh được năng lực thực sự của thí sinh mà chỉ đẩy xa sự khác biệt và bất công.

Ví dụ bài thi đọc trôi chảy/fluency reading test học sinh nhập cư ESL và nhiều trẻ em khác thường bị dưới trung bình vì các em không quen áp lực thời gian, do đặc tính lứa tuổi. 

Những cách kiểm tra chính thức, có chấm điểm ở bậc học phổ thông Mỹ ảnh 4

“Quốc gia lâm nguy - Yêu cầu cấp bách cải cách giáo dục”, bài học Mỹ năm 1983

Nếu không đặt giờ trong 1-2 phút, các bé đọc bình tĩnh hơn và đúng hơn.

- Ngôn ngữ sách giáo khoa viết theo Common Core State Standards khó hiểu, phức tạp, gây khó khăn cho học sinh, thày cô giáo và phụ huynh.

- Đã có rất nhiều nghiên cứu và bài báo, bình luận, báo cáo về những mặt tiêu cực của kỳ thi cuối năm như: chán học, bỏ học, bất công xã hội, phạm pháp vị thành niên...

Nói thế nào thì các kỳ thi standardized tests vẫn còn đấy. Các em năm nào cũng lo thi căng thẳng, bạc mặt.

Nếu không đỗ sẽ phải lo học và thi lại. Đủ điểm mới được xét lên lớp hay chuyển cấp hay được tốt nghiệp.

Sau đây là vào nguồn tài liệu giúp các em luyện thi.

Những trang web rất hay để thi thử ELA & Math:

1. Achieve the Core
http://achievethecore.org/p…/1373/narrative-range-of-writing

2. Engage New York
https://www.engageny.org/

3. Smarter Balanced 
http://www.smarterbalanced.org/

4. PARCC
https://parcc.pearson.com/

Để ôn cho môn đọc các thày cô cũng hay dùng http://www.readworks.org/. Sơ qua như sau về trang Readworks:

- Trang chủ yếu dành cho học sinh lớp 3 trở lên
- Trang có rất nhiều bản text dạng non-fiction /cung cấp thông tin thực, file PDF, in ra được
- Mỗi file đều có câu hỏi đọc hiểu kèm theo
- Đủ các chủ đề, theo lớp học, theo trình độ đọc
- Hoàn toàn miễn phí 
- Được dùng rất nhiều cho học sinh ôn luyện để thi đọc hiểu

Xin xem video sau để tìm hiểu kỹ hơn về từng trang, mỗi trang có đặc điểm và thế mạnh riêng: https://www.youtube.com/watch?v=tIJp2W-6_bk

Tôi chỉ thấy may mà mình không phải học và ôn thi như các bạn học trò ở đây.

Nhìn đống tài liệu đồ sộ trên mỗi trang là thấy toát mồ hôi rồi. Và cũng thấy may vì trước giờ chỉ dạy lớp 2, khối lớp chưa phải thi cuối năm trong các kỳ thi của tiểu bang.

Giáo viên nào dạy từ lớp 3 trở lên cũng rất lo. Lo cho việc thi của học sinh.

Bài và ảnh: Thu Hồng